i. Mối quan hệ giữa nuôi con nuôi trong nước và nuôi con nuôi nước ngoài
Một trong những vấn đề mà xã hội Nga quan tâm là trong nhiều năm trở lại đây, số lượng trẻ em Nga làm con nuôi nước ngoài luôn nhiều hơn số trẻ em Nga được nhận làm con nuôi ở trong nước.
Theo thống kê của các bộ ngành liên quan đến chăm sóc, giáo dục trẻ em không có gia đình, năm 2005 có 9.419 trẻ em Nga được nhận làm con
nuôi người nước ngoài (chủ yếu là con nuôi công dân Hoa Kỳ), trong khi đó chỉ có 7.350 trẻ được nhận làm con nuôi của công dân Nga. Trong vòng 10 năm trở lại đây đã có 45.000 trẻ em được cho làm con nuôi công dân Hoa Kỳ, Canada, Italia và một số nước phát triển khác.
Trong khi đã các văn bản pháp lý quốc tế mà Nga tham gia lại quy định nuôi con nuôi quốc tế chỉ là biện pháp bất đắc dĩ cuối cùng khi không thu xếp được mái ấm cho trẻ ở trong nước.
Điều 124 Bộ luật gia đình của Nga quy định rằng việc cho trẻ em Nga làm con nuôi người nước ngoài hoặc người không quốc tịch chỉ có thể được xem xét giải quyết nếu không còn một khả năng nào khác để thu xếp mái ấm cho các công dân Nga định cư ở trong nước hoặc cho những người họ hàng ruột thịt của trẻ, bất kể là họ sống ở đâu và có quốc tịch nước nào.
Mặc dù điều luật trên quy định nghĩa vụ cho các cơ quan có thẩm quyền của Nga phải ưu tiên thu xếp mái ấm cho trẻ ở trong nước, song pháp luật lại không qui định các biện pháp bắt buộc cần thiết để các cơ quan đó phải thu xếp mái ấm cho trẻ ở trong nước. Chính vì vậy mà khi toà án Nga xem xét việc có cho trẻ làm con nuôi người nước ngoài hay không, họ chỉ xem xét một cách hình thức, chiếu lệ xem là cơ sở nuôi dưỡng trẻ em đó làm hết mọi biện pháp để thu xếp mái ấm cho trẻ ở trong nước hay chưa, và chủ yếu là đồng ý cho trẻ em đi làm con nuôi người nước ngoài.
Theo Điều 121 Bộ luật gia đình thì cơ quan giám hộ, trợ tá có nghĩa vụ chăm sóc trẻ em không có sự chăm sóc của cha mẹ và phải thống kê đầy đủ các trẻ em đó và lựa chọn hình thức thu xếp mái ấm cho trẻ. Các cơ quan này cần phải tìm gia đình thích hợp cho trẻ.
Song trên thực tế quy định này tỏ ra không có hiệu quả vì một mặt do trong nhiều cơ quan chăm sóc trẻ em thiếu các chuyên gia về bảo vệ trẻ em. Mặt khác, do bối cảnh tham nhũng, trục lợi ở Nga, người nước ngoài không
hề gặp trở ngại gì trong việc nhận được sự giúp đỡ "tận tình, hiệu quả" của các nhân viên trong cơ quan bảo trợ xã hội.
Chính vì vậy mà nuôi con nuôi trong nước luôn bị xem nhẹ, không được quan tâm đúng mức, phần lớn trẻ được dành cho việc nuôi con nuôi nước ngoài.
ii. Hiện tượng trục lợi trong môi giới con nuôi quốc tế
Trên lãnh thổ Liên bang Nga, theo số liệu chính thức có 100, nhưng theo số liệu không chính thức thì có 220 đại diện của tổ chức con nuôi nước ngoài cung cấp dịch vụ cho công dân của họ trong việc xin trẻ em của Nga làm con nuôi. Như vậy, có rất nhiều tổ chức nước ngoài hoạt động ở Liên bang Nga nhưng lại không hề có giấy phép hoạt động và không chịu sự kiểm soát của cơ quan nhà nước. Trong nhiều trường hợp thì các đại diện bất hợp pháp này lại móc nối, với các quan chức, nhân viên của các cơ quan chăm sóc trẻ em của Nga.
Thực tiễn cho thấy, do thiếu sự kiểm tra, giám sát đối với việc thống kê số trẻ em cần được chăm sóc và tìm mái ấm và cơ chế tìm mái ấm cho trẻ ở trong nước nên lợi ích của người nước ngoài trong việc xin trẻ em Nga làm con nuôi luôn tỏ ra lợi thế hơn so với con nuôi trong nước. Do có nhiều lợi ích đan xen trong điều kiện kém minh bạch đó làm cho nuôi con nuôi nước ngoài trở nên hấp dẫn hơn nhiều so với nuôi con nuôi trong nước. Việc cho trẻ làm con nuôi người nước ngoài đó đem lại lợi ích đáng kể (tham nhũng) cho nhiều quan chức trong việc cung cấp các thông tin về trẻ được xem xét cho làm con nuôi.
Việc hoạt động của những đại diện của tổ chức con nuôi nước ngoài không được cấp phép đó dẫn đến hậu quả khôn lường. Một số trẻ do các đại diện bất hợp pháp môi giới sang Mỹ đó bị giết hại. Gia đình công dân Mỹ Martheu đã giết hại con nuôi người Nga và bị toà kết án 15 năm tù. Một trường hợp khác, do giết hại con nuôi người Nga, ngày 9/11/2005 công dân Mỹ Peggy Khilt đã bị toà kết án 40 năm tù. Hiện tượng trẻ em con nuôi người
Nga đã bị giết hại, bị đối xử thô bạo không những chỉ diễn ra ở Mỹ mà còn ở một số nước khác.
Hoạt động của các đại diện bất hợp pháp này đã đem lại lợi nhuận khổng lồ cho không ít quan chức Nga và chính các quan chức này đã dung túng, bao che cho các hoạt động bất hợp pháp của một số tổ chức con nuôi nước ngoài. Để cho một trẻ em Nga làm con nuôi nước ngoài các khoản chi phí giao động từ 35-80 nghìn đô la Mỹ.
Tháng 1 năm 2006, cơ quan công tố Nga phối hợp với các cơ quan tư pháp của Mỹ đã phát hiện ra hoạt động trái phép của nhóm tội phạm "Unana"núp dưới hình thức cung cấp dịch vụ đã tiến hành buôn bán trẻ em trong thời gian dài trên phạm vi rộng. Các công dân Nga và Mỹ đã thành lập tổ chức "Unana". Lợi dụng những lỗ hổng của pháp luật Nga, họ đã thu thập các thông tin mật về trẻ em ở Nga, Ucraina, Kadacxtan, Goatemala và ở một loạt nước khác để bán cho các đại lý về nuôi con nuôi. Tại nhiều nước, tổ chức này hoạt động với tư cách là người phối hợp với các tổ chức, cơ sở nuôi dưỡng trẻ và các cơ quan nhà nước về trẻ em, dùng tiền hối lộ để mua các thông tin và cung cấp dịch vụ. Giá của các dịch vụ này giao động từ 10-20 nghìn đôla Mỹ/1 trẻ. Rất nhiều người Mỹ sau khi nộp tiền cho Unana không nhận được trẻ vì trong thực tế không có trẻ có tên như vậy. Do hoạt động trục lợi mà đã có một số trẻ được môi giới cho làm con nuôi bất chấp mọi luật lệ. Có trẻ đã bị hành hạ và bị chết. Vụ án tại Chicago liên quan đến gia đình Đino và Irma Pavlic năm 2003 đã hành hạ con nuôi người Nga Alecxey Gâyco đến chết và người vợ Irma Pablic đã bị tòa án kết án 12 năm tù giam do đã có hành vi tra tấn dã man con nuôi.
Riêng trong năm 2005, các cơ quan công tố Nga đã khởi tố một loạt vụ án về tham nhũng, hối lộ của quan chức liên quan đến các đường dây con nuôi nước ngoài. Theo nhận xét của Phó Tổng Công tố Nga X.N.Phơridinxki thì đã phát hiện và truy tố một loạt quan chức đã có hành vi vòi vĩnh, tham
nhũng, hối lộ trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế, trong đó có cả những nhân viên của các cơ quan giáo dục,giám hộ, trợ tá. Cũng theo ông Phơridinxki trên tạp chí"Quan điểm" ngày 24/01/2006 do hỗ trợ cho người nước ngoài nhận trẻ em Nga làm con nuôi, các quan chức Nga nhận hối lộ từ 400-9000 USD, giám đốc các nhà trẻ và cơ sở nuôi dưỡng nhận tiền từ nhân viên của cơ quan giám hộ, trợ tá và những người môi giới, trung gian.