Sử dụng điển tích, thành ngữ Hán

Một phần của tài liệu Hiện tượng song ngữ qua sáng tác của Nguyễn Trãi (Trang 73 - 78)

3. Mối quan hệ ảnh hưởng hai chiều Hán – Việt, Việt – Hán trong việc thể hiện nội dung tư tưởng

1.2.1 Sử dụng điển tích, thành ngữ Hán

Góp phần quan trọng vào việc tạo nên tính hàm súc cho sáng tác chữ Hán của Nguyễn Trãi là việc sử dụng thi liệu từ văn chương cổ, những điển tích, thành ngữ Hán.

Điển tích là một bộ phận thuộc vốn thi liệu bác học, được hiểu là “câu chuyện trong sách đời trước được dẫn lại một cách cô đúc trong tác phẩm” [83, 381]. Điển tích được sử dụng trong văn học thường là những câu chuyện về các nhân vật, địa danh, sự kiện lịch sử Trung Hoa, được các nhà văn Việt Nam học tập thông qua sách vở thư tịch chữ Hán. Điển tích hàm chứa nội dung sâu sắc nhưng được thể hiện hết sức cô đọng, mang tính khái quát, gợi ra nhiều liên tưởng. Tính cô đọng, hàm súc đã đáp ứng được yêu cầu truyền tải nội dung sâu xa với số chữ hạn chế của văn chương, đặc biệt với thơ Đườngluật, yêu cầu đó càng khắt khe. Điển tích được sử dụng nhiều trong sáng tác, đặc biệt thành phần viết bằng chữ Hán.

Thành ngữ là “cụm từ hay ngữ cố định, bền vững, có tính nguyên khối về ngữ nghĩa không nhằm diễn trọn một ý, một nhận xét như tục ngữ, mà nhằm thể hiện một quan niệm dưới một hình thức sinh động, hàm súc” [19, 297]. Vốn thành ngữ Hán cũng là một yếu tố làm nên tính cô đọng, súc tích của văn học viết bằng chữ ngoại lai.

Một số liệu khảo sát cho thấy, trong số 62 bức thư của Quân trung từ mệnh tập thì có 28 văn bản có sử dụng điển tích, chiếm 45% [71, 92], trong đó có những bức thư sử dụng nhiều điển tích. Những bức thư không sử dụng điển tích thường là những bức thư ngắn để thông báo, như thông báo việc con cháu nhà Trần dâng biểu cầu phong cùng sứ giả đi sang Trung Quốc (Bức 10,

Thư gửi bọn Hoa đại nhân), thông báo về việc sửa chữa cầu đường đã xong cho các vị Hình đại nhân và các vị Đả Công, Lương Công (Bức 12, Lại thư cho Đả Trung và Lương Nhữ Hốt), báo cho Vương Thông việc quân ta dời

đến bên thành Bắc Giang để tiện cho việc hòa ước (Bức 18, Lại thư cho Vương Thông),... Những bức thư sử dụng nhiều điển tích thường nhằm mục đích liệt kê tội ác của giặc, phân tích lẽ đúng sai, dẫn về nhân vật thiện ác trong lịch sử Trung Quốc (Bức 26 (Lại thư cho Vương Thông), Bức 31 (Thư dụ thành Bắc Giang), Bức 33, 36 (Thư cho Vương Thông),...). Có những điển tích được sử dụng lặp lại nhiều lần ở các bức thư khác nhau. Chẳng hạn, điển tích “cân quắc chi nhục” (nhục khăn yếm) vốn là mượn chữ “cân quắc” là đồ trang sức của đàn bà. Sách Tấn thư ghi lại rằng xưa Gia Cát Lượng đi đánh Ngụy, đem quân đến đồng bằng phía nam sông Vị Thủy, khiêu chiến mãi Tư Mã Ý không ra đánh, bèn sai người đưa cho Ý những khăn của đàn bà để làm nhục. Điển tích này xuất hiện hai lần ở các bức: 7 (Lại thư cho Phương Chính), 33 (Thư cho Vương Thông). Ngay cả trong một bức thư, một điển tích có thể lặp lại, như sử dụng điển về Bách Lý Hề và Lý Tả Xa – những người tài giỏi - nhằm thức tỉnh Thái đô đốc được dùng hai lần trong bức 38 (Thư cho Thái đô đốc).

Cùng với điển tích, thành ngữ Hán cũng có vai trò thể hiện tính hàm súc cho tác phẩm. Có thể kể đến một số thành ngữ được sử dụng trong Quân trung từ mệnh tập như: “đại đức tiếp nhân, dư ân cập vật” (đức rải muôn người, ân trùm vạn vật) (Thỉnh hàng thư), “vô cô chi tội” (vô cớ mang tội) (Nghệ tổng binh quan cập Thanh Hóa phủ, vệ quan thư), “ố tử hiếu sinh” (ghét chết thích sống), “hướng vinh tị nhục” (tránh nhục tìm vinh), “tư hỉ phục sinh” (lòng mừng như sống lại) (Dữ thái giám Sơn Thọ thư),...

Các điển tích và thành ngữ Hán đó đã giúp Nguyễn Trãi tăng tính thuyết phục, tăng hiệu quả chiến đấu cho những bức thư của mình. Trong thơ chữ Hán, thi nhân cũng sử dụng điển khiến ngôn ngữ hàm súc, trang nhã, kiến tạo những hình tượng nghệ thuật giàu ý nghĩa, qua đó thể hiện tài năng, bày tỏ tâm sự cá nhân, nỗi buồn bi quan yếm thế trước cuộc đời.

Thi nhân xưa thường mượn hình ảnh chim tung cánh lên bầu trời cao để thể hiện chí hướng muốn làm những việc lớn cho đời. Nguyễn Hữu Cầu có hai câu thơ nổi tiếng:

Bay thẳng cánh muôn trùng tiêu Hán Phá vòng vây bạn với kim ô

(Chim trong lồng)

Nguyễn Trãi cũng mượn cánh chim bằng biển Bắc để nói lên hoài bão của mình:

Cửu vạn đoàn phong kí tích tằng Đương niên thác tỉ bắc minh bằng

(Cỡi gió lên chín vạn dặm, nhớ xưa đã từng có chí ấy Bấy giớ toan ví mình như chim bằng biển bắc)

(Mạn hứng) Trong “Nam Hoa kinh” của Trang Tử có kể về loài chim kì lạ này. Ở biển bắc có con chim tên là Bằng. Lưng con chim Bằng lớn không biết mấy ngàn dặm. Khi con chim Bằng vỗ cánh lên cao, hai cánh nó lớn như đám mây che cả bầu trời. Hình tượng chim Bằng lưng chở trời xanh là một hình tượng kì vĩ nói lên chí hướng, hoài bão lập thân của nhà Nho Nguyễn Trãi.

Lãm huy nghĩ học minh dương phượng, Viễn hại chung vi tị dặc hồng

(Muốn học chim phượng thấy sáng hót ánh mặt trời, Rốt cuộc làm chim hồng tránh tên lánh hại)

(Họa hương tiên sinh vận giản chư đồng chí)

Chúng ta thấy ở đây là hình tượng “minh dương phượng” gắn với điển tích: Lý Thiện Cẩm đời Đường làm chức quan ngự sử, tính tình liêm khiết, thẳng thắn. Ông dâng sớ can vua về việc xây cung điện xa hoa nên được

người đời khen lầ “minh dương phượng” (chim phượng cất cao tiếng hót lúc mặt trời mọc). Mượn điển này, Nguyễn Trãi thể hiện tâm sự bi quan yếm thế khi hoài bão không thành, gươm báu đành trao vào vỏ.

Có thể thấy trong thơ chữ Hán, Nguyễn Trãi nhắc nhiều đến các danh nhân Trung Hoa như Tử Mĩ (Đỗ Phủ), Bá Nhân, Y Doãn, Bá Di, Thúc Tề, Sào Phủ, Hứa Do, Vương Thức, Linh Quân,...

Tử Mĩ cô trung Đường nhật nguyệt Bá Nhân song lệ Tấn sơn hà

(Tử Mĩ giữ lòng trung mồ côi đối với ngày tháng nhà Đường Bá Nhân ứa nước mắt hai hàng mà khóc non sông nhà Tấn)

(Loạn hậu cảm tác) Tử Mĩ (Đỗ Phủ) là thi hào Trung Quốc đời Đường. Trong cuộc loạn An Lộc Sơn, ông thường đau đớn ôm lòng cô trung với nhà Đường. Bá Nhân tức Chu Nghĩ, người Trung Quốc đời Tấn, làm Thượng thư Tả bộc xa. Khi nhà Tấn mất, ông chạy sang Giang Đông cùng các danh sĩ yến hội ở Tân Đình, nhìn về non sông nhà Tấn mà rơi nước mắt. Tấm lòng cô trung của Tử Mĩ, Bá Nhân cũng chính là tấm lòng Nguyễn Trãi đối với quốc gia, dân tộc.

Ý thân phụ chính tưởng Chu công Xử biến thùy tương Y Doãn đồng Ngọc kỉ di ngôn thường tại niệm Kim đằng cố sự cảm ngôn công

(Người thân tốt phụ chính nhớ đến Chu công Xử cảnh quyền biến, ai đem để cùng với Y Doãn Lời trối ở ghế ngọc luôn luôn để dạ

Cái hộp kim đằng trước kia đâu dám bảo là công)

Y Doãn là công thần của nhà Thương, giúp vua Thang đánh vua Kiệt. Vua Thang chết, cháu là Thái Giáp vô đạo, Y Doãn đày đi đất Đồng, được ba năm Thái Giáp hối hận, Y Doãn lại đón về kinh đô. Mạnh Tử khen Y Doãn là thánh. Hai câu sau, hình ảnh “di ngôn” (lời trối) và “kim đằng” (hộp vàng) khiến ta nhớ đến điển tích về Chu Công Đán. Vũ vương nhà Chu trước lúc chết trối lời giao con nhỏ là Thành vương cho Chu Công Đán giúp. Vũ vương ốm, Chu công cầu với tổ tiên xin chết thay, quan sử đặt lời chúc vào hộp buộc bằng dây vàng (nên gọi là kim đằng). Vũ vương chết, Thành vương nối ngôi, Chu công phụ chính. Quản Thúc dèm pha, Chu công lánh ở sang Đông Đô. Sau Thành vương mở hộp kim đằng ra xem, biết bụng Chu công, bèn rước Chu công trở về. Cuộc đời Chu công một lòng vì vua vì nước, bị người đời dèm pha đành lánh ẩn khiến ta liên tưởng đến Nguyễn Trãi dưới triều Lê, vì bọn gian thần mà phải lánh đục tìm trong, nhưng liệu bậc minh quân có biết và hiểu nỗi lòng ấy như Thành vương hiểu Chu công không?

Chung Kỳ bất tác chú kim nan, Độc bão dao cầm đối nguyệt đàn. Tĩnh dạ bích tiêu lương tự thủy, Nhất thanh hạc lệ cửu cao hàn

(Không làm được Chung Kỳ vì đúc vàng khó, Một mình ôm đàn ngọc đối trăng mà đàn. Đêm lạnh vòm trời biếc lạnh như nước, Một tiếng hạc rít lạnh ngắt ở chín chằm)

(Đề Bá Nha cổ cầm đổ)

Bá Nha, Tử Kì (Chung Tử Kì) là đôi bạn tri âm tri kỉ. Bá Nha có tài đàn, khi Tử Kì mất, Bá Nha đập đàn không gảy nữa, vì cho rằng đời không

còn ai hiểu tiếng đàn của mình. Điển tích giúp ta hiểu hơn về con người Nguyễn Trãi, một người ôm mối cô đơn và luôn khát khao tri âm, tri kỉ.

Qua việc dẫn điển về các danh nhân xưa, Nguyễn Trãi giúp ta càng hiểu hơn về con người và tâm sự của ông. Nguyễn Trãi tìm sự đồng cảm ở người xưa để người nay đồng cảm với thi nhân.

Một phần của tài liệu Hiện tượng song ngữ qua sáng tác của Nguyễn Trãi (Trang 73 - 78)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(110 trang)
w