Văn học quan phương với tiếng nói đề cao chính nghĩa, đề cao dân tộc

Một phần của tài liệu Hiện tượng song ngữ qua sáng tác của Nguyễn Trãi (Trang 38 - 45)

1. Nội dung tư tưởng trong sáng tác bằng chữ Hán – thiên về cái cao cả, tao nhã

1.1 Văn học quan phương với tiếng nói đề cao chính nghĩa, đề cao dân tộc

dân tộc

Như chúng tôi đã trình bày ở phần trên, chữ Hán theo chính quyền đô hộ xâm nhập và đất nước ta từ trước giai đoạn Bắc thuộc và là một trong những chiêu bài mà “thiên triều” dùng để đồng hóa dân tộc ta. Chúng ta chỉ chủ động tiếp nhận chữ Hán và văn hóa Hán kể từ khi độc lập, tự chủ bởi nhu cầu củng cố và xây dựng quốc gia Đại Việt. Chính vì vậy, chữ Hán có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển nhà nước phong kiến, cả về chính trị, xã hội hay văn hóa, tư tưởng. Mà “văn học quan phương”(văn học có tính chất nhà nước) – khái niệm bao gồm các tác phẩm văn học chính thống, được ra đời nhằm mục đích phục vụ việc xây dựng và củng cố chế độ phong kiến thời trung đại, tất yếu phải sử dụng văn tự chính thống – chữ Hán để sáng tác. “Văn học quan phương” hướng đến các vấn đề chính trị lớn lao của quốc gia, nhằm mục đích ca ngợi vương triều, đứng đầu là vua, ca ngợi chế độ, đề cao sức mạnh dân tộc. Sống trong thời kì vận mệnh dân tộc bị đe dọa bởi nạn ngoại xâm, triều đình mới được lập lại sau cơn binh lửa kéo dài hơn hai chục năm, Nguyễn Trãi càng ý thức rõ hơn hết ý nghĩa của độc lập dân tộc, càng khao khát một chế độ mang lại cuộc sống no đủ cho nhân dân, “cho khắp thôn cùng xóm vắng không còn tiếng hờn giận, oán sầu”. Điều đó đã được thể hiện rõ trong thành phần văn học viết bằng chữ Hán.

Khối lượng sáng tác bằng chữ Hán của Nguyễn Trãi phong phú về thể loại, bao gồm cả văn học chức năng và văn học nghệ thuật. Văn học chức năng có thể kể đến các bài chiếu, cáo (viết thay Lê Lợi), tập thư gửi các tướng giặc Quân trung từ mệnh tập, Văn bia Vĩnh Lăng, Lam Sơn thực lục, Dư địa chí. Văn chương nghệ thuật chữ Hán có Chí Linh sơn phú và tập thơ Ức Trai thi tập. Nội dung bộ phận sáng tác bằng chữ Hán này gắn liền với các sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước, với những chặng đường đấu tranh gian khổ và những chiến công vang dội của dân tộc ta ở thế kỉ XV qua đó thể hiện tiếng nói đề cao chính nghĩa, đề cao dân tộc.

Bình Ngô đại cáo – áng văn duy nhất ở Việt Nam được viết bằng thể cáo(theo nghĩa chặt chẽ nhất của thể loại) như một thước phim lịch sử về cuộc kháng chiến chống quân Minh, từ khi vị chủ tướng còn “nương mình” chốn hoang dã chờ thời cơ dấy nghĩa đến khi thắng lợi vẻ vang. Tác phẩm được sáng tác năm 1428, sau khi kháng chiến chống quân Minh toàn thắng. Tư tưởng nhân nghĩa được Nguyễn Trãi phát biểu ngay ở câu thơ đầu tiên, được coi là nền tảng chiến lược quân sự của nghĩa quân:

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân Quân điếu phạt trước lo trừ bạo

Có thể thấy cốt lõi tư tưởng nhân nghĩa theo quan điểm của Nguyễn Trãi là yên dân và trừ bạo. “Nhân nghĩa” vốn là học thuyết Nho giáo nói về đạo lí và tình thương giữa con người với nhau, nhưng đến Nguyễn Trãi tư tưởng đó được nâng lên, được mở rộng ra trong một mối quan hệ khác – mối quan hệ giữa dân tộc với dân tộc. Muốn yên dân thì phải diệt trừ mọi thế lực bạo tàn hại dân, đem lại độc lập cho đất nước. Đó là lập trường chính nghĩa và cũng là mục đích của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Như vậy, Nguyễn Trãi đã kế thừa và phát triển tư tưởng nhân nghĩa của Nho giáo: nhân nghĩa gắn liền

với yêu nước chống xâm lược. Ở đoạn sau, Nguyễn Trãi đã mở rộng hơn nữa tư tưởng nhân nghĩa:

Xét như nước Đại Việt ta Thật là một nước văn hiến Bờ cõi sông núi đã riêng

Phong tục Bắc Nam cũng khác

Trải Triệu, Đinh, Lý, Trần nối đời dựng nước

Cùng Hán, Đường, Tống Nguyên mỗi bên xưng đế một phương

Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau Mà hào kiệt không bao giờ thiếu

Nhân nghĩa còn gắn liền với độc lập chủ quyền dân tộc, vì có bảo vệ được chủ quyền thì mới bảo vệ được dân, mới thực hiện được mục đích cao cả là ''yên dân''. Trong các yếu tố làm nên chủ quyền dân tộc (nền văn hiến lâu đời, cương vực lãnh thổ, phong tục tập quán, lịch sử, chế độ, chủ quyền riêng), Nguyễn Trãi đặc biệt đề cao văn hiến – truyền thống văn hóa lâu đời và tốt đẹp. Nguyễn Trãi ý thức được văn hiến, truyền thống lịch sử là yếu tố cơ bản nhất, là hạt nhân để xác định dân tộc. Còn văn hiến là còn nước, mất văn hiến là mất nước. Chính bởi vậy kẻ thù luôn tìm cách phủ định văn hiến bằng cách cho tiêu hủy các di sản văn hóa, sách vở thư tịch nhưng đều chuốc lấy thất bại. Yêu nước không chỉ là giữ yên bờ cõi của đất nước mà còn là giữ gìn, bồi đắp nền văn hiến dân tộc.

Bình Ngô đại cáo cũng thể hiện rõ tiếng nói đề cao dân tộc của nhà quân sư vĩ đại. Chưa bao giờ trong lịch sử, hình hài đất nước hiện lên hùng dũng, đầy tự hào đến như vậy. Những địa danh được liệt kê liên tiếp, mỗi lần được nhắc đến như một lần trỏ cho lũ giặc xâm lược thấy rằng những Bồ Đằng, Trà Lân, Ninh Kiều, Hàm Tử, Bạch Đằng, Lạng Giang, Lạng Sơn,

Xương Giang, Bình Than, Đan Xá, Lãnh Câu,... ấy đều là của ta, của nước Đại Việt bất khả xâm phạm. Đó là những bộ phận của một cơ thể hoàn chỉnh, trải qua bao đau thương mất mát “máu chảy thành sông”, “thây chất đầy nội” nhưng vẫn “ánh hồng lên sắc tự hào” (Tố Hữu).

Quân trung từ mệnh tập là tập thư gửi các tướng giặc với lập luận chặt chẽ, sắc bén nhưng không hề khô khan, thuần lí lẽ mà vẫn thể hiện “một trái tim lớn” nhà quân sự tài ba Nguyễn Trãi. Mục đích của Quân trung từ mệnh tập cũng không tách khỏi nhân nghĩa bởi nó xuất phát từ mong muốn nhân dân được thoát khỏi cảnh lầm than, đọa đầy. Tác giả nhiều lần trực tiếp phát biểu quan điểm đề cao nhân nghĩa. “Bảo cho mày ngược tặc Phương Chính: Kể đạo làm tường, lấy nhân nghĩa làm gốc, trí dũng làm của” (Thư trả lời Phương Chính). Phải là người có “trái tim lớn” mới có thể nghĩ đến việc sửa sang cầu cống, chuẩn bị lương thực cho quân giặc về nước: “Tôi cũng lấy đạo nhân nghĩa, hết lòng kính thờ Triều đình, phàm quan quân của Triều đình đều được đưa về hết. Các nơi đi qua, cầu đường sửa sang hết, lương thực cung cấp đầy đủ” (Lại thư cho Đả Trung và Lương Nhữ Hốt). “Quân trung từ mệnh tập” không chỉ là bài ca nhân nghĩa mà còn là tiếng nói tự hào về truyền thống văn hóa tinh thần riêng biệt của Đại Việt – nền văn hóa độc lập với Trung Quốc. “Người có Bắc Nam, đạo không kia khác. Nhân nhân quân tử, không đâu là không có. Nước An Nam ta tuy xa ngoài Ngũ Lĩnh mà danh tiếng là nước thi thư. Những bậc trí mưu tài thức chẳng đời nào thiếu vắng. Vì thế phàm những việc ta làm đều là đúng theo lễ nghĩa, hợp trời thuận người” (Thư dụ thành Bắc Giang). Nguyễn Trãi đường hoàng tuyên bố việc làm của ta “hợp trời thuận người” cũng đồng nghĩa với việc lên án kẻ thù “dối trời lừa dân”. Lên tiếng đòi quyền lợi cho dân tộc cũng là việc xuất phát từ quyền sống của nhân dân. Thương dân, đấu tranh vì lẽ phải của dân cũng chính là một biểu hiện của tinh thần yêu nước, đề cao dân tộc. “Song không

làm cho nước đã diệt được phục hưng, dòng đã tuyệt được kế nối, mà lại muốn cùng binh độc vũ, khiến người vô tội liền năm thiệt mạng dưới gươm đao, dân hiền lành liền năm dầm gan ở ngoài nội cỏ. Lẽ nào bụng dạ bực nhân nhân quân tử lại thế ư?” (Lại thư cho Vương Thông).

Trong một số chiếu (viết thay Lê Lợi), biểu ta cũng thấy tấm lòng khắc khoải của một nhà yêu nước trước vận mệnh dân tộc. Là vị quân sư “dưới một người trên vạn người”, Nguyễn Trãi nói lên tấm lòng Lê Lợi sẵn sàng nhún mình trước các bậc hiền tài để kêu gọi họ đứng lên xả thân vì đất nước: “Ta nhún mình tỏ lòng thành thực, khuyên các bực hào kiệt đều nên cùng nhau gắng sức, cứu đỡ muôn dân, đừng có kín tiếng giấu tài, khiến thiên hạ phải hãm trong lầm than mãi mãi” (Chiếu khuyên dụ hào kiệt). Thời chiến thì xả thân vì nước, còn thời bình phải cùng nhau xây dựng đất nước, nhưng đều phải xuất phát từ lợi ích nhân dân: “Vậy trẫm ra lệnh cho các đại thần trăm quan và các sĩ phu trong ngoài, ai hiểu rõ thời vụ đều bàn bạc về thể lệ dùng tiền, làm thế nào cho thuận lòng dân, ngõ hầu có thể không đến nỗi lấy điều muốn của một người mà cưỡng ép nghìn muôn người không muốn phải theo” (Chiếu bàn về phép tiền tệ). Trong “Chiếu truyền bách quan không được làm những lễ nghi khánh hạ”, ta thấy tư tưởng tiến bộ vì dân mà không xa hoa lãng phí, bày đặt lễ nghi yến tiệc linh đình bởi “Thường nghĩ quy mô lớn lao lộng lẫy đều là sức lao khổ của quân dân”. Chợt nhớ đến những câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Ăn uống lãng phí, Bác xót xa lắm, vì đây là tiền bạc của Nhà nước, của nhân dân. Bà con ta ở trong nước làm đổ mồ hôi, sôi nước mắt, mới có miếng mà ăn. Vì vậy, để lãng phí, xa hoa là có tội với nhân dân”. Thế mới thấy thời đại không phải là thước đo tư tưởng của những bậc đại nhân, đại trí, đại dũng mà tư tưởng mới là thước đo những tầm vóc vượt tầm thời đại.

Tinh thần yêu nước, đề cao dân tộc trong sáng tác Nguyễn Trãi còn thể hiện ở việc ca ngợi công đức bậc quân vương trị vì đất nước. Ca ngợi vua cũng chính là ca ngợi xã hội thái bình, no ấm mà “ơn trên” tưới khắp: “Hoàng đế bệ hạ như thiên địa chở che, như nhật nguyệt soi sáng. Như mùa xuân nuôi sống, như đáy biển thênh thang, tỏ ra lượng cả bao dung, như áng mây kéo phủ, như hạt mưa thấm nhuần, rày khắp ơn trên đào tạo” (Bài biểu tiến công, tâu trình tạ tội). Ca ngợi công đức của vua:

“Ôi! Vua ta tài thánh võ

Gánh việc bốn phương kinh doanh Lao tâm khổ tứ, vận nước gian truân”

Cũng là ca ngợi nền độc lập vững chắc đến ngàn thu:

“Nhưng sự nghiệp vua cha khởi thủy từ lúc này

Mà công đức cao lớn của vua ta cùng núi non này vòi vọi mãi chăng?”

(Phú núi Chí Linh)

Phú núi Chí Linh, Bình Ngô đại cáo cùng với Lam Sơn thực lụcVăn bia Vĩnh Lăng là những tác phẩm tuy được viết bằng nhiều thể loại khác nhau nhưng đều gặp nhau ở chỗ đã tổng kết toàn bộ cuộc kháng chiến chống quân Minh, đã miêu tả sức mạnh dân tộc, khí thế dân tộc một cách hào hùng và phơi bày sự bất nhân, độc ác và thất bại nhục nhã của quân giặc. Các tác phẩm cũng khắc họa chân dung vị chủ tướng của nghĩa quân Lam Sơn một cách sắc nét, như một tượng đài bất hủ về vị lãnh tụ có sự kết hợp con người bình thường và con người anh hùng.

Về thơ chữ Hán, Nguyễn Trãi để lại tập thơ duy nhất Ức Trai thi tập

gồm 105 bài. Cũng giống các sáng tác viết bằng chữ Hán ở trên, tập thơ đã đề cập đến nhiều vấn đề thời sự lớn lao của đất nước. Nguyễn Trãi đã viết một loạt bài về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và mười năm đầu thời kì quân Nguyên tạm chiếm đất nước. Với những bài Loạn hậu cảm tác, Quy Côn Sơn chu

trung tác,... Nguyễn Trãi đã tố cáo tội ác, sự thâm độc của quân Minh khiến nhân dân ta rơi vào cảnh lầm than:

Thần châu nhất tự khởi can qua Vạn tính ngao ngao khả nại hà? (Thần châu từ thuở nổi can qua Rên xiết muôn dân đến thế mà!)

(Loạn hậu cảm tác) Bên cạnh việc tố cáo tội ác quân giặc, Nguyễn Trãi trực tiếp ca ngợi cuộc kháng chiến của dân tộc. Ông đã tóm tắt mục đích, đường lối của cuộc khởi nghĩa: lấy nhân nghĩa để trừ gian, giữ gìn sự yên bình của đất nước:

Quyền mưu bản thị dụng trừ gian Nhân nghĩa duy trì quốc thế an (Quyền mưu vốn dĩ để trừ gian Nhân nghĩa giữ gìn thế nước an)

Và ca ngợi nền thái bình muôn thuở của dân tộc:

Sóc tấm dĩ thanh kình lãng tức Nam châu vạn cổ cự giang san (Quái Bắc đã tiêu, kình ngạc lặng Nam châu muôn thuở vạn giang san)

(Hạ quy Lam Sơn) Quả không sai khi nhận định rằng: “Qua thơ chữ Hán, chúng ta hiểu được tư tưởng của Nguyễn Trãi đối với dân với nước, đối với nạn ngoại xâm, nội phản, đối với chiến tranh, hòa bình. Tư tưởng ở đây rất phù hợp với tư tưởng đã biểu hiện ra rất mãnh liệt ở Bình Ngô đại cáo” (Tôn Quang Phiệt), [55, 363].

Một phần của tài liệu Hiện tượng song ngữ qua sáng tác của Nguyễn Trãi (Trang 38 - 45)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(110 trang)
w