Theo quy định của pháp luật Tây Ban Nha thì việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài sẽ được thực hiện thông qua các tổ chức trung gian. Các tổ chức này sẽ phối hợp với chính quyền, cơ quan chức năng của Nước Gốc để hỗ trợ một cách đầy đủ việc cho - nhận con nuôi. Người nhận con nuôi sẽ ký một hợp đồng với tổ chức trung gian này, có sự kiểm soát của cơ quan có thẩm quyền ở Tây Ban Nha. Hợp đồng này sẽ ràng buộc trách nhiệm của cả tổ chức trung gian và người nhận con nuôi, buộc hai bên phải thực hiện nghiêm túc các cam kết trong hợp đồng. Đây là một điểm rất tiến bộ mà pháp luật Việt Nam có thể tham khảo để học hỏi. Theo như quy định hiện hành của Luật Nuôi con nuôi năm 2010 thì sau khi các cơ quan chức năng của Việt Nam hoàn tất thủ tục cho con nuôi mà người nước ngoài không đến nhận trong thời hạn tối đa 90 ngày thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ hủy quyết định cho trẻ em làm con nuôi người nước ngoài. Có nhiều lý do dẫn đến việc người nước ngoài không đến Việt Nam nhận con nuôi bởi lẽ giữa họ và cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam không có một cam kết nào mang tính ràng buộc
hoặc phải chịu trách nhiệm tài chính/pháp lý. Việc hủy quyết định cho trẻ em làm con nuôi người nước ngoài trong những trường hợp như vậy gây ra sự lãng phí về thời gian, chi phí... trong hoạt động của các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam khi hoàn thiện các thủ tục cho con nuôi người nước ngoài. Do đó, tham khảo quy định của Tây Ban Nha về việc ký hợp đồng giữa cơ quan trung gian và người xin con nuôi là một việc cần thiết.
Ngoài việc hỗ trợ cha, mẹ nuôi trong việc thực hiện các thủ tục xin con nuôi, pháp luật Tây Ban Nha còn quy định việc hỗ trợ cha, mẹ và con nuôi sau khi việc cho - nhận con nuôi hoàn tất. Như vậy, việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài được Tây Ban Nha quy định một cách toàn diện cả giai đoạn trước và giai đoạn sau khi cho - nhận con nuôi nhằm hỗ trợ một cách tối đa các chủ thể tham gia vào quan hệ cho - nhận con nuôi quốc tế.