Về ƣu điểm

Một phần của tài liệu Hợp đồng học nghề theo Luật dạy nghề ở Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 55 - 62)

Trong những năm vừa qua, công tác đào tạo nghề nói chung và việc thực hiện hợp đồng học nghề nói riêng trải qua những bước thăng trầm nhưng luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm nên đã có những bước phát triển mạnh mẽ mới để thích ứng với nhu cầu của thị trường lao động trong nước cũng như nâng cao hiệu quả của công tác xuất khẩu lao động ra các nước trên thế giới. Những kết quả thu được từ việc thực hiện hợp đồng học nghề trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội những năm qua cho thấy:

Thứ nhất, hợp đồng học nghề được áp dụng mở rộng trong toàn bộ hệ thống mạng lưới cơ sở dạy nghề

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo của Chính phủ và sự cố gắng của các cấp, các ngành, công tác dạy nghề đã từng bước được đổi mới và phát triển, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu nhân lực kỹ thuật trực tiếp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ có Bộ luật Lao động, Luật Dạy nghề và các văn bản hướng dẫn, các quan hệ dạy và học nghề đã dần đi vào khuôn khổ pháp luật. Hệ thống và mạng lưới dạy nghề bắt đầu được đổi mới, chuyển từ hệ thống dạy nghề trình độ thấp với hai cấp trình độ đào tạo sang hệ thống dạy nghề với ba cấp trình độ đào tạo: sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề. Các cơ sở dạy nghề được phát triển theo quy hoạch rộng khắp trên toàn quốc, đa dạng về hình thức sở hữu và loại hình đào tạo. Việc áp dụng pháp luật lao động và các quy định của Luật Dạy nghề vào việc thiết

lập, vận hành các quan hệ dạy và học nghề theo sự thỏa thuận tự do, tự nguyện càng chiếm ưu thế trong xã hội.

Theo báo cáo của Tổng cục Dạy nghề:

Tính đến cuối năm 2010, cả nước có 1.233 cơ sở dạy nghề, bao gồm 123 trường cao đẳng nghề, 300 trường trung cấp nghề và 810 trung tâm dạy nghề, ngoài ra, còn có trên một nghìn cơ sở dạy nghề khác có tổ chức tuyển sinh học nghề theo ba cấp trình độ. Những đơn vị tuyển sinh học nghề được trên 1,745 triệu người, đạt 99,8% so với kế hoạch và tăng 2,4% so với năm 2009, trong đó trình độ cao đẳng nghề là trên 96 nghìn người và sơ cấp nghề, dạy nghề dưới 3 tháng là 1,468 triệu người [48].

Quy mô đào tạo nghề tăng nhanh đã nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Các cơ sở dạy nghề đã mở thêm nhiều nghề đào tạo mới mà thị trường lao động có nhu cầu. Cùng với việc đào tạo các nghề phục vụ cho các doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, các cơ sở dạy nghề đã tổ chức đào tạo các nghề phục vụ cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. hợp đồng học nghề được giao kết và gắn liền với giải quyết việc làm cho người lao động. Qua điều tra thị trường lao động của Tổng cục Dạy nghề tại gần 3000 doanh nghiệp, đa số lao động qua đào tạo nghề đang làm việc trong các doanh nghiệp đã được sử dụng có hiệu quả. Người lao động giao kết hợp đồng học nghề và được đào tạo nghề đã được các doanh nghiệp sử dụng phù hợp với trình độ được đào tạo của họ (khoảng 85% so với số lao động qua đào tạo nghề đang làm việc tại doanh nghiệp, nghĩa là chiếm khoảng 70% so với số học sinh học nghề tốt nghiệp). Dạy nghề đã từng bước đáp ứng nhu cầu lao động kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất của thị trường lao động.

Trong nhiều doanh nghiệp liên kết, liên doanh với nước ngoài hoặc doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn công nghệ kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, người lao động Việt Nam được bồi dưỡng nâng cao trình độ tay nghề đã đảm

nhiệm được hầu hết những vị trí quan trọng trong các ngành sản xuất, kể cả các ngành đòi hỏi kỹ thuật cao, công nghệ phức tạp, góp phần nâng cao năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa. Người học nghề và doanh nghiệp áp dụng hợp đồng học nghề vào việc đào tạo nghề với các mô hình dạy nghề năng động, linh hoạt, gắn đào tạo với sử dụng lao động theo hướng cầu của thị trường lao động để đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng, từng địa phương. Nhiều mô hình dạy nghề đã được thực hiện như dạy nghề tại doanh nghiệp, dạy nghề cho lao động nông thôn, dạy nghề cho thanh niên dân tộc nội trú, dạy nghề cho xuất khẩu lao động, dạy nghề cho người tàn tật... Tất cả mô hình này đều áp dụng hợp đồng học nghề để xác lập quan hệ dạy và học nghề. Riêng mô hình dạy nghề tại doanh nghiệp được triển khai một số năm qua đã đạt được những kết quả bước đầu. Nếu như các cơ sở đào tạo chính quy tập trung dạy nghề cho học sinh và người lao động chưa có nghề qua hình thức tuyển sinh thì các doanh nghiệp ngoài việc đào tạo nghề cho lao động mới tuyển, còn thực hiện đào tạo bổ túc và đào tạo nâng cao nhằm nâng cao chất lượng và nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động của doanh nghiệp, phù hợp với sự thay đổi sản phẩm và công nghệ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp và người học nghề đã thực hiện đúng cam kết theo hợp đồng học nghề để đảm bảo người học nghề sau khi học xong có việc làm ngay trong doanh nghiệp.

Thứ hai, hợp đồng học nghề được thực hiện theo nhu cầu loại hình đào tạo của doanh nghiệp

Hiện nay, "cả nước có hơn 143 cơ sở dạy nghề thuộc các doanh

nghiệp" [13]. Hầu hết các tổng công ty, các tập đoàn kinh tế mạnh đều có trường dạy nghề để chủ động tạo nguồn nhân lực và góp phần cung cấp lao động cho xã hội. Tất cả doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân có quy mô lớn đã chủ động ký kết hợp đồng học nghề, tổ chức dạy nghề, bổ túc nghề, bồi dưỡng kỹ năng nghề, chuyển giao công nghệ cho người lao động theo yêu cầu của doanh nghiệp.

Đào tạo nghề trong các cơ sở dạy nghề của doanh nghiệp có thế mạnh là vừa tận dụng được đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm đang trực tiếp tham gia sản xuất, đồng thời góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác đào tạo nghề. Các cơ sở đào tạo của doanh nghiệp đã chủ động xây dựng chương trình đào tạo, hình thức đào tạo phù hợp với đặc điểm sản xuất cũng như công nghệ của doanh nghiệp, do vậy tiết kiệm được thời gian đào tạo của người lao động đồng thời tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Thực hiện theo đúng cam kết trong hợp đồng học nghề, việc dạy nghề vừa là quyền đồng thời là nghĩa vụ của doanh nghiệp nhằm nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động. Ngoài ra, các cơ sở đào tạo này cũng tham gia ký kết hợp đồng học nghề với người lao động ngoài xã hội, góp phần đáp ứng nhu cầu lao động qua đào tạo nghề của địa phương. Trong thời gian gần đây các trường của các Tổng công ty đã tham gia đào tạo nghề với số lượng ngày càng tăng lên. Nhiều doanh nghiệp đã thực hiện đào tạo nghề ngay tại địa phương, không những đáp ứng nhu cầu về lao động kỹ thuật phù hợp với cơ cấu trình độ, cơ cấu ngành nghề sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phù hợp với trình độ công nghệ của doanh nghiệp mà còn chia sẻ trách nhiệm đối với nhà nước trong việc nâng cao chất lượng và tay nghề của đội ngũ lao động nước ta. Việc đào tạo nâng cao tay nghề cho lao động sau khi tuyển dụng là một vấn đề cần thiết ở các doanh nghiệp. "Qua khảo sát gần 10.000 lao động trong các doanh nghiệp, có

36,6% số lao động được đào tạo hoặc đào tạo lại sau khi tuyển dụng để phù hợp với công nghệ sản xuất của doanh nghiệp" [13] Điều này là do các doanh

nghiệp đổi mới công nghệ rất nhanh, nên các doanh nghiệp phải đào tạo lại cho phù hợp. Việc doanh nghiệp tổ chức đào tạo - dạy nghề cho lao động dưới các hình thức khác nhau đang ngày càng trở nên phổ biến và có tác dụng tích cực nâng cao trình độ tay nghề và chất lượng lao động. hợp đồng học nghề được các doanh nghiệp tổ chức thực hiện cho người lao động theo 3 hình thức đào tạo chủ yếu sau: kèm cặp tại doanh nghiệp, đào tạo tập trung tại doanh nghiệp và đào tạo tập trung ngoài doanh nghiệp, trong đó dạy nghề kèm cặp là phổ biến hơn cả (chiếm 63,6% tổng số lao động được đào tạo). Rõ ràng hình

thức này phù hợp với khả năng, điều kiện của doanh nghiệp. Tuy nhiên ở một số lĩnh vực, các doanh nghiệp vẫn gắn chặt với cơ sở dạy nghề. Nhiều doanh nghiệp rất quan tâm đầu tư nâng cấp cho các cơ sở dạy nghề nhằm tạo điều kiện có đủ điều kiện vật chất, trang thiết bị, công nghệ ngày càng cao cho các cơ sở dạy nghề nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, đáp ứng tốt hơn nhu cầu lao động có chất lượng cho doanh nghiệp.

Thứ ba, hợp đồng học nghề đã phát huy vai trò gắn kết giữa doanh nghiệp và người học

Trong cuộc sống, hầu hết thanh niên khi trưởng thành đều mong muốn mình có nghề nghiệp và việc làm. Khi đã chọn việc làm, dù đi làm thuê hay tự tạo việc làm, họ đều mong muốn phát triển sự nghiệp về năng lực, thu nhập và uy tín xã hội. Đối với người lao động làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh thì mong muốn trước tiên là thu nhập ổn định, kế đến mục tiêu lâu dài là thăng tiến trong nghề nghiệp. Tương tự như vậy, các doanh nghiệp khi tuyển lao động đều mong muốn người lao động gắn bó lâu dài với mình, làm việc với tinh thần kỷ luật với năng suất lao động cao. Để kết hợp hài hòa mục tiêu của người lao động là có việc làm ổn định, thăng tiến trong công việc và mục đích của chủ sử dụng lao động là giữ chân được những lao động giỏi và năng suất lao động cao thì doanh nghiệp phải tạo điều kiện cho người lao động đi học nâng cao trình độ tay nghề, kỹ thuật chuyên môn để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. hợp đồng học nghề chính là sợi dây pháp lý ràng buộc để hai chủ thể có thể đạt được mục đích riêng của mình. Giao kết hợp đồng học nghề với doanh nghiệp, người học nghề được nâng cao trình độ nghề phù hợp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Các kiến thức và kỹ năng nghề mà người học tiếp thu được đáp ứng được lợi ích của cả người học và người sử dụng lao động. Người học nghề ngoài việc học lý thuyết nghề, được thực tập ngay trên các máy móc, thiết bị đang sử dụng tại doanh nghiệp, do đó có thể vận dụng được những kiến thức đã học, đồng thời nâng cao được kỹ năng nghề. Việc ký hợp đồng

học nghề và liên kết đào tạo này đã làm tăng mối quan hệ hiểu biết giữa nhà trường và doanh nghiệp. Cơ sở đào tạo tiết kiệm được chi phí đầu tư cho việc mua sắm trang thiết bị dạy thực hành và người học có thể tiếp thu bài học nhanh hơn. Về phía doanh nghiệp có thể sử dụng được ngay lực lượng lao động này sau khi tốt nghiệp. Có nhiều hình thức hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp còn trực tiếp đầu tư trang thiết bị cho các cơ sở đào tạo để có thể đào tạo được những nghề ở những trình độ doanh nghiệp mong muốn.

Thứ tư, áp dụng hợp đồng học nghề góp phần nâng cao chất lượng xuất khẩu lao động của Việt Nam ra các nước trên thế giới

Trong lĩnh vực thiết lập quan hệ lao động toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam đã ký kết hợp đồng học nghề với người lao động, đưa khoảng nửa triệu lao động đi làm việc ở nước ngoài và có quan hệ hợp tác lao động với gần 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ở những mức độ khác nhau, yêu cầu đặt ra đối với người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là phải có những kiến thức cơ bản về nghề, công việc họ sẽ thực hiện ở nước ngoài. Những yêu cầu này được ghi trong hợp đồng cung ứng lao động mà doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam ký với bên nước ngoài. Trên cơ sở đó, các bên có liên quan mới có thể ký hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài và hợp đồng học nghề. Các doanh nghiệp xuất khẩu lao động sẽ tổ chức đào tạo nghề cho người lao động trước khi đi. Trước khi ký hợp đồng học nghề này, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động có nhiệm vụ giáo dục định hướng cho người học nghề lựa chọn nghề nghiệp và đất nước họ sẽ làm việc. Bởi đào tạo và giáo dục định hướng cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài sẽ đảm bảo chất lượng của đội ngũ lao động xuất khẩu Việt Nam, đáp ứng những yêu cầu của đối tác, khẳng định vị trí và nâng cao khả năng cạnh tranh của lao động Việt Nam trên thị trường khu vực và thế giới. Đối với người lao động, trình độ ngoại ngữ và kiến thức nghề nghiệp là điều kiện quan trọng để họ gia nhập thị trường lao động quốc tế. Trong quá trình đào tạo nghề cho

người lao động, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động phải đảm bảo chương trình đào tạo theo đúng quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bổ túc ngoại ngữ, kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề, pháp luật, phong tục tập quán, kỷ luật lao động của nơi tiếp nhận lao động. Ngoài ra, người lao động cần nắm vững và hiểu được nội dung của hợp đồng lao động mà doanh nghiệp xuất khẩu lao động ký với doanh nghiệp nước ngoài và hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài doanh nghiệp sẽ ký với người lao động, hợp đồng lao động mà người sử dụng lao động sẽ ký với người lao động cũng như quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động trong việc thực hiện các điều khoản đã ghi trong hợp đồng. Đây là nội dung đặc biệt quan trọng với người lao động bởi nó liên quan trực tiếp tới mọi quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài; đồng thời còn ảnh tới uy tín của doanh nghiệp xuất khẩu lao động và quan hệ hợp tác quốc tế của Nhà nước ta.

Thứ năm, thực hiện hợp đồng học nghề góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu cho thị trường việc làm hiện nay

Trong quá trình hoạt động, các doanh nghiệp có thể quyết định thay đổi cơ cấu tổ chức như sáp nhập, giải thể, chia tác một hoặc một số bộ phận của doanh nghiệp hay thay đổi công nghệ sản xuất nhằm đạt hiệu quả kinh tế - xã hội cao hơn. Sử dụng các biện pháp này, doanh nghiệp phải đào tại nghề cho người lao động để bố trí vào công việc mới phù hợp với nghề được đào tạo lại. Như vậy, nhu cầu về nhân lực trong thị trường việc làm đã có sự thay đổi về chất theo xu hướng phát triển của nền kinh tế thị trường và khoa học kỹ thuật.

Được đào tạo lại nghề là quyền lợi của người lao động khi doanh nghiệp thay đổi cơ cấu tổ chức hoặc thay đổi công nghệ sản xuất. Ngoài ra, trong quá trình làm việc, người lao động có quyền được bồi dưỡng, nâng cao trình độ tay nghề. Điều này góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong sản xuất, đặc biệt là những ngành nghề đòi hỏi kỹ thuật cao. Thông qua hợp đồng học nghề, doanh nghiệp có trách nhiệm xây dựng và thực hiện kế

Một phần của tài liệu Hợp đồng học nghề theo Luật dạy nghề ở Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 55 - 62)