Bức tranh thiên nhiên hoành tráng, kì vĩ cộng hưởng với cảm hứng về đất nước

Một phần của tài liệu Hiện tượng song ngữ qua sáng tác của Nguyễn Trãi (Trang 45 - 48)

1. Nội dung tư tưởng trong sáng tác bằng chữ Hán – thiên về cái cao cả, tao nhã

1.2 Bức tranh thiên nhiên hoành tráng, kì vĩ cộng hưởng với cảm hứng về đất nước

hứng về đất nước

Xưa nay, thiên nhiên luôn có một vị trí đặc biệt với văn chương nói riêng và nghệ thuật nói chung. Có những nhà thơ sáng tác không nhiều, nhưng trong con số ít ỏi đó vẫn có những thiên tuyệt tác mang bóng hình thiên nhiên. Nguyễn Trãi có cơ hội đi đến nhiều nơi trên đất nước. Vốn trải nghiệm cùng tình yêu thiên nhiên, đất nước say đắm đã giúp ông viết được nhiều và viết hay về thiên nhiên. Ý thức về một quốc gia hoàn toàn độc lập, tự chủ khiến thơ chữ Hán của ông “có những nét hào hùng của di tích lịch sử của Trương Hán Siêu, Phạm Sư Mạnh; có nét trang nghiêm mà khỏe khoắn, siêu thoát mà chân chất của những ngôi chùa núi, cảnh chiều hôm của Trần Nhân Tông, Huyền Quang; có cái thanh thoát đượm chút bâng khuâng của nhóm thơ Bích Động và cả cái cảnh sông hồ bát ngát, sáng tươi của Mạc Đĩnh Chi...” [62, 25]. Nói một cách khác, khi viết bằng chữ Hán. Nguyễn Trãi có xu hướng khắc họa những cảnh sắc hoành tráng, kĩ vĩ, gắn liền với những trang lịch sử hào hùng của dân tộc.

Vùng đất Vân Đồn – Quảng Ninh – nơi núi non hùng vĩ, nơi sơn thủy hữu tình đã một lần đi vào thơ Nguyễn Trãi:

Lộ nhập Vân Đồn san phục san Thiên khôi địa thiết phó kì quan Nhất bàn lam bích trừng minh kính Vạn hộc nha thanh đóa thúy hoàn

(Đường đến Vân Đồn lắm núi sao Kì quan đất dựng giữa trời cao

Một vùng biếc sẫm gương lồng bóng Muôn hộc xanh om tóc mượt màu)

“San phục san” - “núi rồi lại núi” gợi ấn tượng cảnh núi non trùng điệp nối tiếp nhau đến choáng ngợp nơi cửa khẩu giao thương vùng Đông Bắc Tổ quốc. Nhưng cũng chính ngọn núi ấy lại bỗng trở nên mềm mại, kiều diễm như một mái tóc xanh mượt được ôm ấp bởi những vịnh nước xanh biếc như gương. Còn đây là những nét phác họa hết sức tài tình về vẻ đẹp hùng vĩ của cửa bể Bạch Đằng:

Ngạc đoạn kình khoa sơn khúc khúc Qua trầm kích chiết ngạn tằng tằng

(Chòm chòm núi đá kình rời đoạn Lớp lớp bờ lau kiếm nát chồng)

(Bạch Đằng hải khẩu) Núi nhấp nhô từng khúc như cá sấu bị chặt, cá kình bị mổ. Bờ bãi lớp lớp như giáo gươm (quân xâm lược) bị chìm gãy chồng chất lên. “Kình ngạc” trong thơ cổ tượng trưng cho lũ giặc dữ, trong văn cảnh chính là lũ giặc phương Bắc bị quân ta tiêu diệt trên sông Bạch Đằng. Giáo gươm chất chồng cũng là hình ảnh ẩn dụ gợi tả sự thất trận của lũ giặc Nam Hán, giặc Tống, giặc Nguyên Mông thuở nào. Hai câu thơ có hình tượngkỳ vĩ, hàm súc giàu chất liên tưởng, mang cảm hứng lịch sử oai hùng. Bài thơ toát lên lòng tự hào của Nguyễn Trãi về truyền thống dân tộc kiên cường chống giặc ngoại xâm. Sông Bạch Đằng, cửa biển Bạch Đằng trở thành tử địa của quân xâm lược phương Bắc:

Bạch Đằng một cõi chiến tràng Xương phơi trắng đất, máu màng đỏ sông

(Đại Nam Quốc sử diễn ca) Và còn nhiều những địa danh hùng tráng, mang âm hưởng hào sảng, ngợi ca những vùng “địa linh” của đất nước:

Ngao phụ xuất sơn, sơn hữu động Kình du tắc hải, hải vi trì

(Ngao đội núi lên thành động đấy Kình bơi biển lấp hóa ao rồi)

(Long Đại nham)

Kình phun lãng hống lôi nam bắc Sáo ủng sơn liên ngọc hậu tiền

(Kình phun, sóng vỗ gầm nam bắc Giáo dựng, non bày biếc trước sau)

(Thần Phù hải khẩu) Cảnh ấy, tình ấy gắn với niềm tự hào dân tộc lớn lao, bởi những danh thắng cũng đồng thời gắn với những người anh hùng mà nhà thơ ngưỡng vọng. Cửa Thần Phù (Ninh Bình), núi Long Đại (Thanh Hóa) ghi dấu những trận chiến gay go, ác liệt của quân nhà Trần chống sự xâm lăng của vua Chiêm Chế Bồng Nga. Sông Bạch Đằng vang danh chiến công hào hùng của Ngô Quyền, Lê Hoàn, Trần Hưng Đạo chống quân Nam Hán, Tống, Nguyên. Nguyễn Trãi viết về thiên nhiên nhưng qua đó ngợi ca truyền thống chống giặc oanh liệt của đất nước, đúng như Mai Trân đã nhận xét, thiên nhiên trong thơ chữ Hán Nguyễn Trãi “mang cái nhìn của một nhà tướng, một anh hùng cứu quốc đã từng chiến thắng quân giặc xâm lăng, của một người có tinh thần tự hào dân tộc cao độ” (Mai Trân)[73, 29]. Bên cạnh đó, Nguyễn Trãi còn nhận ranhững mối tương quan trời đất và con người khi suy ngẫm trước cảnh trời đất vô cùng, để ngậm ngùi cho mối hận anh hùng, để suy ngẫm về gốc rễ vững bền của đất nước:

Phúc chu thủy tín dân do thủy Thị hiểm nan bằng mệnh tại thiên Họa phúc hữu môi phi nhất nhật Anh hùng di hận kỉ thiên niên

(Lật thuyền mới rõ dân như nước Cậy hiểm khôn xoay mệnh ở trời Họa phúc gây mầm không một chốc Anh hùng để hận mấy trăm đời)

(Quan hải)

Như vậy, “Nguyễn Trãi miêu tả thiên nhiên cũng chính là để ca ngợi, tưởng nhớ các bậc anh hùng hào kiệt của đất nước, để suy tư về những vấn đề lớn lao của cuộc sống dân tộc, để phát biểu những liên tưởng mang ý nghĩa triết học về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên” [62, 25]. Đọc thơ chữ Hán Nguyễn Trãi, qua những bức tranh thiên nhiên kì vĩ, hoành tráng, ta càng thấy yêu thêm những danh lam thắng cảnh, những di tích lịch sử và tự hào về truyền thống chống giặc ngoại xâm hào hùng của dân tộc.

Một phần của tài liệu Hiện tượng song ngữ qua sáng tác của Nguyễn Trãi (Trang 45 - 48)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(110 trang)
w