tình trạng ốm nghén, chán ăn, mệt mỏi, sức khoẻ giảm sút. Để bảo đảm sức khoẻ cho thai phụ và thai nhi phát triển khoẻ mạnh về thể chất, trí tuệ thì người mẹ cần có chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý và nhất là bổ sung dinh dưỡng đầy đủ. Làm việc quá sức có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến sảy thai, đẻ non. Không cung cấp đủ dưỡng chất cho thai phụ thường dẫn đến tình trạng đẻ con suy dinh dưỡng. Những người chồng H’Mông hiện nay, phần nhiều đã nắm được kiến thức này. Khi được hỏi, hầu hết họ đều khẳng định họ biết rõ về việc phụ nữ mang thai thì phải kiêng mang vác các vật nặng, khi chửa bụng to rồi thì không nên đi làm nương, làm việc vất vả nữa (Bảng 3.6).
Bảng 3.6. Nhận thức về vai trò của bản thân đối với chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý của bà mẹ mang thai
Mức độ hiểu biết Tần số Tỷ lệ (%)
Biết rất rõ 8 2,6
Biết rõ 179 59,7
Biết chưa rõ 66 22,0
Tổng 300 100
Số liệu phản ánh sự tiến bộ đáng kể về nhận thức của người dân nói chung và nam giới dân tộc H’Mông nói riêng về hoạt động chăm sóc bà mẹ mang thai. Dù trong thực tế họ chưa thực hiện được theo những điều mà họ nhận thức, tuy nhiên ít nhiều họ cũng đã thấy được những điều cần phải làm cho người vợ của họ khi mang thai. Đặc biệt, đối với chế độ dinh dưỡng, nam giới đã có nhận thức tiến bộ, khác hẳn so với trước đây. Người H’Mông trước đây có quan niệm cho rằng phụ nữ mang thai không nên ăn nhiều, ăn những thức ăn bổ dưỡng vì sợ thai to, khó đẻ. Kinh nghiệm được các bà, các mẹ truyền lại cho con cái, từ thế hệ này đến thế hệ khác. Nhiều phụ nữ hiện nay vẫn đồng tình với quan điểm này, nhất là những người phụ nữ lớn tuổi. “Phụ nữ mang thai cũng phải nên nghỉ ngơi nhưng phụ nữ người Mông không ai nghỉ cả, làm việc như bình thường cho đến khi đẻ, có người đến lúc đau bụng đẻ còn đang ở trên nương đấy. Phụ nữ mang thai cũng nên ăn nhiều thức ăn bổ dưỡng, vì ăn nhiều con sẽ khoẻ mạnh hơn, nhưng các cụ thì hay bảo ăn nhiều thì khó đẻ đấy, sau này về già còn hay bị bệnh nữa. Chúng tôi hay nghe lời người già, nhất là mẹ chồng. Với lại người Mông còn nghèo lắm nên không có nhiều thức ăn bồi dưỡng đâu (Nữ, 45 tuổi, mù chữ, làm ruộng).
Khác với phụ nữ, nam giới được đi học nhiều hơn, tiếp xúc nhiều hơn với các phương tiện truyền thông đại chúng nên nhận thức về mọi vấn đề đã ngày càng tiến bộ hơn. Nhiều nam giới cũng đã biết rằng chế độ dinh dưỡng của bà mẹ mang thai sẽ tác động trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi.
“Theo tôi thì họ nên nghỉ ngơi, không đi làm nương, làm các công việc nặng nhọc, nhưng nếu mới mang thai thì cũng có thể giúp gia đình làm nương, và khi chửa khoảng 6, 7 tháng thì chỉ phụ những công việc nhẹ trong gia đình. Về dinh dưỡng thì tôi nghĩ họ nên ăn nhiều và phải ăn ngon, ăn nhiều thức ăn bổ dưỡng. Vì ăn nhiều sẽ đẻ được con khỏe hơn, vợ sẽ có nhiều sữa cho con bú” (Nam, 24 tuổi, THCS, làm ruộng).
Bên cạnh những người chồng có nhận thức tiến bộ về vai trò của bản thân đối với chế độ làm việc, dinh dưỡng của người vợ mang thai thì vẫn còn khoảng 37,7% người chồng cho rằng họ không biết điều này.
“Theo tôi người phụ nữ có thai không cần phải ăn nhiều thức ăn giàu chất dinh dưỡng vì ăn nhiều thức ăn dinh dưỡng sẽ dẫn đến khó đẻ. Phụ nữ khi mang thai cũng không nên nghỉ ngơi nhiều bởi vì nếu nghỉ nhiều thì sau này sẽ rất khó đẻ” (Nam, 52 tuổi, mù chữ, làm ruộng).
Đây là ý kiến của một người nam giới thuộc thế hệ trước trong cộng đồng, trước đây không được đi học, sau này có tham gia lớp xoá mù chữ do chính quyền địa phương tổ chức nhưng sau đó lại tái mù. Người đàn ông này còn nói thêm rằng, kinh nghiệm đó ông có được là do mẹ ông đã nói với ông khi vợ ông mang thai đứa con đầu tiên. Vợ chồng ông có 6 người con, 4 trai, hai gái, vợ ông mang thai cả 6 lần đều không cần bồi dưỡng gì, vẫn cứ làm mọi công việc như lúc không có thai, thế mà 6 đứa con ông đều khoẻ mạnh cả. Thực tế cho thấy, nhiều quan điểm cũ, bất lợi cho sức khoẻ bà mẹ và sự phát triển của thai nhi vẫn được bảo lưu trong cộng đồng, nhất là trong nhóm những người thuộc thế hệ trước (từ 35 tuổi trở lên). Đây là nhóm người mà những quan điểm và lối sống đã hình thành rõ ràng, bền vững, do đó những thông điệp tuyên truyền, giáo dục về dân số - sức khoẻ sinh sản khó làm họ thay đổi cách nghĩ, cách làm.
Tóm lại, có hơn một nửa số nam giới được hỏi biết rằng phụ nữ mang thai cần phải được nghỉ ngơi và bổ sung dinh dưỡng hợp lý để đảm bảo sức khoẻ của mẹ và thai nhi. Nhiều người khẳng định rằng khi vợ có thai, bụng to thì không nên đi làm nương xa. Tuy nhiên họ cũng thừa nhận thực tế ở địa phương ít có người phụ nữ nào được nghỉ ngơi khi có thai và được bồi dưỡng một chế độ dinh dưỡng đặc biệt. Quá trình quan sát của tác giả tại địa bàn cho thấy, hầu hết phụ nữ H’Mông làm việc như bình thường khi có thai và không có chế độ dinh dưỡng đặc biệt nào. Có những phụ nữ đẻ con khi còn đang làm trên nương. Hơn thế nữa, vẫn tồn tại một bộ phận không nhỏ nam giới cho rằng phụ nữ mang thai nên làm việc chăm chỉ cho
dễ đẻ và không nên ăn nhiều thức ăn bổ dưỡng vì sẽ khó đẻ và sau này có thể mắc bệnh không tốt cho sức khoẻ.
3.3.2. Nam gi i th c hi n vai trò trong ch m sóc s c kho bà m mang thai