Theo pháp luật Pháp, độ tuổi của người xin con nuôi phải trên 28 tuổi và phải hơn trẻ em được nhận làm con nuôi ít nhất là 15 tuổi. Nếu vợ chồng cùng xin con nuôi thì phải sống chung hợp pháp, không ly thân.
Ngoài ra còn có điều kiện liên quan đến hoàn cảnh gia đình, điều kiện vật chất, tâm lý và xã hội, sức khỏe của người xin con nuôi. Các điều kiện này đều được các cơ quan có thẩm quyền của Pháp điều tra và đánh giá dưới hình thức lập bản "Báo cáo tâm lý và xã hội của người xin con nuôi". Hình thức tiến hành đánh giá các điều kiện thường được thực hiện qua con đường phỏng vấn, gặp gỡ tại gia đình nơi người xin con nuôi cư trú và tiến hành nhiều lần trước khi cấp giấy phép cho nhận con nuôi.
Đối với trẻ được nhận làm con nuôi thì tại thời điểm tiến hành thủ tục nhận nuôi trẻ em có nguồn gốc nước ngoài, trẻ đó phải thỏa mãn các điều kiện làm con nuôi theo pháp luật của nước mà trẻ mang quốc tịch. Sau khi hoàn tất các thủ tục nuôi con nuôi tại nước gốc, trẻ được tiếp nhận vào Pháp. Thời điểm cha mẹ nuôi yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ra quyết định nuôi con nuôi, trẻ được nhận làm con nuôi đó phải thỏa mãn tiếp các điều kiện làm con nuôi theo pháp luật Pháp. Đó là các điều kiện quy định độ tuổi tối đa, độ tuổi chênh lệch giữa cha mẹ - con nuôi, sự chấp thuận của trẻ nếu trẻ trên 13 tuổi.
Về nguyên tắc tất cả các quyết định nuôi con nuôi nước ngoài đều được đương nhiên công nhận. Song việc công nhận đó chỉ có nghĩa là công nhận giá trị pháp lý của việc nuôi con nuôi theo pháp luật nước gốc, chứ chưa phải là việc công nhận quyết định nuôi con nuôi theo pháp luật Pháp. Quan hệ nuôi con nuôi giữa cha mẹ - con nuôi phát sinh ngay từ khi quyết định đó trở thành chính thức tại nước gốc. Tuy nhiên việc công nhận này không là cơ sở pháp lý cho phép cha mẹ nuôi đăng ký việc nuôi con nuôi vào Sổ hộ tịch tại các cơ quan có thẩm quyền của Pháp. Để quan hệ nuôi con nuôi đó được công nhận tại Pháp, cha mẹ nuôi phải tiến hành thủ tục xin công nhận nuôi con nuôi trọn vẹn theo pháp luật nước này.