B- Khu này đẹp gì mà đẹp?
2.2.2. Những bằng chứng về sự tồn tại ý nghĩa hỏi trong câu hỏi tu từ
Chúng ta đã thấy sự hình thành và hoạt động của ý nghĩa hỏi trong các câu hỏi tu từ ở cấp độ trừu tượng, trong tư duy nhận thức của con người. Ở mục này chúng tôi tiếp tục tìm hiểu và chứng minh bằng những bằng chứng ngôn ngữ cụ thể về sự tồn tại của ý nghĩa hỏi này trong câu hỏi tu từ.
Sự tồn tại của ý nghĩa hỏi trong câu hỏi tu từ dường như là cái đã có sẵn, một cái tồn tại khách quan trong nhận thức của người bản ngữ. Và do đó, nó tác động đến cả cách ứng xử của những câu hỏi này trong giao tiếp. Tuy đặc tính hỏi này ở trong những ngữ cảnh khác nhau nó có thể tăng lên hoặc mờ đi là chuyện dễ hiểu, đương nhiên, nhưng vẫn có hàng loạt các chứng cứ, bằng chứng mà chúng ta có thể đưa ra để chứng minh cho sự tồn tại của nó. Chúng tôi sẽ đưa ra sau đây ba bằng chứng như thế để chứng minh cho sự tồn tại của ý nghĩa hỏi này.
2.2.2.1. Ý nghĩa hỏi trong các câu hỏi tu từ có thể đƣợc nhấn mạnh thêm bằng con đƣờng từ vựng
Quả thực, nếu yếu tố hỏi không tồn tại trong các câu hỏi tu từ thì không thể có hiện tượng các câu hỏi tu từ chấp nhận việc đưa các yếu tố hỏi phụ trợ bên ngoài vào trong cấu trúc câu, kiểu như: hỏi, thử hỏi, … nói tôi xem (nào), … trả lời tôi xem (nào), … nói sao nào, … thử nghĩ xem, … xem xem, …hở/hả…?, …cơ chứ, …
tính, …bảo… Bằng cách này, người hỏi đã hiển ngôn hóa cái modus hỏi bằng động
từ ngữ vi "hỏi", bằng những từ ngữ, cấu trúc chỉ rõ ý người hỏi muốn người đối thoại hãy suy nghĩ và tự làm sáng tỏ vấn đề. Để thấy rõ hơn điều này, chúng ta cùng phân tích các ví dụ sau.
72
Ví dụ:
(6a)- Ai đánh con tôi?
(6b)- Cô ấy có phải là giáo viên trường này không?
Hai câu (6a) và (6b) ở trên được xem là những câu hỏi chính danh thông thường; có nghĩa là hành động hỏi ở đây được xem là mục đích chính của phát ngôn và ý nghĩa hỏi được xem là đặc trưng nhất, điển hình nhất. Cũng chính vì thế, việc thêm các yếu tố hỏi phụ trợ bên ngoài sẽ chỉ càng làm rõ hơn cái tình thái hỏi của câu mà thôi. Tức là, cấu trúc của chúng hoàn toàn chấp nhận những yếu tố hỏi này; tùy thuộc vào từng tình huống giao tiếp cụ thể và nghĩa của các vị từ trong câu mà chúng sẽ chấp nhận những yếu tố hỏi phụ trợ tương ứng:
(6a1). Ai đánh con tôi, hở bác?
(6a2). Anh trả lời tôi xem / Tôi hỏi anh ai đã đánh con tôi? (6b1). Cô ấy có phải là giáo viên trường này không, hả anh?
(6b2). Anh xem xem / Anh thử nghĩ xem / Anh trả lời tôi xem cô ấy có phải là giáo viên trường này không?
Ở đây, yếu tố hỏi phụ trợ bên ngoài đã góp phần làm nổi bật, nhấn mạnh hơn cái hành động hỏi, mục đích hỏi cũng như thúc giục thực hiện yêu cầu trả lời, yêu cầu cung cấp thông tin tương ứng.
Tình hình đối với nhưng câu hỏi tu từ cũng tương tự như vậy. Chúng ta cùng quan sát:
Ví dụ:
(7a)- Có ai đánh con chị đâu nào?
(7b)- Cô ta có phải là giáo viên trường này đâu?
Những câu hỏi tu từ này cũng chấp nhận những yếu tố hiển ngôn hóa hành động hỏi tham gia vào cấu trúc câu.
(7a1). Có ai đánh con chị đâu, hả chị / cơ chứ?
(7a2). Thử hỏi / Tôi hỏi chị / Chị thử nghĩ xem có ai đánh con chị đâu nào? (7b1). Cô ấy có phải là giáo viên trường này đâu, hả anh / cơ chứ?
(7b2). Anh xem xem / Anh thử nghĩ xem / Anh trả lời tôi xem cô ấy có phải là giáo viên trường này đâu?
73
Sự giống nhau này cho ta những bằng chứng xác đáng về sự tồn tại của ý nghĩa hỏi trong câu hỏi tu từ vì chúng cũng mang đầy đủ đặc tính hỏi, giá trị hỏi như trong các câu hỏi chính danh. Chỉ có điều, trong câu hỏi tu từ, các yếu tố hỏi phụ trợ này không nhằm mục đích nhấn mạnh hành động hỏi; thúc giục, đòi hỏi phải trả lời, phải cung cấp thông tin tương ứng (như ở các câu hỏi chính danh) mà chúng được dùng để nhấn mạnh cái mong muốn của người nói đối với người nghe rằng anh hay chị hãy chú ý đến vấn đề tôi nói, chú ý đến quan điểm của tôi để từ đó tự suy nghĩ, tự đánh giá, và tự làm sáng tỏ vấn đề.
Quan sát thêm những ví dụ khác:
Ví dụ 8: Thử hỏi mấy người như nó phỏng làm nên trò trống gì?
(Chu Lai - Gió nơi ấy màu xanh)
Ví dụ 9: Cô thử nghĩ, làm sao mà không xúc động sâu xa được, khi được đối
đãi như thế?
(Nguyễn Ái Quốc - Vi hành)
Ví dụ 10: Ông tính có ai lại ngu dại như thế không?
(Vũ Trọng Phụng - Kỹ nghệ lấy Tây)
Ví dụ 11: Anh bảo tội gì mà không tiêu cho sướng?
(Thạch Lam - Cái chân què)
Đối với những ý kiến cho rằng cái thành tố hỏi trong câu hỏi tu từ chỉ thuần túy là hình thức, và câu hỏi tu từ thực chất chỉ là những phát ngôn khẳng định hay phủ định, thì những phân tích ở trên đã chỉ ra những thiếu hụt trong nhân định của họ. Hơn nữa, việc là câu hỏi hay là những câu trần thuật thông thường sẽ tạo ra cho chúng có những ứng xử rất khác nhau trong giao tiếp, cũng như có những điều kiện ngữ cảnh không hoàn toàn giống nhau. Chúng ta sẽ thấy được điều đó ở những ví dụ sau:
Ví dụ:
(12a)- Không ai đánh con chị đâu.
(12b)- Cô ấy không phải là giáo viên trường này đâu.
Hai câu (12a) và (12b) là những câu trần thuật thông thường, những phát ngôn phủ định. Có thể thấy đây chính là những mệnh đề ngầm ẩn của các câu hỏi tu
74
từ (7a) và (7b). Chúng tôi chọn những câu này để phân tích và so sánh với mục đích giúp chúng ta thấy rõ hơn đặc điểm của chúng. Đối với những câu trần thuật này chúng ta có thể nói:
(12a1). Không ai đánh con chị đâu đấy nhé. (12a2). Tôi tin là không ai đánh con chị đâu.
(12b1). Cô ấy không phải là giáo viên trường này đâu đấy nhé. (12b2). Tôi tin là cô ấy không phải là giáo viên trường này đâu.
Nhưng lại không thể nói:
(12a3). *Không ai đánh con chị đâu hả chị?
(12a4). *Thử hỏi / Nhƣng tôi hỏi chị không ai đánh con chị đâu? (12b3). *Cô ấy không phải là giáo viên trường này đâu, hả chị?
(12b4). * Anh trả lời tôi xem / tôi hỏi anh cô ấy không phải là giáo viên trường này đâu?
Trong khi đó, đối với những câu hỏi tu từ (7a) và (7b) thì lại hoàn toàn chấp nhận các trường hợp như (7a1), (7a2), (7b1), (7b2); ngược lại, lại không chấp nhận các kết hợp (7a3), (7a4), (7b3), (7b4) như sau:
(7a3). *Có ai đánh con chị đâu đấy nhé. (7a4). *Tôi tin là có ai đánh con chị đâu.
(7b3). *Cô ấy có phải là giáo viên trường này đâu đấy nhé. (7b4). *Tôi tin là cô ấy có phải là giáo viên trường này đâu.
Những ví dụ và phân tích ở trên đã cho chúng ta thấy rõ hơn cái ý nghĩa hỏi tồn tại trong các câu hỏi tu từ. Sự hiện diện của chúng mang những nội dung, ý nghĩa nhất định. Chúng tham gia vào quá trình hoạt động và biểu nghĩa của câu hỏi tu từ, chúng là một thành phần ngữ nghĩa – ngữ dụng cơ bản của loại phát ngôn này chứ không phải chỉ có hình thức mà không có nội dung. Dường như cái đặc tính hỏi trong các câu hỏi tu từ này đã tồn tại một cách khách quan trong nhận thức của người Việt nên dù trong những ngữ cảnh khác nhau, nó có thể mạnh hoặc yếu, có thể mờ hoặc rõ, nhưng cái tình thái hỏi thì rõ ràng là tồn tại và có những đóng góp nhất định vào việc hành chức của các câu hỏi tu từ trong hoạt động giao tiếp.
75
2.2.2.2. Sắc thái thách thức trả lời trong câu hỏi tu từ
Vẫn tiếp tục trên con đường chứng minh sự tồn tại và hoạt động của ý nghĩa hỏi trong các câu hỏi tu từ, ở mục này chúng tôi sẽ đưa ra thêm một bằng chứng xác thực nữa, đó là cái sắc thái thách thức trả lời hiện diện trong các câu hỏi tu từ. Điều này đã từng được Cao Xuân Hạo đề cập đến khi bàn luận về trường hợp những câu trả lời tỉnh lược chỉ gồm có: Đâu (có)? hay Có đâu?
Ví dụ: (Dẫn lại ví dụ của Cao Xuân Hạo [28, 407])
(13a) - Anh Nam có cho anh hai cuốn sách à?
- Đâu (có)? / Có đâu?
(13b) - Anh mắc bệnh hắc lào rồi.
- Đâu (có)?
Theo ông: "những câu trả lời trên đây là những cách chối cãi. Ngƣời trả lời không trực tiếp phủ nhận sự tình đƣợc ngƣời đối thoại nhắc đến hay đặt thành vấn đề, mà đặt câu hỏi trở lại để ngƣời kia tự suy ra là sự tình kia không có. Câu hỏi lại ấy là một lời thách thức ngƣời kia chỉ ra một bằng chứng của sự tình đƣợc nói đến"
[28, 407]. Cái ý thách thức trả lời trong các câu (13a) và (13b) được Cao Xuân Hạo diễn giải như sau:
(13a). Anh bảo anh Nam cho tôi hai cuốn sách, thế thì xin hỏi anh quyển sách ấy bây giờ ở đâu nào?
(13b). Anh bảo tôi bị hắc lào, vậy anh thử chỉ tôi xem đám hắc lào của tôi ở đâu?
Tính thách đố ở đây đã hình thành do bản thân người hỏi tin rằng người đối thoại với mình không chứng minh được, không chỉ ra được bằng chứng về sự tình được nói đến trong câu là có thật. Cũng theo Cao Xuân Hạo, những câu hỏi tu từ có giá trị phủ định sử dụng cấu trúc "… đâu (có)…", "có ... đâu" có thể coi như phái sinh từ những câu trả lời tỉnh lược nêu trên. Và do đó, cái "sắc thái thách đố vẫn
còn để lại dấu vết trong giọng điệu" [28, 408].
Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với những nhận định và phân tích của Cao Xuân Hạo. Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng tính thánh đố trả lời trong các câu hỏi tu từ không chỉ giới hạn trong những kiểu câu dùng "… đâu (có)…" hay "có ... đâu", và
76
cái sắc thái thách đố này cũng không chỉ là "dấu vết trong giọng điệu". Chúng tồn tại trong khá nhiều các câu hỏi tu từ mà chúng ta đang quan tâm, và thậm chí đôi khi còn được bổ sung thêm bằng những yếu tố tình thái hiển ngôn.
Như chúng tôi đã đề cập đến ở trên, ý nghĩa hỏi trong các câu hỏi tu từ cũng được hình thành khi xuất hiện một ô trống trong nhận thức cần làm sáng tỏ, cần có những thông tin bổ sung. Tuy nhiên, việc bổ sung thông tin trong các câu hỏi tu từ hoàn toàn không giống với những câu hỏi chính danh thông thường. Trong các câu hỏi chính danh việc bổ sung thông tin được thực hiện một cách hiển ngôn, người đối thoại cung cấp những thông tin tương ứng mà người nói còn thiếu hụt, giúp người nói lấp đầy cái ô trống trong nhận thức đó; và điều căn bản là chính bản thân người nói cũng xác định được sự thiếu hụt của mình và có nhu cầu cần bổ sung thông tin. Trong khi đó, việc bổ sung thông tin trong các câu hỏi tu từ lại được thực hiện theo một con đường hoàn toàn khác. Cái ý nghĩa hỏi trong câu hỏi tu từ cũng định ra một ô trống nào đó trong vùng nhận thức của người nói và cũng cần có sự bổ sung thông tin để làm sáng tỏ vấn đề. Tuy nhiên, nó lại không xuất phát từ nhu cầu của người nói và cái mục đích bổ sung thông tin không phải là cái đích ngôn trung cuối cùng của câu hỏi. Chúng ta đã biết rằng, câu hỏi tu từ xuất hiện khi có sự bất đồng giữa các ý kiến, quan điểm, dẫn đến nhu cầu cần giải quyết mâu thuẫn. Do đó, khi người nói phát ngôn một câu hỏi tu từ, anh ta tin rằng ý kiến, quan điểm của mình về đối tượng đang được đề cập là đúng, và của người đối thoại là chưa đúng. Cái ô trống trong nhận thức chỉ là sự "giả định" của người nói, anh ta không cho rằng mình thiếu hụt thông tin và không thực sự có nhu cầu cần bổ sung. Anh ta chỉ "giả bộ" yêu cầu cung cấp thông tin (cái mà anh ta cho rằng người đối thoại, trong quá trình đấu tranh, đã nghĩ rằng anh ta vì chưa có những thông tin đó nên đã dẫn đến có một quan điểm chưa đúng đắn về đối tượng). Trong quá trình đấu tranh bảo vệ quan điểm riêng giữa những người tham gia giao tiếp, người nói hoàn toàn tin rằng người đối thoại không thể đưa ra được cái thông tin, bằng chứng xác đáng để bổ sung vào cái ô trống mà người nói giả định chấp nhận là mình bị thiếu hụt đó. Và chính bởi cái niềm tin đó của người nói đã dẫn đến sự tồn tại cái sắc thái thách thức trong các câu hỏi tu từ. Người nói đã "thách" người đối thoại chỉ ra cái thiếu hụt trong nhận thức, chỉ ra cái sai lầm trong quan điểm của mình.
77
Có thể phân tích các câu sau để thấy rõ hơn vấn đề.
Ví dụ 14: A- Em đã gặp anh ta khi nào?