LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA CHẾ ĐỊNH HỌC NGHỀ TRONG PHÁP LUẬT LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Một phần của tài liệu Hợp đồng học nghề theo Luật dạy nghề ở Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 25 - 29)

ĐỊNH HỌC NGHỀ TRONG PHÁP LUẬT LAO ĐỘNG VIỆT NAM

1.3.1. Giai đoạn 1945-1954

Sau Cách mạng Tháng 8, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Trong giai đoạn đầu sau khi giành được độc lập, trên cơ sở kế thừa các luật lệ hiện hành của chế độ cũ, các văn bản luật nói chung và văn bản pháp luật lao động nói riêng được ban hành nhằm củng cố chính quyền và thực hiện công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Những văn bản pháp luật lao động đầu tiên từ khi giành được độc lập gồm: Nghị định ngày 01/10/1945 quy định buộc các xưởng kỹ nghệ, nhà thương mại phải báo trước một tháng cho người lao động khi sa thải họ, Sắc lệnh 55/SL ngày 20/11/1945 quy định về hưởng lương của người lao động khi nghỉ ngày 01/5, Sắc lệnh 64/SL ngày 8/5/1946 ban hành hệ thống cơ quan lao động trên lãnh thổ Việt Nam. Đặc biệt, Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời vào ngày 9/11/1946 là một sự kiện trọng đại đánh dấu một mốc lớn trong lịch sử lập hiến của nước ta, trong đó có Điều 3, Điều 13, Điều 14 quy định về chế độ lao động.

Năm 1947, Chính phủ ban hành tiếp Sắc lệnh 29/SL ngày 12/3/1947 quy định về các chế độ lao động của công nhân Việt Nam làm tại các xưởng kỹ nghệ, hầm mỏ, thương điếm và các nhà làm nghề tự do trong toàn quốc. Những quy định về học nghề được quy định tại Chương thứ hai Sắc lệnh số 29/SL ngày 12/3/1947 được coi là những quy định sớm nhất, đặt nền móng cho việc ghi nhận chế định học nghề của Nhà nước Việt Nam. Theo đó, khái niệm thợ học nghề được định nghĩa một cách cụ thể, đây là "người mà chủ đã

nhận dạy cho biết nghề và đã cam đoan làm cho chủ tùy theo những điều kiện và thời hạn mà đôi bên đã thỏa thuận" [6]. Bên cạnh đó, Sắc lệnh này cũng

quy định rõ độ tuổi học nghề, độ tuổi là thợ chính thức. Theo Điều 12 Sắc lệnh, "không được dùng trẻ con dưới 12 tuổi (tính theo dương lịch) làm thợ

học nghề. Đến 18 tuổi phải kể là thợ chính thức" [6]. Mặt khác, Sắc lệnh

còn quy định cụ thể trách nhiệm của các doanh nghiệp đối với việc đào tạo nghề, ràng buộc chặt chẽ nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với người học nghề.

"Bắt buộc các hãng kỹ nghệ hầm mỏ hay thương điếm dùng từ 30 thợ chuyên nghiệp trở lên phải dạy một số thợ học nghề bằng 1/10 số thợ chuyên nghiệp. Nếu muốn xin miễn giảm phải làm đơn trình bày lý lẽ với cơ quan lao động và do Bộ trưởng Bộ lao động định đoạt" [6]. Tuy nhiên, ở thời kỳ này, do hoàn

cảnh lịch sử nước ta đang trong thời kỳ kháng chiến và củng cố giữ vững chính quyền nên các quy định về lao động nói chung và chế định học nghề nói riêng chỉ được thi hành trong phạm vi hẹp và trong thời gian ngắn. Hoạt động dạy và học nghề không đạt được kết quả khả quan. Mặt khác, trong xã hội nhu cầu về học và dạy nghề chưa đòi hỏi tính cấp thiết nên các cấp, các ngành chưa chú trọng đến quy mô của đào tạo nghề, tiêu chuẩn mở các cơ sở dạy nghề và chưa có hệ thống pháp luật đầy đủ điều chỉnh lĩnh vực này.

1.3.2. Giai đoạn 1955-1985

Đây là thời kỳ đất nước sau khi giành được độc lập, cả nước tiến lên xây dựng xã hội chủ nghĩa. Trong giai đoạn này, Nhà nước ban hành Hiến pháp ngày 31/12/1959 và Hiến pháp ngày 18/12/1980, trong đó có các điều quy định nguyên tắc cơ bản trong lĩnh vực lao động và quản lý lao động. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Chính phủ ban hành các văn bản pháp luật khác về lao động. Để điều tiết các quan hệ lao động nói chung và chế định học nghề nói riêng trong nền kinh tế quốc doanh mang nặng tính tập trung quan liêu bao cấp, một loạt các văn bản về pháp luật lao động ra đời mang đậm tính chất mệnh lệnh hành chính, ít chú ý đến nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng của người lao động, người sử dụng lao động bao gồm:

- Thông tư 29/LĐ-TT ngày 20/01/1958 quy định tạm thời về chế độ học nghề;

- Thông tư 20/LĐ-TT ngày 10/6/1959 quy định những nguyên tắc và biện pháp tuyển chọn công nhân vào bổ túc và đào tạo thợ mới tại các cơ sở quốc doanh, các công trường kiến thiết cơ bản và đi học nghề ở nước bạn;

- Thông tư 60/TTg ngày 01/6/1962 của Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ học nghề, đào tạo công nhân kỹ thuật;

- Nghị quyết 109/CP của Chính phủ ngày 12/3/1981 quy định nhiệm vụ, quyền hạn và bộ máy của Tổng cục Dạy nghề;

- Quyết định 329/DN-BD ngày 19/11/1984 về ban hành quy chế trường dạy nghề nhà nước

- Quyết định 194/DN-BD ngày 21/8/1985 ban hành quy chế đào tạo về bồi dưỡng nghề trong sản xuất.

Trên cơ sở hệ thống các văn bản pháp luật về đào tạo nghề, việc thực hiện dạy và học nghề đã có những bước phát triển và đạt được một số kết quả nhất định. Bộ máy quản lý công tác dạy nghề và hệ thống trường lớp dạy nghề đã có bước phát triển. Những quy định về điều kiện người học nghề, quyền và nghĩa vụ của người học nghề, phương hướng tuyển chọn công nhân trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nghề trong sản xuất đã dần đáp ứng yêu cầu của sự phát triển kinh tế như đào tạo mới những công nhân chưa lành nghề, đào tạo lại và đào tạo bồi dưỡng cho công nhân đạt trình độ lành nghề bậc cao. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đạt được, công tác dạy và học nghề thời kỳ này còn nhiều hạn chế như hình thức đào tạo nghề chưa phong phú. Đây là thời kỳ Nhà nước hầu như độc quyền trong việc mở cơ sở dạy nghề nên phần lớn những cơ sở dạy nghề là của Nhà nước, chưa có trường dạy nghề áp dụng cho các đối tượng đặc biệt như lao động nữ, lao động tàn tật. Mặt khác, Nhà nước luôn đặt ra chỉ tiêu số lượng người học nghề, ngành nghề đào tạo đồng thời các chi phí của người học nghề được Nhà nước bao nên chưa phát huy hết sự tự do lựa chọn nghề nghiệp, địa điểm học nghề phù hợp với bản thân người lao động. Do vậy, người học nghề không thể hiện hết

khả năng sáng tạo, năng lực cũng như kỹ năng nghề nghiệp của mình trong công việc.

1.3.3. Giai đoạn 1986-1994

Đại hội Đảng lần thứ VI đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta. Trong giai đoạn này, Nhà nước đã xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp lạc hậu, xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hiến pháp năm 1992 ra đời ghi nhận chủ trương phát triển cơ chế thị trường thành một nguyên tắc hiến định.

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, pháp luật lao động nói chung pháp luật về học nghề nói riêng cũng có những thay đổi quan trọng phù hợp với yêu cầu mới của đời sống xã hội. Lúc này, những quy định về học nghề trong pháp luật lao động không chỉ nhằm xây dựng đội ngũ công nhân làm việc trong các cơ quan, xí nghiệp nhà nước mà còn nhằm đáp ứng nguồn lực lao động cho tất cả các ngành kinh tế quốc dân, bao gồm cả những thành phần kinh tế mới được hình thành và được thừa nhận chính thức ở Việt Nam như kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Điển hình cho giai đoạn này là những quy định về học nghề trong Pháp lệnh hợp đồng lao động năm 1990, những quy định về trách nhiệm của tổ chức Công đoàn đối với vấn đề học nghề của người lao động trong Luật Công đoàn năm 1990. Ngoài ra, một số văn bản dưới luật khác cũng đề cập vấn đề học nghề như:

- Quyết định 63/HĐBT ngày 10/6/1989 về học bổng, học phí cho học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề;

- Công văn số 1236/LĐTBXH ngày 29/4/1993 hướng dẫn các dự án dạy nghề cho lao động từ CHLB Séc và Slovakia (cũ) trở về;

- Nghị định 115/CP ngày 5/9/1994 về việc ban hành quy chế hoạt động của trường dạy nghề của nước ngoài tại Việt Nam.

Mặc dù thời gian này pháp luật điều chỉnh quan hệ dạy và học nghề còn ít, chủ yếu dựa vào chính sách chung của Đảng và của Nhà nước song công tác đào tạo nghề đã có những chuyển biến cơ bản.

Thứ nhất, Hiến pháp năm 1992 ra đời đã ghi nhận học nghề trở thành

một quyền cơ bản của công dân và người học nghề có thể học bằng nhiều hình thức khác nhau. Đây là cơ sở cho việc xác lập quan hệ dạy và học nghề của người học với những loại hình cơ sở dạy nghề sau này.

Thứ hai, Nhà nước cho phép và khuyến khích tư nhân tham gia vào

lĩnh vực đào tạo nghề cho người lao động. Đây là sự kiện quan trọng nhằm thúc đẩy mọi cá nhân, tổ chức quan tâm đến công tác đào tạo nghề trong nhân dân có thể tổ chức dạy, truyền nghề cho người lao động.

Thứ ba, các cơ sở đào tạo nghề thuộc mọi thành phần kinh tế phát

triển mạnh. Ngoài hệ thống các trường dạy nghề thuộc ngành giáo dục còn có hệ thống dạy nghề của Bộ lao động thương binh và xã hội, cơ sở dạy nghề của các đoàn thể, tổ chức tư nhân…

Tóm lại, quan hệ dạy và học trong giai đoạn này đã có nhiều thay đổi tích cực so với thời kỳ trước. Tuy nhiên, xét trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội thì công tác đào tạo nghề vẫn chưa đáp ứng được xu thế phát triển của thời đại.

Một phần của tài liệu Hợp đồng học nghề theo Luật dạy nghề ở Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 25 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(93 trang)