2. Nội dung tư tưởng trong thơ chữ Nôm – thiên về cái đời thường, bình dị.
2.1 Cuộc sống đời thường nơi thôn quê bình dị của một nhà nho ẩn dật
Với Nguyễn Trãi, quê nhà không chỉ là nơi để ông lánh xa những xô bồ, bon chen chốn quan trường mà còn là “một cõi đi về” gắn bó sâu nặng với nhà thơ bằng một tình yêu tha thiết. Ở nơi đó, Nguyễn Trãi đã sống và viết bằng chính những “cái hàng ngày” đời thường, bình dị, những gì tự nhiên nhất, không hình thức cầu kì, không vỏ bọc hào nhoáng. Qua chân dung tự họa của nhà thơ như một "lão nông tri điền" chốn quê nhà, ta hình dung ra cuộc sống đời thường từ cách ăn, mặc đến công việc, những sản vật gắn bó với con người nơi thôn dã.
Nguyễn Trãi viết về những món ăn đạm bạc cùng những đồ mặc bình dân với niềm thích thú say sưa:
Áo mặc nài chi gấm thêu
(Thuật hứng, 22)
Muối liễn dưa, dầu đủ bữa Thêu cùng gấm, mặc chưng đời
(Tự thán, 34)
Hài cỏ đẹp chân đi đủng đỉnh Áo bô quen cật vận xềnh xoàng
(Tức sự, 6)
Cuộc sống ấy tuy không giàu có về vật chất, bữa cơm dù chỉ có dưa muối, áo mặc chỉ có “áo bô” – áo vải, giày bện bằng cỏ nhưng con người hiện lên vẫn rất thanh cao, an nhàn qua dáng đi “đủng đỉnh”, phong thái “xềnh xoàng”.
Công việc của Nguyễn Trãi cũng giống bao người nông dân khác:
Ao cạn vớt bèo cấy muống Đìa thanh phát cỏ ương sen
(Thuật hứng, 24)
Một cày một cuốc thú nhà quê Áng cúc lan chen vãi đậu kê
(Thuật hứng, 3)
Nguyễn Trãi cũng “vớt bèo cấy muống”, “phát cỏ ương sen”, cũng cày cũng cuốc – những công việc đồng áng thường thấy nhưng ta không thấy ở đây sự mệt nhọc, vất vả mà lại là một cảm giác yêu thích, say sưa lao động như đang được vui “thú nhà quê”. Xưa nay, không phải thi sĩ nào cũng am hiểu cuộc sống nông thôn với những “thú nhà quê” như vậy. Trong số ít những người hiểu về cuộc sống đó lại không phải ai cũng làm thơ về nó, chưa nói đến thơ hay, giản dị mà chân thực như Nguyễn Trãi. Cho hay, để có những
vẫn thơ đậm đà chất dân tộc như vậy không chỉ cần kinh nghiệm, vốn sống mà cần hơn nữa một tấm lòng tha thiết gắn bó với cuộc sống ấy.
Với niềm tự hào “Quê cũ nhà ta thiếu của nào” (Mạn thuật, 13), Nguyễn Trãi đã miêu tả phong vị quê hương bằng những hình ảnh đậm đà tính dân tộc. Những sản vật của nhà nông lần đầu tiên trở thành đối tượng thẩm mĩ trong thơ. Đó là những bè rau muống, lảnh mồng tơi:
Ao quan thả gửi hai bè muống Đất bụt ương nhờ một lảnh mồng
(Thuật hứng, 23) Chỉ là những thứ rau hàng ngày thôi, ấy vậy mà bước vào thơ ca nó trở nên thi vị biết nhường nào. Câu thơ phảng phất hương vị gần gũi, chân chất của những món ăn đồng quê nhưng luôn có sức ám ảnh những người con xa nhà, như trong câu ca dao xưa:
Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương
Trong Quốc âm thi tập, bên cạnh rau muống, mồng tơi còn có rất nhiều những sản vật dân dã, gần gũi với cuộc sống người dân Việt Nam, đặc biệt là vùng nông thôn:
Tả lòng thanh, vị núc nác Vun đất ải, lảnh mồng tơi
(Ngôn chí, 10)
Cây rợp chồi cành chim kết tổ Ao quang mấu ấu cá nên bầy
(Ngôn chí, 10)
Ngày tháng kê khoai những sản hằng Tường đào ngõ mận ngại thung thăng
Lần đầu tiên những sản vật bé mọn của những vùng quê nghèo như núc nác, củ ấu, kê, khoai,... đi vào thơ ca – lãnh địa của sự cao quý, trang trọng. Đến những con mèo, con chó, con lợn, con chuột cũng thành thơ:
Lọ vằn sinh lạ mãi phương Tây Phụng sự Như Lai lạ phép thầy Hơn chó được ngồi khi mặt bếp Tiếc hùm chẳng bảo chước leo cây ...Khó liễn sang chăng nỡ phụ
Nhân chưng giận chuột phải nuôi mày
(Mèo)
Dài hàm nhọn mũi cứng lông
Được dưỡng vì chưng có thửa dùng ...Tiện chẳng hay hề biến hóa
Trương hai con mắt lại xem rồng
(Lợn)
Điều đó đã thể hiện sự cách tân quan niệm thẩm mĩ của Nguyễn Trãi. Một mặt nhà thơ vẫn đi theo truyền thống với những ước lệ từ chương, mặt khác ông không ngần ngại biến những điều bình dị, đời thường mà văn chương bác học khước từ thành đối tượng thẩm mĩ của thơ ca. Đó cũng là một thành tựu hết sức ý nghĩa mà văn học chữ Nôm đã mang lại cho văn học dân tộc – điều mà văn học chữ Hán ít làm được. Quốc âm thi tập trở thành mốc son chói lọi mở đầu văn học viết bằng tiếng mẹ đẻ không chỉ nhờ ngôn ngữ văn tự Nôm mà còn chính bởi nó đã phản ánh cuộc sống của nhân dân ta một cách chân thực như vậy.