1. Tìm hiểu nhu cầu của giáo viên và sinh viên
Nhu cầu của độc giả sẽ quyết định nội dung chính của website sắp được xây dựng. Vì vậy, khi xây dựng website thì tác giả cần trả lời một loạt các câu hỏi như:
- Đã từng có website nào đề cập đến vấn đề sẽ nêu ra? - Chúng có giúp ích như thế nào cho giảng dạy địa lí 11? - Độc giả nhìn nhận ra sao với vấn đề này?
- GV và sinh viên cần những thông tin gì?...
Việc thăm dò ý kiến này sẽ phần nào định hình cho những ý tưởng về hình thức, nội dung cũng như khả năng sử dụng của website.
Hình 3. Tìm hiểu nhu cầu độc giả
2. Đăng kí tên miền - tính chính danh của website
Trong giai đoạn thử nghiệm, chúng ta có thể chọn một dịch vụ host, tên miền miễn phí. Tuy nhiên, lựa chọn này có mặt trái như sau:
- Tên miền của website phụ thuộc vào nhà cung cấp. Thông thường, tên miền hay phải “đính kèm” thêm tên của nhà cung cấp.
- Nền tảng website phụ thuộc vào nhà cung cấp. Nhà cung cấp cho chúng ta nền tảng nào thì phải sử dụng nền tảng đó, nếu không thì phải lựa chọn nhà cung cấp khác.
- Phần lớn các website đặt trên các host miễn phí phải chịu các banner quảng cáo của nhà cung cấp host miễn phí chèn vào. Điều này có thể gây bất lợi, thậm chí phản cảm cho website phục vụ dạy học.
- Các điều khoản bảo mật, sao lưu không chặt chẽ, không có ràng buộc dịch vụ đảm bảo hoạt động lâu dài, có nguy cơ bị mất dữ liệu cũng như website.
Định hƣớng website
- Xây dựng website GDPTBV cho lớp 11. - Nội dung tập trung vào các chủ đề chính: lí luận chung về GDPTBV, xây dựng công cụ GDPTBV, hướng dẫn cách tổ chức các hoạt động GDPTBV, đánh giá trong dạy học địa lí 11, các chuyên đề liên quan như giáo dục biến đổi khí hậu, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
- Đảm báo tính khoa học và tính sư phạm - Giao diện đơn giản, chạy trên nhiều trình duyệt và tốc độ đường truyền khác nhau.
Nhu cầu độc giả
- Có một website chuyên biệt cho GDPTBV.
- Nội dung chính của website: cung cấp nguồn tài nguyên, công cụ, phương pháp tổ chức các hoạt động GDPTBV.
- Thông tin trên website cập nhật, độ tin cậy cao.
- Dễ sử dụng, có thể truy cập với tốc độ đường truyền mạng Internet chậm.
Như vậy, tốt nhất là người xây dựng website nên thuê một dịch vụ host của nhà cung cấp uy tín, tên miền phải phổ biến để nhận được sự tin tưởng của độc giả. Trong trường hợp website này, tên miền nên được đăng kí bằng tiếng Việt và đặc trưng cho giáo dục (có phần đuôi là .edu.vn).
Hiện nay, có khá nhiều trường học khuyến khích GV xây dựng website và blog phục vụ giáo dục. Nếu trường học có webserver thì việc đăng kí tên miền và sử dụng host sẽ được tiết kiệm và thuận lợi hơn. Tuy nhiên, nếu phải thuê dịch vụ này thì có thể kể đến một số nhà cung cấp có uy tín và giá thành khá thấp như FPT.VN, MATBAO.NET, PAVIETNAM.VN, chúng ta còn có thể được hỗ trợ kĩ thuật từ nhà cung cấp và được pháp luật Việt Nam bảo vệ.
Để có thể hạn chế đến mức thấp nhất chi phí xây dựng website mà vẫn tạo được sự tin tưởng cho độc giả, chúng tôi đã sử dụng tên miền và host được cung cấp bởi trường đại học An Giang. Điều này còn có nghĩa là nội dung và hình thức trình bày website luôn được giám sát và tuân theo những quy định chung của nhà trường.
3. Chọn nền tảng để tạo website
Khi xây dựng website phục vụ dạy học, người xây dựng phải chú ý đến sự lựa chọn nền tảng web, không nên dùng nền tảng tạo diễn đàn (forum platform), blog để làm website. Thông thường, theo quy ước thì các nền tảng khác nhau sẽ được dùng để tạo các môi trường với mục đích khác nhau:
- Nền tảng tạo website, hệ thống quản lí nội dung (CMS): dùng để đăng tải, tin tức, tài nguyên giáo dục, hình ảnh, hoạt động, quản lí đăng kí thông tin, hỏi đáp,…
- Nền tảng hệ thống quản lí học tập (LMS): dùng để tạo các lớp học ảo, GV đưa nội dung bài học, bài kiểm tra, HS đăng nhập để xem nội dung và học tập,.. GV cũng có thể quản lí HS: ai đã đăng nhập, đã có hoạt động gì, GV có thể thiết kế bài giảng theo các phương pháp dạy học tích cực như dạy học theo phương pháp dự án, dạy học theo chương trình hóa.
- Nền tảng tạo blog: có thể dùng để tạo web nhưng thường hạn chế chức năng, thường được dùng để làm nơi GV đăng tải các bài liên quan đến học tập, hoặc các HS viết blog về một chủ đề nào đó, trao đổi, bình luận,…
- Nền tảng kiwi: công cụ này dùng để tạo môi trường cộng tác cho các độc giả, cho phép nhiều người cùng tham gia viết, chỉnh sửa, thêm, xóa các chủ đề.