Cơ sở dạy nghề

Một phần của tài liệu Hợp đồng học nghề theo Luật dạy nghề ở Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 34 - 36)

Hợp đồng học nghề được giao kết bởi hai bên chủ thể. Nếu như một bên chủ thể là cá nhân người học tham gia vào quan hệ học nghề thì bên chủ thể còn lại có thể là cá nhân hay tổ chức dạy nghề. Theo quy định của pháp luật hiện nay, có nhiều loại cơ sở dạy nghề, đó là:

- Trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề và trường cao đẳng nghề công lập do Nhà nước thành lập;

- Trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề và trường cao đẳng nghề tư thục do tổ chức, cá nhân thành lập;

- Trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề và trường cao đẳng nghề có vốn đầu tư nước ngoài thành lập theo hình thức liên doanh hoặc 100% nước ngoài do các tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thành lập;

- Các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ khác Để tham gia quan hệ pháp luật về dạy và học nghề cơ sở dạy nghề phải có đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi.

Năng lực pháp luật của cơ sở dạy nghề là khả năng được pháp luật quy định cho các quyền nhất định để tham gia vào quan hệ dạy và học nghề. Không có được quyền đó thì tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không thể thực hiện các hoạt động tuyển dụng. Tư cách pháp lý của cơ sở dạy nghề được dựa trên những yếu tố là: sự cho phép thành lập của Nhà nước, sự thành lập của Nhà nước và sự công nhận thành lập của Nhà nước. Trong đó, các quy định chung (Hiến pháp, các đạo luật và văn bản pháp luật khác) là cơ sở ban đầu và các quyết định đơn hành hoặc sự mặc nhiên thừa nhận là cơ sở trực tiếp tạo nên tư cách pháp lý của cơ sở dạy nghề. Chẳng hạn như trường hợp công nhận tư cách pháp lý của cơ sở dạy nghề X thuộc doanh nghiệp Y. Trước hết

dựa vào quy định của Hiến pháp, Luật doanh nghiệp, Luật Dạy nghề và các văn bản hướng dẫn thi hành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc trung ương cho phép thành lập cơ sở dạy nghề X thuộc doanh nghiệp Y.

Theo quy định chung, các cơ sở dạy nghề được phép thành lập khi đáp ứng các điều kiện luật định, bao gồm: điều kiện về nội dung và điều kiện về thủ tục. Điều kiện về nội dung gồm: có trường sở, khả năng tài chính, thiết bị dạy lý thuyết, thực hành phù hợp với nghề, trình độ và quy mô đào tạo, có đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đạt tiêu chuẩn về phẩm chất, trình độ chuẩn, kỹ năng nghề đảm bảo thực hiện mục tiêu, chương trình dạy nghề. Trình tự, thủ tục đăng ký thành lập và hoạt động của cơ sở dạy nghề theo quy định của pháp luật. Đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ khác (không thành lập cơ sở dạy nghề) khi tiến hành hoạt động dạy nghề sẽ dễ dàng hơn bởi vì trong trường hợp này, thông thường tổ chức tuyển dụng người học nghề cho đi học nâng cao trình độ nghề để làm việc cho doanh nghiệp.

Quan hệ dạy và học nghề được thực hiện theo quy định pháp luật khi cơ sở dạy nghề vừa có năng lực pháp luật đồng thời có năng lực hành vi. Nếu như năng lực pháp luật là những quyền năng mà Nhà nước ban hành thì năng lực hành vi là khả năng thực tế của cơ sở dạy nghề trong việc tạo lập, thực hiện quyền và nghĩa vụ trong quá trình đào tạo nghề. Tuyển dụng là hành động thể hiện năng lực hành vi đầu tiên của quá trình đào tạo của cơ sở dạy nghề. Hành vi này thể hiện khả năng tuyển chọn người học nghề để giáo dục và đào tạo thông qua các hoạt động đánh giá, tổng hợp, nghiên cứu hồ sơ, ký kết hợp đồng học nghề. Người đứng đầu cơ sở dạy nghề sẽ đại diện cho trung tâm, doanh nghiệp ký hợp đồng học nghề với người học. Sau khi tuyển chọn được, cơ sở dạy nghề phải thực hiện các hành vi khác như: phân lớp học, bố trí người dạy, đảm bảo các điều kiện để người học thoải mái và học tập tốt nhất, tổ chức quản lý quá trình học của học viên, đánh giá kết quả học tập, trả công theo quy định trong hợp đồng học nghề nếu người học nghề trực tiếp hoặc tham gia làm ra sản phẩm cho nghiệp trong thời gian học nghề…

Tóm lại, chủ thể của quan hệ học nghề dù là người học hay cơ sở dạy nghề đều phải có năng lực pháp luật và năng lực hành vi. Giữa hai loại năng lực đó thì năng lực hành vi là yếu tố quyết định. Để hợp đồng học nghề có hiệu lực pháp luật các chủ thể phải đáp ứng được những quy định nêu trên.

Một phần của tài liệu Hợp đồng học nghề theo Luật dạy nghề ở Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 34 - 36)