Trong văn học trung đại Việt Nam, đa số tác giả đều là những nhà Nho, thuộc tầng lớp trí thức tinh thông Hán học nên hầu hết đều có tác phẩm viết bằng chữ Hán. Một số tác giả chỉ “trung thành” với văn chương chính thống như Nguyễn Trung Ngạn, Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Thông, Nguyễn Xuân Ôn,... Một số khác lại chỉ sáng tác bằng chữ Nôm như Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Đình Chiểu, Trần Tế Xương,... Và không ít tác giả được đời sau ngưỡng mộ khi sử dụng thành công cả hai loại chữ trong sáng tác như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Cao Bá Quát,
Nguyễn Khuyến. Chúng tôi xin lược qua một số vấn đề về hiện tượng song ngữ trong sự nghiệp một số tác giả tiêu biểu.
Nguyễn Trãi được coi là tác gia song ngữ đầu tiên của văn học viết dân tộc. Sáng tác của ông có giá trị ở cả hai mảng chữ Hán và chữ Nôm. Thành phần văn học chữ Hán thể hiện sự đa dạng về thể loại, đề tài, chủ đề khi Nguyễn Trãi viết cả thơ, phú, cả văn chính luận và thư từ bằng loại chữ ngoại lai. Các tác phẩm đề cập đến các đề tài phong phú từ việc trọng đại quốc gia cho đến những quan sát, suy ngẫm của cá nhân. Từ chủ đề yêu nước, bảo vệ đất nước dù trong binh lửa chiến tranh hay trong thời bình đến tình yêu thiên nhiên, hay tâm sự hoài cổ đều được tìm thấy trong văn học chữ Hán. Về văn học chữ Nôm, Nguyễn Trãi chỉ để lại một tập thơ Nôm là Quốc âm thi tập
gồm 254 bài thơ chủ yếu được viết trong thời gian ở ẩn. Đây là một thành tựu có ý nghĩa quan trọng đánh dấu sự phát triển của thành phần văn học viết bằng ngôn ngữ dân tộc. Chúng tôi sẽ đi sâu vào hiện tượng song ngữ trong sáng tác của Nguyễn Trãi ở phần sau.
Nguyễn Bỉnh Khiêm là một nhà văn hóa lớn của dân tộc. Ông không chỉ được biết đến là nhà thơ viết nhiều nhất trong năm thế kỉ đầu của văn học viết Việt Nam mà còn là một nhà triết học, nhà tiên tri nổi tiếng. Nguyễn Bỉnh Khiêm để lại một khối lượng thơ không nhỏ ở cả hai mảng chữ Hán và chữ Nôm với khoảng hơn 800 bài thơ (chưa kể số bài bị thất lạc) trong hai tập
Bạch Vân am thi tập và Bạch Vân quốc ngữ thi tập. Đọc thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm, có thể nhận thấy “màu sắc Hán” thể hiện đậm nét ở nội dung triết lí, giáo huấn và những quan niệm nhân sinh. Ông từng bộc bạch: “Thơ tất cả để nói cái chí. Có người có chí ở đạo đức, có người có chí ở công danh, có người có chí ở sự ẩn dật. Tôi lúc trẻ nhờ được giáo huấn của gia đình, lớn lên làm quan, lúc về giá chỉ muốn ẩn dật. Hoặc thích cái đẹp của sơn thủy, hoặc vui cái mĩ lệ của hoa, trúc, hoặc mượn sự việc mà tự thuật,
đều nói hết đến cái chí” [32, 35]. Bên cạnh đó, Nguyễn Bỉnh Khiêm là người nối tiếp Nguyễn Trãi đã góp công lớn trong việc Việt hóa thi liệu Hán học. Những thành ngữ hay khẩu ngữ Hán như “hành chỉ”, “nam nhi chí”, “đắc đạo”, “hữu sự”,... được nhà thơ “dịch” sang chữ Nôm để phù hợp với hình thức bài thơ Việt thành “đi đỗ”, “chí con trai”, “được đạo”, “có sự”,... Ngược lại, thơ chữ Hán Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng mang “màu sắc Nôm” rất rõ ở hệ thống đề tài, hình ảnh thơ là những vật đời thường dễ dàng bắt gặp trong cuộc sống thường ngày. Nói về cây thì có cây khế, cây cau, cây chanh, cây mía, củ gừng, khoai lang, râm bụt,... Về con vật thì có trâu, bò, đom đóm, ve sầu,... Ngay cả những vật dụng quen thuộc trong nhà như chày, cối, chổi, dao, mâm, bát,... nhưng xa lạ với văn chương bác học cũng được Nguyễn Bỉnh Khiêm mang vào thơ rất tự nhiên. Điều đó làm nên nét đặc sắc rất riêng trong thơ chữ Hán Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Nguyễn Du để lại ba tập thơ chữ Hán, không có bài thơ Nôm nào nhưng lại có Truyện Kiều gồm 3254 câu thơ lục bát được viết bằng tiếng dân tộc. Thơ chữ Hán được sáng tác trong thời kì làm quan và đi sứ với nhiều bài bộc lộ tâm sự nhà thơ về bi kịch cá nhân, những thất vọng chốn quan trường hay sự xót xa trước những số phận đau khổ, bất hạnh. Sáng tác bằng chữ Nôm của Nguyễn Du – Đoạn trường tân thanh – như một viên ngọc sáng trong kho tàng văn học dân tộc. Xét riêng về góc độ ngôn ngữ, Truyện Kiềulà tập đại thành khi kết hợp một cách khéo léo, tinh tế cả hai thành phần ngôn ngữ bác học và ngôn ngữ bình dân. Đọc Truyện Kiều, nhiều câu khiến ta ngỡ như được trở về với thi nhân xưa, thân xác ở nơi lầu son gác tía mà tâm hồn phiêu diêu cùng gió cùng trăng, trong tiếng đàn du dương và sóng rượu say nồng. Nhưng rồi có thể ngay lập tức người khiến ta tỉnh thức để quay về với một không gian gần gũi thân thương với những từ ngữ, hình ảnh được chắt lọc từ đời sống hay qua những vần thơ tựa như ca dao đậm đà hồn dân tộc. Không có gì nghi ngờ khi nói rằng trong các tác giả
song ngữ, Nguyễn Du là người đi xa nhất và thành công nhất trong việc kết hợp hai thành phần ngôn ngữ này.
Nguyễn Công Trứ là tác giả tiêu biểu ở giai đoạn nửa đầu thế kỉ XIX. Ông viết cả chữ Hán và Nôm nhưng chủ yếu nổi tiếng với thơ văn Nôm, đặc biệt ở mảng hát nói với hơn 60 bài. Với cá tính của một nhà nho tài tử, có lẽ khuôn khổ chật hẹp của Hán ngữ không thể trói buộc nhà thơ. Thay vào đó, ngôn ngữ dân tộc đã trở thành công cụ đắc lực thể hiện con người, cá tính “ngất ngưởng” của Uy Viễn tướng công. Tính song ngữ thể hiện rất rõ trong hát nói Nguyễn Công Trứ bởi “có sự pha trộn giữa lời Hán và lời Việt. Hầu như bài hát nói nào cũng có câu chữ Hán đưa ra một tư tưởng nào đó ở đầu hay giữa bài thơ. Hát nói còn thể hiện tiếng thơ, tiếng tục, tiếng lóng trong sinh hoạt hàng ngày để tạo ra giọng nói sinh động, pha tạp vừa Hán vừa Nôm, vừa thanh vừa tục thể hiện nét phóng túng của người tài tử” [44, 233]. Nét đáng chú ý thể hiện tính song ngữ trong thơ Nguyễn Công Trứ đó là việc dùng ngôn ngữ dân tộc để biểu đạt nội dung Hán học. Một trong những chủ đề lớn trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Công Trứ là chí nam nhi. Đây là tư tưởng tích cực của Nho gia, gắn với hoài bão về công danh sự nghiệp, khẳng định vị trí và vai trò của cá nhân đối với cộng đồng. Nội dung đậm chất Hán này lại được thể hiện rất nhiều trong thơ Nôm như Chí khí anh hùng, Đi thi tự vịnh, Gánh trung hiếu,...
Nguyễn Khuyến là đại diện cuối cùng của văn học song ngữ trung đại. Hiện tượng song ngữ trong thơ Nguyễn Khuyến đặc biệt ở chỗ nhiều bài thơ Hán và Nôm có chung nội dung, có thể gọi là nhà thơ đã tự phỏng dịch thơ Hán sang thơ Nôm và ngược lại. Những bài thơ đó thường được gọi là thơ “liên kết Hán-Việt” có tác dụng giúp tác giả thể hiện hoàn chỉnh ý nghĩa tư tưởng được gửi gắm. Với người đọc,“cách làm này cũng đạt nhiều hiệu quả đối với diện người học được mở rộng, thỏa mãn cùng một lúc nhiều đối tượng, những người
biết hay không biết chữ Hán, những người biết chữ Hán nhưng coi thường chữ Nôm, những người thích cả Nôm lẫn Hán” [9, 316]. Nói chung, những bài thơ liên kết Hán – Việt của Nguyễn Khuyến hỗ trợ nhau để giải quyết những chỗ khó hiểu, giúp người đọc hiểu ý thơ sâu sắc và đầy đủ, giúp việc phiên âm chữ Nôm được chính xác hơn. Ngoài dịch thơ mình, Nguyễn Khuyến còn dịch cả thơ Hán của Lí Bạch sang thơ Nôm và dịch thơ Nôm, ca dao Việt sang thơ chữ Hán. Về quan niệm thẩm mĩ, những bài thơ chữ Hán thiên về trữ tình, thể hiện nỗi niềm sâu kín còn thơ chữ Nôm thiên về trào phúng, bộc lộ cái cười hóm hỉnh tinh tế. Tuy nhiên, ở nhiều bài thơ chữ Hán, Nguyễn Khuyến đã pha trộn “màu sắc Nôm” thể hiện ở phong cách dân gian và chức năng trào phúng – chức năng hiếm thấy trong thơ chữ Hán.
• Tiểu kết Chương I:
Như vậy chương I của luận văn đã cung cấp những kiến thức cơ sở cho việc tìm hiểu hiện tượng song ngữ qua sáng tác của Nguyễn Trãi. Về lí luận, chúng tôi đã giới thuyết khái niệm “song ngữ”, “hiện tượng song ngữ trong văn học”, phân biệt hiện tượng “song ngữ” và “song thể ngữ” bởi những điểm tương đồng dễ gây nhầm lẫn ở hai khái niệm này. Có ba lí do chính về lịch sử, xã hội tạo nên hiện tượng song ngữ trong văn học: chiến tranh và sự phụ thuộc chính trị vào Trung Quốc, nhu cầu về văn hóa và sự ra đời của chữ Nôm. Trong phần lí luận chung chúng tôi cũng trình bày những đặc điểm riêng của văn học chữ Hán và văn học chữ Nôm. Luận văn đã bước đầu tìm hiểu hiện tượng song ngữ trong thực tiễn văn học ở các nước đồng văn với chữ Hán nhưViệt Nam là Triều Tiên và Nhật Bản để nhận thấy những điểm giống và khác nhau trong việc vay mượn ngôn ngữ ngoại lai trong sáng tạo ngôn ngữ và làm giàu văn học dân tộc của ba quốc gia. Trong phần cuối của chương, luận văn chỉ ra một số đặc điểm của hiện tượng song ngữ trong sáng tác các tác giả tiêu biểu ở các giai đoạn văn học trung đại Việt Nam, từ đó thấy được tính bất bình đẳng về quan niệm thẩm mĩ giữa hai thành phần văn
học và sự vận động đi từ bất bình đẳng đến cân bằng về vị trí hai thành phần văn học Hán và Nôm. Kết quả đó càng khẳng định vị trí mở đường của Nguyễn Trãi trong nền văn học song ngữ của dân tộc.
CHƯƠNG II