0
Tải bản đầy đủ (.doc) (158 trang)

Bảng 3.7. Tương quan giữa nhận thức về vai trò và sự thực hiện vai trò đưa vợ đi khám thai (%)

Một phần của tài liệu VAI TRÒ CỦA NAM GIỚI DÂN TỘC H’MÔNG VÙNG TÂY BẮC TRONG CHĂM SÓC SỨC KHOẺ SINH SẢN (Trang 98 -102 )

mang thai, đề tài đã xem xét ở ba khía cạnh: nam giới động viên, đưa vợ đi khám thai, đi tiêm phòng uốn ván, quan tâm đến chế độ dinh dưỡng và chia sẻ công việc gia đình để phụ nữ mang thai được nghỉ ngơi nhiều hơn.

3.3.2.1. Nam giới thực hiện vai trò trong hoạt động thăm khám thai định kì

Kết quả điều tra đã cho thấy một xu hướng không tương đồng giữa nhận thức về vai trò và sự thực hiện vai trò của nam giới trong hoạt động chăm sóc sức khoẻ bà mẹ mang thai. Mặc dù nam giới tại địa bàn nghiên cứu đã nhận định rằng họ biết phụ nữ mang thai thì phải đi khám thai để theo dõi sức khoẻ bà mẹ và tiến trình phát triển của thai nhi nhưng không phải nam giới nào cũng thực hiện theo yêu cầu đó. Kể cả những người cho rằng họ biết rõ về yêu cầu đó (Bảng 3.7).

Bảng 3.7. Tương quan giữa nhận thức về vai trò và sự thực hiện vai trò đưa vợ đi khám thai (%)

Nhận thức về vai trò Sự thực hiện vai trò Tổng

Không Biết rất rõ 64,3 35,7 100,0 Biết rõ 63,9 36,1 100,0 Biết chưa rõ 16,7 83,3 100,0 Không biết 2,7 97,3 100,0 Tổng 42,0 58,0 100,0

Kết quả cho thấy, chỉ có hơn nửa số nam giới (64%) cho rằng họ biết rõ yêu cầu phụ nữ có thai phải đi khám thai thực hiện theo yêu cầu đó. Giữa việc họ nghe, họ biết và thực hiện theo không phải lúc nào cũng tương đồng. Theo kết quả điều tra có 42% nam giới đã từng đưa vợ đi khám thai ở cơ sở y tế, đây chính là kết quả của quá trình biến đổi kinh tế - xã hội nói chung và đặc biệt là ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Kinh tế phát triển hơn, cộng với sự giao thoa văn hoá

mạnh mẽ hơn với các cộng đồng dân tộc khác đã giúp cộng đồng người H’Mông tiếp cận nhiều hơn với các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khoẻ.

“Trước đây thì không thấy ai làm thế nhưng bây giờ thì phải đưa đi khám, vì dân chúng tôi bây giờ đã hiểu biết hơn trước nhiều. Điều đó sẽ mang lại hạnh phúc cho cả mẹ và con” (Nam, 24 tuổi, THCS, làm ruộng).

“Nếu có đi khám thì chồng phải đưa đi chứ, vì người vợ thường không biết chữ và không biết đi xe xuống huyện” (Nữ, 32 tuổi, tiểu học, làm ruộng).

Nam giới không phải là người trực tiếp mang thai, không phải là người trực tiếp đến các cơ sở y tế để thăm khám thai, nhưng lại có tiếng nói quyết định đến việc người phụ nữ mang thai ấy có đến các cơ sở y tế để thăm khám thai không. Trong gia đình người H’Mông, người chồng có quyền quyết định mọi vấn đề lớn nhỏ, ngay cả những vấn đề liên quan trực tiếp đến bản thân người phụ nữ như vấn đề về sức khoẻ, đau ốm… thì người vợ cũng không tự quyết định mà luôn nghe theo sự sắp đặt của người chồng. Nếu người chồng cho đó là nghiêm trọng cần phải đến khám ở các cơ sở y tế thì sẽ đưa vợ đi và ngược lại. Phụ nữ H’Mông không thể tự quyết được việc có đi khám thai hay không. Họ phụ thuộc hoàn toàn vào người chồng. Hiện nay, nhiều phụ nữ trẻ cũng muốn được chăm sóc cho bản thân mình nhiều hơn, nhất là khi mang thai, họ cũng muốn được thăm khám thai, được làm những điều tốt cho sức khoẻ của mẹ và thai nhi, nhưng hầu hết đều không nói ra những mong muốn và nguyện vọng của mình.

“Đi khám thai thì chồng bảo đi thì mới được đi, mình có con trai rồi, những đứa sau chồng không đưa đi khám nữa. Nhiều chị em chúng tôi cũng muốn chồng đưa đi để xem con nó như thế nào nhưng đường xa, đi lại vất vả, với lại chồng cũng không hiểu cho” (Thảo luận nhóm nữ).

Qua khảo sát cho thấy, ngay cả trong nhóm nam giới cho rằng họ biết phụ nữ có thai thì phải đi khám thai nhưng vẫn có đến gần 40% không đưa vợ đi. Rõ ràng giữa những gì họ khẳng định về vai trò của bản thân và những gì họ thực hiện vẫn còn khoảng cách nhất định. Trong tổng số nam giới được hỏi, vẫn còn hơn một nửa nam giới (58%) chưa ý thức rõ tầm quan trọng của việc thăm khám thai định kì, họ

cho rằng khám thai là không cần thiết, chỉ khi nào bà mẹ mang thai bị ốm, bị đau bụng thì mới cần đi khám, nhưng trước khi đến cơ sở y tế thì họ vẫn làm các thủ tục theo tâm linh (cúng ma), nếu không khỏi thì mới đi khám. Trong cộng đồng dân tộc H’Mông, thầy Mo là nhân vật có vai trò rất quan trọng, là người có uy tín, có hiểu biết, có tài ăn nói. Thông thường khi nói đến thầy Mo là nói đến sự lạc hậu, mù quáng, mê tín dị đoan… Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi đã khai thác thấy khía cạnh rất tích cực của thầy Mo. Thầy Mo là một biểu hiện giá trị về tinh thần trong cộng đồng. Những bài cúng của thầy Mo không đơn thuần mang tính chất thần thánh siêu nhiên mà bài cúng ấy chính là những lời hay, ý đẹp, là những kinh nghiệm dân gian, những lời răn dậy rất có ý nghĩa trong cộng đồng. Cúng ở trường hợp nào thì bài cúng có nội dung phù hợp với trường hợp đó. Nếu trong trường hợp người bị gẫy chân thì bài cúng sẽ khuyên người ta phải cẩn thận… Khi bị bệnh, người H’Mông luôn làm lễ cúng trước, nếu không khỏi thì mới đi khám chữa ở cơ sở y tế. Theo một cán bộ xã có tâm huyết chia sẻ, xã sẽ tăng cường tiếng nói của trưởng Bản, khai thác những khía cạnh tích cực của thầy Mo để tác động đến nhận thức và thói quen của người dân trong xã về vấn đề thực hiện KHHGĐ và chăm sóc sức khoẻ sinh sản.

Trong những năm gần đây, kỹ thuật siêu âm có thể cho biết giới tính thai nhi sớm nên tỷ lệ người H’Mông đi khám thai có tăng lên. Đáng chú ý là hầu hết họ chỉ đưa vợ đi khám thai một lần duy nhất trong suốt thai kì. Theo thống kê của trạm y tế xã, trong năm 2011 và năm tháng đầu năm 2012 có 186 trường hợp mang thai, tuy nhiên số lượt khám thai mới dừng ở con số 113 lượt. Cũng theo cán bộ y tế xã, mục đích chủ yếu của nam giới khi đưa vợ đi khám thai là để biết giới tính thai nhi, còn về tình trạng sức khoẻ thai phụ, sự phát triển của thai nhi thì ít được họ quan tâm đến.

“…đó cũng tùy nếu cảm thấy không cần thiết thì cũng chẳng cần đi khám, tại vì muốn biết con là con trai hay gái thì mới đi khám nếu không thì kệ” (Nam, 28 tuổi, THCS, làm ruộng).

“Đứa trước đẻ con gái rồi, nên đứa này đưa vợ đi siêu âm để xem là con trai hay con gái…” (Nam, 20 tuổi, THCS, làm ruộng).

“Họ cũng đưa vợ đi khám và mua thuốc uống, vì đi khám có thể phát hiện một số bệnh cho con ngay từ trong bụng mẹ và giúp giải đáp vấn đề tò mò là trai hay gái” (Nam, 24 tuổi, THCS, làm ruộng).

“Vợ nó không được học, không biết chữ, nếu có đi đâu, làm gì thì phải có mình đưa đi nó mới đi. Khi có thai đứa đầu, mình có chở đi xuống bệnh viện huyện để khám thai, hai đứa sau này thì không đi nữa, đứa đầu đẻ dễ mà nên không cần đi khám nữa”(Nam, 34 tuổi, tiểu học, làm ruộng).

“Khi nó bụng to mình mới biết là lại ra con rồi, mình cũng biết là có chửa thì phải đi khám nhưng vợ khoẻ rồi, vẫn đi làm nương, với lại mọi người đều thế, nên mình thấy cũng không cần phải đi khám” (Nam, 42 tuổi, mù chữ, làm ruộng).

Cộng đồng dân tộc H’Mông vẫn tồn tại quan niệm trong gia đình nhất thiết phải có con trai. Chỉ có con trai mới nuôi dưỡng cha mẹ khi tuổi già và thờ cúng tổ tiên cha mẹ, con gái khi lấy chồng sẽ trở thành ma bên nhà chồng, vì thế nếu nhà nào không có con trai thì khi về già không có ai chăm sóc, nuôi dưỡng và nhất là đến khi chết thì không có ai làm ma cho và không có chỗ để chết, thường phải làm lán tạm trong rừng để chết ở đó. Hầu hết những người nam giới được hỏi đều muốn một mô hình gia đình lý tưởng là có 4 người con, hai con trai và hai con gái. Hiện nay, gia đình người H’Mông không còn đẻ nhiều con như trước, tuy nhiên, họ cho rằng ít con là có 4 - 5 người con, còn gia đình đông con là phải có trên 8 người con.

“Người Mông thì phải có con trai mới nuôi được bố mẹ, con gái thì dù đi lấy chồng xa hay gần thì cũng không thể nuôi bố mẹ được, nó chỉ sang nhà bố mẹ để chăm sóc được thôi chứ không để bố mẹ sống trong nhà được vì đi lấy chồng thì nó là khác ma rồi, khác ma thì không được cho bố mẹ ở nhà và chết ở nhà con gái, thế nên bố mẹ không thể chết trong nhà con gái được mà chỉ được chết ở nhà con trai thôi vì cùng ma nhà mà, cho nên người Mông thì bắt buộc phải có con trai. Thích có một cặp thợ sẻ, tức là có hai con trai và hai con gái, ai cũng thích thế, nhà nước bảo đẻ hai con thôi nhưng phải cố đẻ để có được 2 con trai, nếu chỉ có một con trai thì cũng không biết thế nào, cho nên cố đẻ thêm” (Nam, 45 tuổi, THCS, Bí thư bản).

“Nếu nhìn từ góc độ của chúng ta thì thấy rằng phụ nữ Mông còn phải chịu nhiều thiệt thòi lắm. Hồi mới vào công tác ở xã, mình đi làm công tác dân vận, đến nhà một người Mông ăn cơm, thấy trong mâm không có phụ nữ và trẻ con, mình có hỏi thì chủ nhà nói vợ con ăn ở dưới bếp, mình bảo gọi hết lên ăn cho vui, nhưng chủ nhà bảo phong tục ở đây thế, mình cũng không để ý đến chuyện ấy nữa và cứ nghĩ mâm dưới bếp cũng có đầy đủ thức ăn như mâm trên nhà. Cuối cùng mới vỡ lẽ ra là không phải thế, thức ăn đã dọn hết lên nhà rồi, chỉ khi nào mâm trên nhà ăn xong, phụ nữ mới dọn xuống và ăn lại những gì còn thừa, nếu không thừa cái gì thì cũng đành chịu. Lần đó vì không biết, mình cứ áy náy mãi, nghĩ lại cái cảnh mọi người trên nhà ăn uống thoải mái trong khi phụ nữ và trẻ con không được ăn cái gì, mình thấy chua xót. Sau lần đó, bất kể ăn cơm ở đâu mình đều bắt chủ nhà phải xếp cả mâm cho phụ nữ và trẻ con cùng ăn, cũng không phải đơn giản, vì họ nói đấy là phong tục rồi, mình phải vận động cương quyết lắm, còn bảo nếu không làm thế mình sẽ không ăn đấy thì họ mới nghe” (Nam, 43 tuổi, Đại học, Bí thư xã).

Có một số lý do được xem là rào cản, cản trở nam giới đưa vợ đi khám thai. Có thể khái quát những lý do đó thông qua bảng 3.8.

Bảng 3.8. Lý do nam giới không đưa vợ đi khám thai

Một phần của tài liệu VAI TRÒ CỦA NAM GIỚI DÂN TỘC H’MÔNG VÙNG TÂY BẮC TRONG CHĂM SÓC SỨC KHOẺ SINH SẢN (Trang 98 -102 )

×