Mục đích và phạm vi áp dụng Công ước La Hay

Một phần của tài liệu Pháp luật nuôi con nuôi của người nước ngoài và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam (Trang 32 - 34)

* Mục đích của Công ước La Hay 1993

Là một trong ba mươi sáu công ước được Hội nghị Lahay về tư pháp quốc tế thông qua, Công ước La Hay 1993 là công ước đứng thứ ba về số lượng quốc gia thành viên. Điều đó cho thấy sự quan tâm to lớn của các quốc gia đối với trẻ em - đối tượng cần được quan tâm và bảo vệ.

Với đặc thù là tính xuyên quốc gia và liên quan đến việc di chuyển trẻ em qua biên giới, dễ phát sinh tiêu cực ở nhiều khía cạnh, nên Công ước La Hay 1993 có vai trò đặc biệt quan trọng, tạo ra cơ chế hữu hiệu để bảo vệ trẻ em được nhận làm con nuôi quốc tế. Cơ chế bảo vệ trẻ em theo Công ước La Hay năm 1993 được thực hiện nhằm ba mục đích chính sau đây:

Một là, những quy phạm được thiết lập nhằm đảm bảo vấn đề nuôi con nuôi nước ngoài được tiến hành vì lợi ích tốt nhất của trẻ em. Tất cả các quyền cơ bản của trẻ em đã được luật pháp quốc tế ghi nhận cũng được tôn trọng. Đây là mục đích lớn nhất của Công ước.

Hai là, các quốc gia ký kết thiết lập một hệ thống hợp tác để ngăn ngừa việc bắt cóc và buôn bán trẻ em.

Việc đấu tranh chống lại hành vi buôn bán và bắt cóc trẻ em được điều chỉnh trực tiếp trong nhiều văn kiện pháp lý quốc tế khác nhau. Tuy nhiên, Công ước Lahay số 33 không trực tiếp, mà chỉ gián tiếp ngăn ngừa việc bắt cóc, bán hoặc buôn bán trẻ em quốc tế để cho làm con nuôi ở nước ngoài hoặc với vỏ bọc nuôi con nuôi để thực hiện mục đích khác - thông thường là bất hợp pháp.

Để ngăn ngừa việc buôn bán và bắt cóc trẻ em để cho làm con nuôi, Công ước yêu cầu nước nhận và nước gốc phải làm việc trên tinh thần hợp

tác. Mọi nước đều có lý do để tin tưởng rằng, nếu việc bắt cóc xảy ra thì phải thực hiện những biện pháp khẩn cấp để đấu tranh chống lại hành vi này. Vì chính sách công, những trường hợp nuôi con nuôi thông qua việc buôn bán hoặc bắt cóc trẻ em sẽ không được công nhận.

Sự hợp tác giữa các nước có thể được thực hiện thông qua việc cung cấp, phổ biến thông tin và số liệu thống kê liên quan đến việc cho nhận con nuôi cũng như liên quan đến việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Ngoài ra, các nước cũng phải cùng hành động để giải quyết những tình huống cụ thể liên quan đến thủ tục cho và nhận con nuôi, thậm chí liên quan đến việc thi hành các chế tài hình sự đối với hành vi buôn bán và bắt cóc trẻ em để cho làm con nuôi.

Ba là, các quốc gia ký kết công nhận việc nuôi con nuôi được tiến hành theo Công ước.

Công ước La Hay 1993 thiết lập những tiêu chuẩn pháp lý bắt buộc cần tuân thủ trong quá trình cho nhận con nuôi quốc tế. Những yêu cầu này liên quan đến việc xác định trẻ em được cho làm con nuôi trong trường hợp nào là thích hợp; yêu cầu đối với sự đồng ý của các chủ thể liên quan; yêu cầu đối với việc xác định điều kiện của người nhận con nuôi; yêu cầu đối với thủ tục cho và nhận con nuôi.

Công ước La Hay 1993 chỉ thiết lập các tiêu chuẩn tối thiểu. Do đó, "Nước gốc" hoặc "Nước nhận" có thể ấn định các điều kiện khác để bảo đảm thực hiện tốt hơn các yêu cầu của công ước. Việc ấn định các điều kiện khác có thể được thực hiện thông qua việc ký kết các điều ước quốc tế song phương giữa các nước hoặc nội luật hóa các quy định pháp luật mỗi nước. Việc thực hiện đúng các yêu cầu tối thiểu của công ước sẽ bảo đảm việc cho và nhận con nuôi được thực hiện một cách hợp pháp, qua đó bảo vệ được lợi ích của trẻ em được cho làm con nuôi cũng như của các đối tượng khác có liên quan.

Như vậy, Công ước đã xác lập một cách rõ ràng quyền của trẻ em trong lĩnh vực nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài phù hợp với luật pháp quốc tế về quyền trẻ em.

* Phạm vi áp dụng Công ước La Hay 1993

Công ước được áp dụng "khi một trẻ em thường trú ở một quốc gia ký kết (quốc gia gốc) đã, đang hoặc sẽ được chuyển đến một quốc gia ký kết khác (quốc gia nhận) sau khi đã được một cặp vợ chồng hay một người thường trú ở quốc gia nhận nhận làm con nuôi tại quốc gia gốc hoặc vì mục đích của việc nuôi con nuôi như vậy tại quốc gia nhận hay quốc gia gốc" [15, Khoản 1, Điều 2]. Quy định này có nghĩa là Công ước được áp dụng trong cả ba trường hợp: i) Việc nuôi con nuôi được tiến hành khi trẻ em đã rời quốc gia gốc; ii) Việc nuôi con nuôi được tiến hành khi trẻ em đang được chuyển tới quốc gia nhận; iii) Việc nuôi con nuôi được tiến hành khi trẻ em sẽ được chuyển tới quốc gia nhận.

"Công ước chỉ áp dụng đối với những trường hợp nuôi con nuôi tạo lập mối quan hệ cha mẹ và con lâu dài" [15, Khoản 2, Điều 2]. Điều này nhằm mục đích đảm bảo lợi ích tốt nhất cho trẻ bởi vì chỉ có quan hệ lâu dài giữa cha mẹ và con mới mang lại cho trẻ một gia đình ổn định.

Công ước sẽ không được áp dụng nếu không có sự đồng ý của cơ quan trung ương có thẩm quyền của cả quốc gia gốc và quốc gia nhận cho phép tiến hành thủ tục nuôi con nuôi, trước khi trẻ em đủ 18 tuổi. Quy định này nói lên tầm quan trọng của cơ quan trung ương trong quản lý việc nuôi con nuôi quốc tế.

Một phần của tài liệu Pháp luật nuôi con nuôi của người nước ngoài và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam (Trang 32 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(98 trang)