3. Mối quan hệ ảnh hưởng hai chiều Hán – Việt, Việt – Hán trong việc thể hiện nội dung tư tưởng
CỦA NGUYỄN TRÃINHÌN TỪ PHƯƠNG DIỆN NGHỆ THUẬT
1. Ngôn ngữ nghệ thuật trong sáng tác chữ Hán
1.1 Tính quy phạm và tính ước lệ trong văn học trung đại
Tính quy phạm là một đặc điểm quan trọng trong thi pháp văn học trung đại Việt Nam. Quy phạm có thể hiểu là những quy tắc, khuôn mẫu, công thức có tính chất bắt buộc. Tính quy phạm vốn có nguồn gốc từ văn chương Trung Quốc đã tỏa bóng vào văn học cổ điển Việt Nam bằng con đường tiếp biến thông qua ngôn ngữ Hán. Tính quy phạm được thể hiện ở cả nội dung và nghệ thuật. Về mặt hình tượng, ngôn từ, tính quy phạm tạo nên tính ước lệ .
Cơ sở sâu xa của tính quy phạm trong văn học trung đại là ý thức hệ tư tưởng của cả một thời đại. Đó là thời kì chế độ phong kiến hưng thịnh, Nho giáo có địa vị cao trong xã hội, con đường tiến thân duy nhất là thi cử, khoa bảng với nền giáo dục “cửa Khổng sân Trình”. Những thành tựu của nền văn hóa, văn học Trung Hoa là những đỉnh cao mà chúng ta phải học hỏi và tiếp thu để tạo nên nền văn học viết của nước nhà. Điều đó đã tạo nên tư duy theo mẫu hình có sẵn, và điều đó tác động trực tiếp đến văn học. Thêm vào đó, ý thức hệ Nho giáo chi phối con người “vô ngã”, tuân theo những chuẩn mực chung, thường không chấp nhận những sự “vượt rào” ra khỏi những cái chung đã phủ nhận cá tính sáng tạo của nhà văn.
Quan niệm của con người thời trung đại về cái đẹp cũng là cơ sở tạo nên tính quy phạm, ước lệ trong văn học. Cái đẹp là cái thuộc về quá khứ, là khuôn mẫu của tiền nhân. Bởi vậy những gì gắn với tiền nhân đều là quý, là đẹp. Những tấm gương của bậc thánh hiền, vua giỏi, tôi trung, gương anh hùng, những nhà Nho có cốt cách cao quý được ghi thành điển để noi theo. Cùng với đó là tâm lí sùng cổ, chuộng nước ngoài, đặc biệt là nền văn hóa Trung Hoa có bề dày hàng nghìn năm. Những Hán phú, Đường thi, Tống từ, Minh - Thanh tiểu thuyết trở thành điển phạm, những thi liệu văn chương cổ từ đó du nhập và trở thành một hệ hình chuẩn mực trong sáng tạo văn học ở nước ta. Quan niệm “thuật nhi bất tác” (chỉ thuật lại chứ không sáng tạo), tuân theo những khuôn mẫu đã được định sẵn cũng xuất phát từ tâm lí đó.
Cái đẹp được quan niệm là cái cao cả, tao nhã. Văn chương thường hướng đến vẻ đẹp của thiên nhiên, vũ trụ, vẻ đẹp của chí, của đạo. Quan niệm về văn chương chân chính “văn dĩ tải đạo” và “thi dĩ ngôn chí” hạn chế những suy nghĩ tự do của các nhà văn. Cùng với đó, có một hệ thống ước lệ để biểu đạt thế giới, con người. Thiên nhiên đẹp phải có phong, hoa, tuyết, nguyệt; nói đến mùa thu nhất định phải có sen tàn cúc nở, lá vàng, rừng phong, lá ngô đồng rụng; nói đến quân tử thì phải lấy hình ảnh tùng, trúc làm biểu tượng; nói đến li biệt thì có dòng sông, con đò, chiếc áochia li trong khung cảnh buổi chiều tà,…
Những cơ sở tư tưởng và mĩ học trên đã tạo tiền đề để tính quy phạm, ước lệ trở thành một trong những đặc trưng của văn học trung đại và góp phần tạo nên diện mạo của một dòng văn chương bác học thời kì này. Sáng tác chữ Hán Nguyễn Trãi cũng không phải ngoại lệ. Điều đó đã tạo nên đặc điểm ngôn ngữ cô đọng, hàm súc, lời ít ý nhiều ở bộ phận này.