KẾT LUẬN
Qua quá trình điều tra bằng các phương pháp thu thập thông tin cũng như vận dụng các quan điểm lý thuyết để tìm hiểu và phân tích vai trò của nam giới dân tộc H’Mông trong việc thực hiện KHHGD và chăm sóc sức khoẻ bà mẹ mang thai, nghiên cứu cho thấy bức tranh không chỉ có những mảng màu sáng xen lẫn tối trong thực trạng nhận thức về vai trò và sự thực hiện vai trò của nam giới mà còn chỉ ra những yếu tố liên quan đến việc thực hiện vai trò của nam giới trong lĩnh vực chăm sóc SKSS. Từ kết quả khảo sát và phân tích, nghiên cứu đưa ra những kết luận sau:
1. Kể từ sau Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD) năm 1994, vấn đề DS và chăm sóc SKSS đã được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm. Ở Việt Nam, cho đến nay đã có nhiều nghiên cứu tập trung vào lĩnh vực chăm sóc SKSS, nhất là chăm sóc SKSS cho nhóm dân tộc thiểu số. Một điều đáng chú ý là các nghiên cứu có đối tượng đích là nam giới rất ít, và chỉ khu trú vào vấn đề nhạy cảm như đồng tính nam, tình dục hay vô sinh. Tuy nhiên sự tham gia của nam giới trong chăm sóc sức khoẻ sinh sản là một trong những chiến lược quan trọng của ICPD tại Cairo, do vậy cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa tìm hiểu vai trò của nam giới trong chăm sóc sức khoẻ sinh sản.
2. Nam giới dân tộc H’mông đã phần nào nhận thấy vai trò của bản thân trong việc thực hiện kế hoạch hoá gia đình và chăm sóc sức khoẻ bà mẹ mang thai. Thể hiện ở tỷ lệ nam giới biết đến các vấn đề liên quan đến nội dung kế hoạch hoá gia đình như số con cho phép, độ tuổi kết hôn của nam nữ thanh niên theo quy định của Nhà nước và các biện pháp tránh thai. Đối với nội dung chăm sóc sức khoẻ bà mẹ cũng có hơn nửa số nam giới cho rằng họ biết rõ về việc phụ nữ có thai thì phải được thăm khám thai ở cơ sở y tế, được nghỉ ngơi và bồi dưỡng đúng cách. Mặc dù đây chỉ là nhận định có tính chất chủ quan của nam giới, sự hiểu biết của họ mới chỉ là những nhận thức ban đầu, biết là bà mẹ mang thai thì phải đi khám thai, nhưng đi khám bao nhiêu lần và khám vào những thời điểm nào thì hầu hết đều không nắm
được. Tuy nhiên, những hiểu biết ban đầu đó cũng có thể cho thấy nam giới đã có sự quan tâm đến việc thực hiện KHHGĐ và chăm sóc sức khoẻ bà mẹ mang thai.
3. Sự thực hiện vai trò của nam giới dân tộc H’mông trong kế hoạch hoá gia đình và chăm sóc sức khoẻ bà mẹ mang thai còn nhiều hạn chế. Cụ thể, nam giới là người quyết định số con trong gia đình, tại địa bàn nghiên cứu, không có gia đình nào dừng lại ở con số 2 con, những gia đình đang có 2 con rơi vào nhóm trẻ, họ vẫn sẽ sinh thêm vì trong cộng đồng dân tộc H’mông, ít con là có 4, 5 người con. Hầu hết nam giới được hỏi đều kết hôn khi mới 17, 18 tuổi. Tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai để chia sẻ gánh nặng với người phụ nữ mới dừng ở con số trên 10%. Đưa vợ đi khám thai chủ yếu để biết giới tính thai nhi chứ không phải họ quan tâm đến sức khoẻ bà mẹ và sự phát triển của bào thai. Phụ nữ H’mông vẫn tham gia lao động bình thường cho đến lúc đẻ, thậm chí hiện nay vẫn còn những trường hợp đẻ rơi ngoài nương. Phụ nữ có cũng nhiều mong muốn thầm kín nhưng bởi họ không dám nói ra những mong muốn, những yêu cầu của bản thân với người chồng của họ nên khiến chúng ta nghĩ rằng phụ nữ H’mông không quan tâm đến bất kỳ điều gì ngoài việc cặm cụi làm tròn bổn phận người vợ, người mẹ. Thực tế cho thấy phụ nữ không dám yêu cầu, đòi hỏi gì vì sợ cộng đồng chê cười, lên án.
4. Rào cản cản trở vai trò của nam giới trong thực hiện KHHGĐ và chăm sóc sức khoẻ bà mẹ là các phong tục tập quán như quan niệm về hôn nhân và gia đình; quan niệm về số con và giá trị của người con trai; quan niệm sinh đẻ là việc của phụ nữ cùng những tập quán kiêng kị trong sinh đẻ. Bên cạnh đó là sự hạn chế về trình độ và công tác truyền thông còn chưa sâu rộng. Một rào cản cũng được xem xét đó là về mặt địa lý, xa trung tâm xã, trạm y tế và bệnh viện huyện.
Tóm lại: Thực trạng trên cho thấy nam giới chưa làm tốt vai trò của họ trong việc thực hiện KHHGĐ và chăm sóc sức khoẻ bà mẹ mang thai. Hiện nay, xã hội mong đợi nam giới có những hành vi thiết thực để chia sẻ gánh nặng với người phụ nữ trong việc thực hiện kế hoạch hoá gia đình, trong quá trình phụ nữ mang thai và sinh con. Tuy nhiên, quá trình điều tra cho thấy, nam giới tại địa bàn nghiên cứu chưa thực hiện được vai trò tương ứng với địa vị của họ. Rào cản lớn nhất là những
tập quán truyền thống đã trở thành những khuôn mẫu bất di bất dịch khiến cho nhiều nam giới hiện nay dù ít nhiều biết đến những yêu cầu thực hiện KHHGD và chăm sóc sức khoẻ bà mẹ nhưng hành động thì vẫn theo thói quen truyền thống. Bức tranh vai trò chăm sóc sức khoẻ sinh sản của nam giới đã cho thấy từ lời nói, suy nghĩ đến hành động còn là một khoảng cách rất xa. Có lẽ cần có thêm nhiều thời gian và sự quyết tâm hơn nữa thì tình hình trên mới có thể được cải thiện.
KHUYẾN NGHỊ