Người ta thường đề cập đến hai nhóm yếu tố chính trị-xã hội là nguyên nhân cơ bản làm nảy sinh hoạt động kinh tế ngầm đó là: i) chính quyền mất uy tín với dân chúng; ii) chính quyền vi phạm các cam kết về trách nhiệm xã hội.
Uy tín của chính quyền có ý nghĩa quyết định trong việc điều tiết các hoạt động ngầm. Cơ chế quản lý hành chính quan liêu, cán bộ tham nhũng – chính là những nguyên nhân khuyến khích hình thành các hoạt động bất hợp pháp. Đây là vấn đề không chỉ nổi cộm ở nước ta mà luôn là tâm điểm quan tâm của hầu hết các nước trên thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia có nền kinh tế chuyển đổi. Đặc trưng của các nền kinh tế này là hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, cơ chế hành pháp còn nhiều sơ hở, cán bộ thực thi pháp luật lại xem thường luật pháp – đây chính là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng các hoạt động ngầm.
Yếu tố thứ hai, cũng là một hiện tượng thường gặp ở các nước phát triển, khi chính quyền vi phạm các cam kết của mình về trách nhiệm xã hội, xem nhẹ hoặc bỏ qua các vấn đề an sinh xã hội của đại đa số người dân. Cơ sở hạ tầng yếu kém, giao thông ùn tắc, môi trường ô nhiễm, dịch vụ công bị lãng quên, hệ thống xét xử thiếu minh bạch, công bằng… những vi phạm cam kết này từ phía chính quyền là cơ sở làm nảy sinh các hoạt động ngầm. Xét về lý thuyết, khi hai bên thỏa thuận ký kết với nhau một bản hợp đồng, điều kiện để một trong số các bên chủ động phá vỡ hợp đồng có thể được biểu diễn qua công thức:
∆U – P(s).S> 0 (1)
Trong đó: ∆U – mức lợi nhuận mong đợi (trong trường hợp phá hợp đồng); S – mức phạt;
P(s) – xác suất bên thứ hai phát hiện ra dấu hiệu vi phạm hợp đồng của bên thứ nhất.
Như vậy, về bản chất khi tiến hành đăng ký kinh doanh tức là chúng ta đang ký với chính quyền một bản hợp đồng. Theo đó, doanh nghiệp có trách nhiệm chịu sự quản lý và đóng thuế cho nhà nước theo qui định của pháp luật và ngược lại nhà nước có trách nhiệm bảo đảm các quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp. Điều kiện của hợp đồng sẽ được tuân thủ khi doanh nghiệp thấy rõ ràng lợi ích của việc chấp hành nghiêm túc các điều khoản giao ước, tức (1)>0. Ngược lại, vì một lý do nào đó, nhà nước không thực hiện nghiêm túc các cam kết của mình, không quan tâm đến quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, đeo bám tư tưởng hành chính chỉ huy thay vì hành chính phục vụ - lẽ đương nhiên đây sẽ là động lực thúc đẩy các hoạt động ngầm phát triển.
Ngoài hai yếu tố cơ bản trên còn có nhiều yếu tố khác là nguyên nhân thúc đẩy khu vực kinh tế ngầm như:
- chính sách phát triển thiếu cân đối của nhà nước, tập trung cao độ nguồn lực để thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo ra sự chênh lệch quá lớn giữa thành thị và nông thôn, đẩy xa khoảng cách giàu nghèo;
- chưa quan tâm đầy đủ đến các chính sách an sinh xã hội, thiếu gắn kết biện chứng giữa tăng trưởng kinh tế và chất lượng cuộc sống, trong nhiều trường hợp vô tình đã đẩy tầng lớp nghèo ra bên lề của quá trình phát triển;
- hệ thống pháp luật không đầy đủ và thiếu đồng bộ, điều này đặc biệt thường gặp ở các nước có nền kinh tế chuyển đổi như ở ta;
- khả năng thực thi pháp luật còn nhiều bất cập. Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này nhưng cơ bản là vì trình độ xây dựng luật cũng như thi hành luật của bộ máy chính quyền còn yếu, không đáp ứng kịp với sự thay đổi của môi trường;
- hiệu quả quản lý hành chính thấp, bộ máy công quyền quan liêu, tham nhũng cũng là một nguyên nhân thúc đẩy các hoạt động tạo thu nhập bất hợp pháp. Tóm lại, trên đây là một số nguyên nhân cơ bản nhằm nảy sinh khu vực kinh tế ngầm. Tất nhiên đây chưa thể là tất cả. Bởi bản chất của cuộc sống là luôn luôn vận động – do đó khu vực kinh tế ngầm cũng luôn luôn thay đổi. Đó trước hết là phản ứng “tự vệ” của các chủ thể kinh tế trước những điều kiện mới. Tuy nhiên, cần nhận rõ không phải cứ ngầm là xấu. Nhiều hoạt động ngầm nhìn từ một khía cạnh nào đó lại có ý nghĩa hết sức tích cực. Nó tạo công ăn việc làm, giúp lưu thông hàng hóa, cân đối cung cầu, điều tiết nền kinh tế, giúp tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân… những việc mà không phải lúc nào nền kinh tế chính thức cũng có thể thực hiện tốt được.