Chế định nuôi con nuôi nước ngoài của Liên bang Nga chỉ thực sự phát triển kể từ khi Liên Xô tan rã (năm 1991). Trước đó, pháp luật của Liên bang Nga có quy định về nuôi con nuôi quốc tế, song do chế độ chính trị và mối quan hệ đối trọng với thế giới phương Tây nên hầu như Liên Xô rất ít cho trẻ em làm con nuôi công dân các nước phương Tây.
Về phương diện pháp luật, chế định nuôi con nuôi được kế thừa từ pháp luật của Liên Xô cũ và được bổ sung hoàn thiện cho phù hợp với hoàn cảnh mới của nước Nga với xu hướng phát triển tư nhân hóa và ngày càng hội nhập sâu rộng vào đời sống dân sự, thương mại với các nước phương Tây. Sự gia tăng hợp tác quan hệ dân sự, thương mại và chính sách mở cửa của Chính phủ Nga đã thúc đẩy sự gia tăng đáng kể quan hệ hợp tác nuôi con nuôi giữa Nga và các nước. Chính vì thế mà từ đầu những năm 90, đã có nhiều trẻ em có hoàn cảnh éo le của Nga đã được cho làm con nuôi công dân của nhiều nước phát triển, nhất là Hoa Kỳ.
Cũng như nhiều nước Đông Âu khác, Nga không ban hành một đạo luật độc lập về nuôi con nuôi mà điều chỉnh các quan hệ nuôi con nuôi (cả trong
nước lẫn nước ngoài) trong Bộ luật gia đình được ban hành ngày 29/12/1995 và được sửa đổi, bổ sung ngày ngày 15/11/1997, 27/06/1998, 1/01/2000, 22/08/2004, 28/11/2004, 03/07/2006, 18/12/2006, 29/12/2006 và 15/02/2007. Để triển khai thực hiện chế định nuôi con nuôi trong bộ luật này, Nga đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm hướng dẫn thi hành, nhất là các văn bản quy định về thủ tục, trình tự giải quyết việc nuôi con nuôi quốc tế, quy chế quản lý các tổ chức con nuôi nước ngoài hoạt động tại Nga.