Bức tranh thiên nhiên bình dị, đậm đà chất dân tộc

Một phần của tài liệu Hiện tượng song ngữ qua sáng tác của Nguyễn Trãi (Trang 51 - 55)

2. Nội dung tư tưởng trong thơ chữ Nôm – thiên về cái đời thường, bình dị.

2.2 Bức tranh thiên nhiên bình dị, đậm đà chất dân tộc

Nói về thiên nhiên, Nguyễn Trãi từng tự nhận “non nước cùng ta đã có duyên”. Mối lương duyên ấy khiến ông dành cho thiên nhiên một vị trí đặc

biệt trong thơ ca, bởi ở cả hai tập thơ chữ Hán và chữ Nôm, số lượng những bài viết về đề tài này rất nhiều và rất đặc sắc. Nếu như trong Ức Trai thi tập ta được ngắm những bức tranh kì vĩ, hoành tráng, mang tầm vóc vũ trụ lớn lao thì đến với Quốc âm thi tập ta lại được cảm nhận những bức tranh bình dị, mộc mạc, đậm đà chất dân tộc. Với Quốc âm thi tập, Nguyễn Trãi đã vượt qua đường mòn khuôn thước của văn học trung đại. Thiên nhiên theo quan niệm cái đẹp thời trung đại thường mang tính ước lệ, tượng trưng, là “mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông”, nhưng trong Quốc âm thi tập, Nguyễn Trãi viết về cảnh sắc thiên nhiên với những hình ảnh bình dị, gần gũi với cuộc sống nơi thôn dã.

Thiên nhiên với Nguyễn Trãi không phải ai xa lạ, cao quý mà là những người bạn thân thiết nơi quê nhà:

Rùa nằm hạc lẩn nên bầy bạn Ủ ấp cùng ta làm cái con

(Ngôn chí, 20)

Núi láng giềng, chim bầu bạn Mây khách khứa, nguyệt anh tam

(Thuật hứng, 19)

Láng giềng một áng mây bạc Khách khứa hai ngàn núi xanh

(Bảo kính cảnh giới, 40) Ở ẩn, nhưng bậc ẩn sĩ không hề cô đơn mà đã có chim chóc làm bầy bạn, có núi, mây, trăng làm láng giềng, khách khứa, làm người anh em. Thiên nhiên trở nên gẫn gũi, thân thiết, biết chia sẻ buồn vui với con người.

Đàn cầm suối trong tai dội Còn một non xanh là cố nhân

Nghe tiếng suối chảy róc rách dội đến bên tai, Nguyễn Trãi chợt thức dậy một điều: “Còn một non xanh là cố nhân”. “Cố nhân” không chỉ là “bạn cũ” theo cách dịch thông thường. “Cố nhân” còn là người bạn thủy chung son sắt, tri âm tri kỉ có thể chia sẻ mọi điều tâm sự với nhà thơ.

Cảnh sắc được miêu tả cũng rất mực thân quen, bởi nó gắn liền với cuộc sống giản dị của con người nơi ở ẩn với những “am”, “trì”:

Am rợp chim kêu hoa xẩy động Song im hương tịn khói sơ tàn

(Ngôn chí, 15)

Trì thanh cá lội in vầng nguyệt Cây tĩnh chim về rợp bóng xuân

(Bảo kính cảnh giới, 38) Cảnh ngày hè nơi thôn quê thật quen, thật đẹp qua những nét vẽ của thi nhân:

Rồi hóng mát thuở ngày trường Hòe lục đùn đùn tán rợp trương Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ Hồng liên trì đãtiễn mùi hương Lao xao chợ cá làng ngư phủ Dắng dõi cầm ve lầu tịch dương

(Bảo kính cảnh giới, 43) Bức tranh được vẽ vào cuối ngày hè với những nét phác họa đặc trưng. Đó là khi lá hoè ngả sang màu lục, um tùm dồn lại thành từng khối lá xanh, toả rộng, che rợp cả mặt sân. Hoa lựu không còn nhạt mà đang rộn ràng chuyển sang màu đỏ rực, sen thì đã ngát mùi hương. Âm thanh đặc trưng quen thuộc của mùa hè nơi làng quê – tiếng ve như một khúc ca náo nhiệt.Thiên nhiên căng đầy sức sống gợi liên tưởng về một cuộc sống no ấm, đủ đầy.

Nếu thiên nhiên trong thơ chữ Hán được nhìn nhận ở trạng thái lớn lao, kì vĩ, hoành tráng, mĩ lệ, thì ở thơ Nôm, thiên nhiên thực hơn, bình dị hơn. Nguyễn Trãi đã nói về thiên nhiên ở góc độ đời thường nhất. Đó là một cây râm bụt, một cây đa giàhay là một cây chuối mộc mạc. Với Quốc âm thi tập,dường nhưlần đầu tiên trong thi ca Việt Nam đường hoàng xuất hiệnhình ảnh một cây chuối:

Tự bén hơi xuân tốt lại thêm Đầy buồng lạ mầu thâu đêm Tình thư một bức phong còn kín Gió nơi đâu gượng mở xem

(Cây chuối)

Nguyễn Trãi không phải người đầu tiên viết về cây chuối. Trong thơ Đường ta bắt gặp hình ảnh này với “Vị triển ba tiêu” của Tiền Hử, “Ba tiêu” của Linh Tẩu Nguyên. Nhưng các nhà thơ ấy đều viết về cây chuối với cảm hứng thiền vì cây chuối thân rỗng, giống như cái tâm không của người tham thiềm, có tâm không mới ngộ được đạo, muốn ngộ được đạo cần tâm không. Ngay sau Nguyễn Trãi, cây chuối của Hồng Đức quốc âm thi tập cũng giống tùng trượng phu, mai ngự sử là loài cây biểu tượng cho phẩm chất người quân tử. Vậy cây chuối trong thơ Nguyễn Trãi có điểm gì đặc biệt? Không mang ý vị thiền, không tượng trưng cho người quân tử, là một thứ quả bình dân, nhưng cây chuối ấy lại gợi cảm hứng về tuổi trẻ, tình yêu, pha chút ý vị phong tình, cuốn hút mà những loài cây khác không có. Chất phong tình ấy thể hiện ở việc chủ động “bén” hơi xuân để “tốt lại thêm”. Hơi xuân chính là sức xuân, tức là cây chuối đang tự nó tiếp nhận cái sức sống tinh thần của mùa xuân để làm giàu thêm cái xuân sắc vốn có trong nó, để rồi bung tỏa tràn đầy cái hương sắc ấy trong không gian “Đầy buồng lạ, mầu thâu đêm”. Cây chuối không chỉ được liên tưởng đến sức sống mãnh liệt mà còn mang hơi hướng

tình yêu. Hai câu thơ cuối là một liên tưởng tuyệt đúng, tuyệt lạ và tuyệt hay: tàu lá chuối non như bức tình thư đang cuộn tròn e ấp. Sẽ không quá khi nói rằng liên tưởng đọt chuối non như một phong thư thì cần một tài năng nhưng liên tưởng tới bức tình thư thì phải tầm cỡ một thiên tài. Cây chuối như một cô gái đang e ấp bức tình thư khơi dậy ham muốn tò mò ở chàng trai – được ẩn dụ qua hình ảnh “gió”. Ham muốn nhưng vẫn ngượng ngùng, ý tứ, vẫn trân trọng “gượng mở xem”. Có lẽ chỉ hiểu đến đây người đọc cũng đủ thấy tâm hồn trẻ trung, nồng nàn, say đắm của thi nhân.

Như vậy, với Nguyễn Trãi, thiên nhiên là người bạn thân thiết, người tri kỉ giúp nhà thơ thỏa mãn thế giới tâm hồn, những nhu cầu về tinh thần, tình cảm. Với sự xuất hiện của những hình ảnh quen thuộc: trăng, núi, mây, hòe, lựu, râm bụt, đa, rùa, hạc,... Nguyễn Trãi đã cho thấy sự thay đổi trong cảm hứng sáng tạo, cảm hứng thẩm mĩ một cách tiến bộ và thể hiện tình yêu sâu sắc, tâm hồn đồng điệu, sự gắn bó sâu nặng của nhà thơ với cảnh vật quê hương.

Một phần của tài liệu Hiện tượng song ngữ qua sáng tác của Nguyễn Trãi (Trang 51 - 55)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(110 trang)
w