Nguyên tắc giải quyết việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài là những tư tưởng, quan điểm chủ đạo trong việc quy định và giải quyết vấn đề
nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài. Điều 4 Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định ba nguyên tắc đối với việc nuôi con nuôi nói chung và nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài nói riêng:
i. Khi giải quyết việc nuôi con nuôi, cần tôn trọng quyền của trẻ em được sống trong môi trường gia đình gốc.
ii. Việc nuôi con nuôi phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người được nhận làm con nuôi và người nhận con nuôi, tự nguyện, bình đẳng, không phân biệt nam nữ, không trái pháp luật và đạo đức xã hội.
iii. Chỉ cho làm con nuôi người ở nước ngoài khi không thể tìm được gia đình thay thế ở trong nước.
Trước đây, Nghị định 68/2002/NĐ-CP và Nghị định 69/2006/NĐ-CP quy định các nguyên tắc giải quyết vấn đề nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài như sau:
i. Việc cho, nhận trẻ em làm con nuôi chỉ được thực hiện trên tinh thần nhân đạo, nhằm bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em và tôn trọng các quyền cơ bản của trẻ em.
ii. Nghiêm cấm lợi dụng việc nuôi con nuôi nhằm mục đích bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục, mua bán trẻ em hoặc vì mục đích trục lợi khác.
iii. Người nước ngoài thường trú ở nước ngoài xin nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi được xem xét giải quyết, nếu Việt Nam và nước nơi người xin nhận con nuôi thường trú đã ký kết hoặc cùng gia nhập điều ước quốc tế về hợp tác nuôi con nuôi.
iv. Người nước ngoài thường trú ở nước ngoài xin nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi mà nước nơi người xin nhận con nuôi thường trú và Việt Nam chưa cùng là thành viên của điều ước quốc tế hai bên hoặc điều ước quốc tế nhiều bên về hợp tác nuôi con nuôi thì cũng được xem xét giải quyết, nếu người đó thuộc một trong các trường hợp được pháp luật quy định. Ví dụ:
người nước ngoài có thời gian học tập, công tác, làm việc tại Việt Nam từ 6 tháng trở lên hoặc có vợ, chồng, cha, mẹ là công dân Việt Nam…
Như vậy, so với các nguyên tắc cơ bản về nuôi con nuôi được quy định tại Nghị định 68/2002/NĐ-CP và Nghị định 69/2006/NĐ-CP thì những nguyên tắc cơ bản trong Luật Nuôi con nuôi 2010 có hai điểm mới: (i) Khi giải quyết việc nuôi con nuôi, cần tôn trọng quyền của trẻ em được sống trong gia đình gốc và (ii) Chỉ cho làm con nuôi người ở nước ngoài khi không tìm được gia đình thay thế ở trong nước. Đây là hai điểm mới có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giải quyết vấn đề nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài mà trước đây chưa có một văn bản pháp luật nào quy định.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, giải quyết việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài cần phải chú ý đến những nguyên tắc sau:
Một là, nguyên tắc "Khi giải quyết việc nuôi con nuôi, cần tôn trọng quyền của trẻ em được sống trong gia đình gốc". Đây là nguyên tắc rất quan trọng được ghi nhận từ thực tế phát triển của trẻ em được cho/nhận làm con nuôi. Gia đình gốc nơi trẻ được sinh ra là môi trường lý tưởng nhất cho sự phát triển và hình thành nhân cách của trẻ. Do đó, nếu được sống trong gia đình gốc, trẻ em sẽ được sống trong môi trường tốt nhất, được những người ruột thịt yêu thương, chăm sóc, bảo vệ, tránh được những xâm hại về thể chất và tinh thần.
Nguyên tắc này chi phối toàn bộ quá trình cho trẻ em Việt Nam làm con nuôi. Khi trẻ em được cho làm con nuôi thì thứ tự ưu tiên hàng đầu là những người thân trong gia đình của trẻ em đó, là những người có quan hệ nuôi dưỡng hoặc huyết thống gần gũi nhất như cha dượng, mẹ kế, cô, dì, chú, bác ruột. Tiếp theo đó, người được ưu tiên nhận con nuôi là người Việt Nam ở trong nước, người nước ngoài thường trú ở Việt Nam, cuối cùng mới đến người Việt Nam, người nước ngoài thường trú ở nước ngoài.
pháp của người được nhận làm con nuôi và người nhận con nuôi, tự nguyện, bình đẳng, không phân biệt nam, nữ, không trái pháp luật và đạo đức xã hội". Nguyên tắc này đề cao quyền và lợi ích hợp pháp của người được nhận làm con nuôi và người nhận con nuôi. Trước đây, Nghị định 68/2002/NĐ-CP và Nghị định 69/2006/NĐ-CP chỉ đề cập tới việc bảo đảm quyền lợi của con nuôi. Quy định cũ đã thiếu sót khi không đề cập tới việc bảo đảm quyền lợi của người nhận nuôi - một chủ thể quan trọng, không thể thiếu trong quan hệ nuôi con nuôi.
Ngoài ra, việc nuôi con nuôi còn phải được thực hiện trên tinh thần tự nguyện, bình đẳng không phân biệt giới tính. Đây là nguyên tắc nhằm thiết lập các quan hệ nuôi con nuôi một cách bền vững.
Ba là, nguyên tắc "Chỉ cho làm con nuôi người ở nước ngoài khi không thể tìm được gia đình thay thế ở trong nước". Nguyên tắc này bổ trợ cho nguyên tắc "cần tôn trọng quyền được sống trong gia đình gốc" của trẻ em, thể hiện tinh thần ưu tiên cho người trong nước nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi hơn người nước ngoài. Nếu việc nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em trong gia đình gốc không thể thực hiện được thì việc tìm kiếm một gia đình thay thế trong lãnh thổ Việt Nam được ưu tiên trước khi tìm kiếm một gia đình thay thế cho trẻ em ở nước ngoài. Điều này đảm bảo cho Trẻ em Việt Nam vẫn được sống tại quê hương, được sống trong môi trường văn hóa, phong tục, tập quán của Việt Nam.