Sự phát triển hai thành phần trong dòng văn học viết thời trung đạ

Một phần của tài liệu Hiện tượng song ngữ qua sáng tác của Nguyễn Trãi (Trang 28 - 31)

Văn học trung đại Việt Nam ra đời là một mốc lịch sử có tính chất bước ngoặt, đánh dấu thời điểm văn học dân tộc chính thức gồm hai bộ phận văn học dân gian (truyền miệng) và văn học viết, tạo nên diện mạo hoàn chỉnh của một nền văn học. Đây còn là thời kì có tính chất bản lề khi vừa gìn giữ những tinh hoa của văn học dân gian vừa là sự chuẩn bị để mở ra chân trời mới của văn học cận, hiện đại. Trong tiến trình phát triển văn học trung đại, cùng sự thăng trầm

của lịch sử, hai bộ phận văn học chữ Hán và chữ Nôm cũng có bước phát triển từ thuở sơ khai chập chững đến khi đạt những thành tựu đỉnh cao.

Từ khi nhà nước phong kiến độc lập ra đời (thế kỉ X) đến khoảng cuối thế kỉ XIII, văn học viết trung đại có thể được coi là bộ phận văn học mà chữ Hán giữ vị trí độc quyền. Các tác phẩm văn học chữ Hán tỏ ra cứng cáp ngay từ đầu khi có sự thuận lợi là dùng văn tự đã được truyền bá vào nước ta cả nghìn năm trước. Suốt hơn hai thế kỉ của thời Lý (1009-1225), toàn bộ sáng tác văn học được viết bằng chữ Hán. Do lực lượng sáng tác bị bó hẹp nên đa số sáng tác là các bài kệ của các tăng sĩ – những người uyên thâm Hán học và hay chữ nhất trong xã hội. Đến thời Trần, vị trí độc quyền của văn học chữ Hán đã bị xỏa bỏ bởi sự ra đời của chữ Nôm, tuy rằng vị trí của chữ Nôm ban đầu rất nhạt nhòa. Chữ Nôm được sáng tác vào thời điểm nào, chưa ai khẳng định được chắc chắn, nhưng việc sử dụng chữ Nôm, theo chính sử ghi lại, bắt đầu từ khi Nguyễn Thuyên theo lệnh vua Trần làm một bài văn đuổi cá sấu trên đoạn sông từ Nhĩ Hà lên Sông Lô. Nguyễn Thuyên là người đầu tiên đưa tiếng Việt vào thơ văn, đặt ra thể thơ Hàn luật, khởi đầu cho việc sáng tác văn chương chữ Nôm ở nước ta. Ngoài Nguyễn Thuyên, những tác giả đầu tiên của văn học chữ Nôm là Chu Văn An, Nguyễn Sĩ Cố, Trần Nhân Tông,... nhưng đáng tiếc số lượng giữ lại được chỉ còn mấy bài ca, phú như Cư trần lạc đạo, Vịnh Hoa Yên tự, Đắc thú lâm tuyền thanh đạo. Trong khi đó, văn học chữ Hán đã thực sự thịnh đạt với một loạt các tác giả nổi tiếng như Đỗ Pháp Thuận, Mãn Giác thiền sư, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trung Ngạn, Nguyễn Phi Khanh,... Trong một thời gian khá dài, văn học chữ Nôm vẫn chập chững những bước chậm chạp, là “văn học đàn em” bên cạnh “người anh” chữ Hán. Vị thế của văn học chữ Nôm chỉ thay đổi với sự ra đời Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi vào đầu thế kỉ XV. Dù không phải là tác phẩm đầu tiên, nhưng sự thành công của tập thơ này đã khiến nó xứng đáng được

đặt vào vị trí khai sáng văn học thuần Việt. Tiếp nối Quốc âm thi tập, sự ra đời Hồng Đức quốc âm thi tập vào cuối thế kỉ XV càng khẳng định chỗ đứng ngày một vững chắc của văn học chữ Nôm.

Giai đoạn từ thế kỉ XVI đến nửa đầu thế kỉ XVIII, văn học chữ Hán vẫn trên đà phát triển nhưng theo một hướng khác. Những thành tựu chủ yếu của thành phần văn học này thuộc về văn xuôi, mà tiêu biểu là Truyền kì mạn lụccủa Nguyễn Dữ. Trong khi đó, ngọn lửa văn học chữ Nôm được Nguyễn Trãi và các tác giả hội Tao Đàn nhen nhóm như được thổi bùng lên với sự đa dạng về thể loại, phong phú về nội dung. Văn học chữ Nôm giai đoạn này chịu nhiều ảnh hưởng của văn học dân gian mặt thể loại và ngôn ngữ với nhiều thể loại sử dụng thể thơ lục bát, song thất lục bát như ca trù, vãn, vè, khúc ngâm, diễn ca lịch sử, truyện Nôm,...

Giai đoạn nửa cuối thế kỉ XVIII đến nửa đầu thế kỉ XIX, dường như là sự đáp ứng như cầu lịch sử của một thời kì bão táp, cả hai thành phần văn học đều phát triển mạnh mẽ chưa từng thấy. Nội dung chủ đạo của các sáng tác văn học là phản ánh hiện thực lịch sử, xã hội, nhưng riêng thành phần văn học chữ Nôm, có thể thấy cảm hứng nhân đạo thể hiện một bước phát triển mới góp phần đưa văn học trung đại lên đến đỉnh cao. Từ các thể loại ngắn như thơ Nôm Đường luật đến các thể loại dài hơi như ngâm khúc, truyện thơ Nôm chúng ta đều tìm thấy các tác giả và tác phẩm tiêu biểu nhất của văn học trung đại nói riêng và nền văn học Việt Nam nói chung như thơ Hồ Xuân Hương,

Truyện Kiều (Nguyễn Du),Nguyễn Gia Thiều(Cung oán ngâm khúc), Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Đình Chiểu (Truyện Lục Vân Tiên),... Song song với đó, văn xuôi chữ Hán với các truyện văn xuôi tiêu biểu như Thượng kinh kí sự, Vũ trung tùy bút,Hoàng Lê nhất thống chí, ... và thơ chữ Hán của Nguyễn Du, Cao Bá Quát,... cũng là những thành tựu đặc sắc thể hiện sự trưởng thành của văn học viết bằng chữ ngoại lai.

Giai đoạn cuối cùng của văn học trung đại (nửa cuối thế kỉ XIX) vẫn tồn tại hai thành phần chữ Hán và chữ Nôm. Có tác giả viết hoàn toàn bằng chữ Hán như Miên Thẩm, Nguyễn Thông, Nguyễn Quang Bích, Nguyễn Xuân Ôn,… Có tác giả xuất thân dòng dõi nhà Nho và theo cửa Khổng sân Trình nhưng lại sáng tác bằng chữ Nôm như Nguyễn Ðình Chiểu, Trần Tế Xương (hiện chưa chắc chắn hai tác giả này có thơ văn chữ Hán để lại),… Có tác giả thành công với những tác phẩm viết bằng cả hai thứ chữ viết như Nguyễn Khuyến. Đáng chú ý là ở hai giai đoạn cuối đã xuất hiện văn học chức năng viết bằng chữ Nôm như Hịch Tây Sơn của vua Quang Trung, Hịch đánh Tây của Lãnh Cồ, Hịch đánh chuột của Nguyễn Đình Chiểu,...

Một phần của tài liệu Hiện tượng song ngữ qua sáng tác của Nguyễn Trãi (Trang 28 - 31)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(110 trang)
w