Các biện pháp được Liên bang Nga tiến hành

Một phần của tài liệu Pháp luật nuôi con nuôi của người nước ngoài và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam (Trang 68 - 69)

Trong một vài năm trở lại đây các nhà lập pháp của Nga đề xuất các giải pháp để khắc phục tình hình nuôi con nuôi quốc tế luôn có ưu thế hơn nuôi con nuôi trong nước và ngăn chặn các hành vi trục lợi, buôn bán trẻ em trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế. Cũng là nước chưa tham gia Công ước La hay về bảo vệ trẻ em và hợp tác nuôi con nuôi quốc tế, Nga đang chuẩn bị đủ điều kiện để tham gia và đảm bảo thực thi Công ước này.

Các ưu tiên mà Nhà nước Nga dành gồm:

i. Cải thiện đời sống của gia đình và trẻ em. Ngoài việc tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức xã hội thì Nhà nước cần hỗ trợ thỏa đáng cho gia đình, cải thiện đời sống vất chất của họ. Đây chính là cơ sở xã hội để trẻ được chăm sóc trong môi trường gia đình Nga. Đồng thời Nhà nước cũng dành sự quan tâm hơn đến hệ thống bảo trợ xã hội, cơ sở nuôi dưỡng, hệ thống các cơ quan giám hộ, trợ tá, hỗ trợ vật chất cho gia đình sinh con, nhất là sinh con thứ hai, hỗ trợ vật chất gia đình cha mẹ nuôi. Đây chính là môi trường chăm sóc trẻ và tạo điều kiện thu xếp mái ấm cho trẻ ở trong nước.

ii. Hoàn thiện pháp luật hiện hành về nuôi con nuôi, nhằm đơn giản hóa thủ tục cho người thân, họ hàng, dòng tộc, người độc thân nhận nuôi dưỡng trẻ. Đối với các trường hợp này, để giảm bớt phiền hà, không nhất thiết phải giải quyết nhận con nuôi theo thủ tục tòa án mà có thể tiến hành đơn giản theo thủ tục hành chính (đã từng tồn tại ở Nga trước đây).

iii. Chi tiết hóa các quy định về trình tự thủ tục giải quyết việc nuôi con nuôi để đám bảo cho các quy định của pháp luật có thể thực thi trong cuộc sống. Đặc biệt phải xác định rõ quy chế của tổ chức, văn phòng con nuôi cung cấp các dịch vụ về nuôi con nuôi và sử dụng internet để công khai hóa và minh bạch hóa thông tin.

iv. Chuẩn bị chuyên gia có đủ năng lực để hỗ trợ nuôi con nuôi trong nước và nước ngoài để tạo điều kiện cho trẻ có thể thích nghi với cuộc sống mới.

v. Thiết lập cơ chế hữu hiệu để kiểm soát được việc thực thi quyền trẻ em sau khi trẻ được cho làm con nuôi.

vi. Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về nuôi con nuôi để chuẩn bị tốt điều kiện tham gia và thực thi Công ước La hay về bảo vệ trẻ em và hợp tác nuôi con nuôi quốc tế.

Một phần của tài liệu Pháp luật nuôi con nuôi của người nước ngoài và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam (Trang 68 - 69)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(98 trang)