II. Chính sách khuyến khích xuất khẩu của Trung Quốc
2. Đánh giá chính sách khuyến khích xuất khẩu của Trung Quốc
2.3 Điều chỉnh chính sách xuất khẩu trong thời gian tớ
Trong chiến lược xuất khẩu đến năm 2020 do Bộ Thương mại Trung Quốc công bố, Trung Quốc đã thể hiện một số động thái cơ bản trong việc điều chỉnh chính sách thúc đẩy xuất khẩu của nước này trong thời gian tới.
Trước hết có thể khẳng định rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp cải cách toàn diện hệ thống kinh tế và luật pháp theo hướng tự do hóa, minh bạch hóa, phù hợp với thông lệ quốc tế và nguyên tắc cơ bản của WTO, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đã cam kết trong khuôn khổ WTO. Trên cơ sở những cải cách toàn diện đó Trung Quốc sẽ thiết lập một hệ thống ngoại thương mở cửa, có tính trung lập cao, hoạt động có hiệu quả cao và phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.
Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục dựa vào hoạt động gia công xuất khẩu và duy trì vị thế của mình như một mắt xích quan trọng trong mạng lưới sản xuất của các công ty đa quốc gia. Tuy nhiên, để gia tăng hiệu quả xuất khẩu, Trung Quốc sẽ hạn chế dần những chính sách ưu tiên đối với gia công xuất khẩu thông thường.
Để chuyển dịch cơ cấu theo hướng thúc đẩy xuất khẩu của các mặt hàng có hàm lượng vốn - công nghệ cao trở thành nguồn xuất khẩu chủ yếu trong tương lai, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước, điều chỉnh cơ cấu công nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển. Việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, tăng
cường thu hút và khai thác vốn FDI sẽ là những chính sách ưu tiên của Trung Quốc trong quá trình chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu.
Nhằm hạn chế những tác động tiêu cực phát sinh, đồng thời tăng cường hiệu lực của chính sách hoàn thuế, Trung Quốc sẽ tiếp tục có những điều chỉnh theo hướng hoàn thiện, chuẩn hóa công tác quản lý chế độ hoàn thuế. Cụ thể Trung Quốc có thể tiến tới quy định các mức hoàn thuế không căn cứ vào mặt hàng xuất khẩu mà xuất phát từ mức độ tiêu hao tài nguyên như đất đai, nước, năng lượng, khoáng sản trong quá trình sản xuất hàng xuất khẩu. Những doanh nghiệp tích cực đầu tư ứng dụng tiến bộ công nghệ nhằm sử dụng có hiệu quả (theo chiều sâu) các nguồn tài nguyên sẽ được xếp vào diện được khuyến khích. Còn những doanh nghiệp thiên về khai thác không có hiệu quả (theo chiều rộng) các nguồn tài nguyên sẽ được hưởng mức độ khuyến khích thấp hơn, hoặc không được khuyến khích. Điều này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả của chính sách hoàn thuế suất khẩu, mà còn có đóng góp hết sức quan trọng vào việc thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế nói chung.
Trung Quốc sẽ tiếp tục có những điều chỉnh tỷ giá theo hướng cho phép các yếu tố thị trường đóng góp vai trò tích cực hơn trong việc xác định tỷ giá. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ thực hiện nâng giá từng bước đồng NDT một cách thận trọng, trên cơ sở cân nhắc kỹ lưỡng những tác động có thể có đối với kinh tế Trung Quốc và thị trường tài chính thế giới. Theo một số tính toán, chi
phí lao động ở Trung Quốc bằng 4% chi phí lao động ở Mỹ, còn năng suất trung bình ở Trung Quốc chỉ bằng 6% năng suất lao động ở Mỹ. Do năng suất của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FIE) ở Trung Quốc cao hơn nhiều so với các doanh nghiệp trong nước, và các FIEs chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong xuất khẩu của Trung Quốc nên việc nâng giá Nhân dân tệ sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động các FIE ở Trung Quốc chuyên sản xuất các mặt hàng chế tạo phục vụ thị trường thế giới. Hơn nữa, gia công xuất khẩu chiếm tới hơn một nửa xuất khẩu của Trung Quốc nên việc đồng NDT tăng giá sẽ làm giảm giá các sản phẩm trung gian nhập khẩu, từ đó hạ giá hàng xuất khẩu. Tóm lại, việc điều chỉnh tỷ giá theo hướng nâng giá từng bước đồng NDT sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến xuất khẩu của Trung Quốc.
Cuối cùng với tư cách là thành viên của WTO, bên cạnh việc thực hiện các nghĩa vụ đã cam kết, Trung Quốc sẽ khai thác triệt để những quyền lợi của mình trong khuôn khổ hoạt động của tổ chức này. Trung Quốc sẽ tham gia đầy đủ và tích cực vào việc xây dựng mới các nguyên tắc thương mại đa phương, cũng như việc rà soát, xem xét, giám sát việc thực hiện chính sách thương mại và các nghĩa vụ đa phương của các nước thành viên khác. Với vị thế ngày càng lớn mạnh, Trung Quốc chắc chắn sẽ tận dụng những cơ hội và điều kiện thuận lợi mới để can thiệp ngày càng sâu hơn vào quá trình đề ra “luật chơi” mới trong phạm vi WTO, từ đó giúp nước này tiếp cận vững chắc các thị trường xuất khẩu lớn trên thế giới. Bên cạnh đó, Trung Quốc sẽ tiếp
tục đẩy mạnh việc tham gia các liên kết kinh tế tiểu vùng và đàm phán ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương với nhiều nước trên thế giới, kể cả nước công nghiệp phát triển. Đặc biệt, chính sách này sẽ giúp Trung Quốc đạt tới những mục tiêu chiến lược trong việc tiếp cận và mở rộng thị trường xuất khẩu, hạn chế bớt khả năng các nước thành viên WTO (đặc biệt là các nước công nghiệp phát triển) áp dụng biện pháp bảo hộ chống lại hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc.