Khấu hao tài sản cố định và các phương pháp khấu hao tài sản cố định

Một phần của tài liệu Giáo trình quản trị tài chính (Trang 90)

2. KHẤU HAO TÀI SẢN CỐ ĐỊNH

2.2.Khấu hao tài sản cố định và các phương pháp khấu hao tài sản cố định

2.2.1. Khấu hao tài sản cố định

Khấu hao là sự phân bổ một cách hệ thống chi phí mua tài sản cố định theo thời gian cho mục đích báo cáo tài chính, mục đích tính thuế hoặc cả hai. Khấu hao được đưa vào khoản mục chi phí nên việc giảm trừ khấu hao khỏi thu nhập tính thuế thấp hơn. Khi các yếu tố khác không đổi, chi phí khấu hao càng lớn thì thuế càng thấp.

Giá trị hao mòn của tài sản cố định sử dụng trong quá trình sản xuất kinh doanh được chuyển dịch vào giá trị sản phẩm sản xuất ra dưới hình thức trích khấu hao tài sản cố định. Khấu hao tài sản cố định là chuyển phần giá trị hao mòn của tài sản cố định trong kỳ sản xuất kinh doanh vào giá thành sản phẩm, để khi sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp được tiêu thụ thì phần giá trị hao mòn được hoàn lại để tái đầu tư tài sản cố định. Vì vậy, việc lựa chọn phương pháp khấu hao, thời gian khấu hao và mức khấu hao hàng năm có ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Như vậy, “khấu hao tài sản cố định là việc tính toán và phân bổ một cách có hệ thống nguyên giá của tài sản cố định vào chi phí kinh doanh qua thời gian sử dụng của tài sản cố định.”

Về nguyên tắc, việc tính khấu hao tài sản cố định phải phù hợp với mức độ hao mòn tài sản cố định và đảm bảo thu hồi vốn đầu tư ban đầu. Việc thực hiện khấu hao tài sản cố định một cách hợp lý có ý nghĩa kinh tế lớn đối với doanh nghiệp.

Tóm lại, hao mòn tài sản cố định là hiện tượng khách quan làm giảm giá trị và giá trị sử dụng của tài sản cố định; còn khấu hao tài sản cố định là biện pháp chủ quan nhằm thu hồi vốn đầu tư để tái tạo lại tài sản cố định khi tài sản cố định bị hư hỏng hoàn toàn.

Một phần của tài liệu Giáo trình quản trị tài chính (Trang 90)