Hệ quả pháp lý của việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài là một vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ nuôi con nuôi nhằm xác định quyền và nghĩa vụ của cha mẹ nuôi và con nuôi sau khi quan hệ nuôi con nuôi được hoàn tất.
Theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, hệ quả pháp lý của việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài được quy định như sau: Nếu việc nuôi con nuôi được thực hiện tại Việt Nam thì quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi, việc chấm dứt nuôi con nuôi được xác định theo Luật Hôn nhân và gia đình 2000. Nếu việc nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài được thực hiện ở nước ngoài thì quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi, việc chấm dứt nuôi con nuôi được xác định theo pháp luật của nước nơi thường trú của con nuôi.
Trong những năm qua, Việt Nam đã ký hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi với một số nước trên thế giới. Trong các hiệp định này, hệ quả pháp lý của việc nuôi con nuôi được xác định theo pháp luật của nước tiếp nhận trẻ em làm con nuôi.
Tuy nhiên, Luật Nuôi con nuôi năm 2010 không có quy định nào về hệ quả pháp lý của việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài. Nếu áp dụng hệ
quả của việc nuôi con nuôi trong nước (Điều 24) với các trường hợp nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài thì sẽ có điểm bất cập. Luật Nuôi con nuôi năm 2010 quy định: "Trừ trường hợp giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi có thỏa thuận khác, kể từ ngày giao nhận con nuôi, cha mẹ đẻ không còn quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng, đại diện theo pháp luật, bồi thường thiệt hại, quản lý, định đoạt tài sản riêng đối với con đã cho làm con nuôi" [22]. Trên thực tế, việc cho - nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài luôn bị chi phối bởi pháp luật của nước tiếp nhận trẻ em làm con nuôi và các quy định pháp luật này không phụ thuộc vào sự thỏa thuận của cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi. Do đó, nếu hệ quả pháp lý của việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài không được quy định rõ ràng sẽ dễ dẫn đến xung đột pháp luật trong lĩnh vực này.