Thứ nhất, sửa đổi và bổ sung một số quy định của pháp luật về bồi thường chi phí dạy nghề trong hợp đồng học nghề
- Theo chúng tôi, để không tạo sự hiểu nhầm là các loại chi phí khác nhau và có sự thống nhất với Điều 24 Bộ luật Lao động và Điều 37 Luật Dạy nghề, cụm từ "chi phí đào tạo" tại khoản 3 Điều 41 Bộ luật Lao động, Nghị
định số 44/2003/NĐ-CP, Thông tư số 21/2003/TT-BLĐTBXH ngày 22/09/2003 nên sửa thành "chi phí dạy nghề".
- Theo tinh thần của Bộ luật Lao động và Luật Dạy nghề năm 2006, trường hợp người học nghề, tập nghề được doanh nghiệp tổ chức dạy nghề không thu phí học nghề, nếu đã ký HĐLĐ và cam kết làm việc cho doanh nghiệp theo một thời hạn nhất định mà không làm việc hoặc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn cam kết làm việc cho doanh nghiệp thì phải bồi thường chi phí dạy nghề. Tuy nhiên, Nghị định số 44/2003/NĐ-CP do Chính phủ ban hành đã loại trừ một số trường hợp, đó là khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động đúng và đủ theo các quy định tại Điều 37 Bộ luật Lao động thì không phải bồi hoàn chi phí đào tạo.
Trong thực tế, để chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực và kỹ năng làm việc của người lao động Việt Nam, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, bằng chi phí của mình, đã đưa người lao động của mình sang các nước phát triển để đào tạo từ vài tháng đến vài năm với cam kết người lao động phải làm việc cho doanh nghiệp trong khoảng thời gian nhất định. Nhiều người lao động đã về nước, đã đóng góp tích cực vào sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, một số người lao động, căn cứ vào lỗ hổng của pháp luật lao động hiện hành, đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không xác định thời hạn của mình theo đúng quy định của pháp luật, không thực hiện cam kết làm việc cho doanh nghiệp trong một thời hạn nhất định như đã thỏa thuận. Theo đó, họ đương nhiên có quyền hủy bỏ cam kết làm việc cho doanh nghiệp mà không phải bồi hoàn chi phí đào tạo. Căn cứ họ đưa ra theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 44/2003/NĐ-CP, khoản b Điều 4 Thông tư số 21/2003/TT-BLĐTBXH, "trường hợp chấm dứt HĐLĐ theo đúng quy định tại Điều 37 Bộ luật Lao
những quy định tại Nghị định số 44/2003/NĐ-CP và Thông tư số 21/2003/TT-BLĐTBXH đã đi ngược lại tinh thần của Bộ luật Lao động và Luật Dạy nghề năm 2006, người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động phải bồi thường chi phí đào tạo. Hơn nữa, cho đến thời điểm này, ngay cả Tòa lao động, Tòa án nhân dân tối cao cũng không có hướng giải quyết rõ ràng, vì đang tồn tại hai quan điểm xét xử hoàn toàn trái ngược nhau đối với trường hợp này. Quan điểm thứ nhất cho rằng, người lao động không phải bồi thường chi phí đào tạo căn cứ theo Điều 13 Nghị định số 44/2003/NĐ-CP, khoản b Điều 4 Thông tư số 21/2003/TT-BLĐTBXH; ngược lại, quan điểm thứ hai cho rằng, người lao động phải bồi thường chi phí đào tạo với lý do bản cam kết làm việc cho doanh nghiệp cũng có giá trị pháp lý, bổ sung cho hợp đồng lao động. Do đó phải có hướng dẫn cụ thể của cơ quan có thẩm quyền; nếu không sự bất cập trong những văn bản dưới luật như vậy sẽ làm nản lòng những nhà đầu tư muốn chuyển giao công nghệ, đào tạo nâng cao trình độ, năng lực cho người lao động Việt Nam. Mặt khác, những quy định này vi phạm nguyên tắc không phân biệt đối xử (Quy chế đối xử quốc gia) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) mà Việt Nam là thành viên. Theo quy định tại Nghị định số 54/2005/NĐ-CP ngày 19/04/2005, những cán bộ, công chức, viên chức được cơ quan, đơn vị cử đi đào tạo (ở trong nước và nước ngoài) mà trong thời gian đang học tập hoặc khi trở về cơ quan, đơn vị tự ý bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc thì phải bồi thường chi phí đào tạo. Như vậy, nếu cán bộ, công chức, viên chức thôi việc vì bất cứ lý do gì trong thời gian yêu cầu phục vụ, sẽ phải bồi thường chi phí đào tạo, không có trường hợp ngoại lệ. Rõ ràng, đây là sự phân biệt đối xử giữa nguồn vốn ngân sách nhà nước với những nguồn vốn khác. Vì vậy quy định của pháp luật cần được sửa đổi bổ sung thống nhất giữa các văn bản luật và văn bản hướng dẫn thi hành để thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Thứ hai, bổ sung quy định về các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng học nghề hợp pháp, cách xử lý các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng học nghề và hợp đồng học nghề bị vô hiệu
Chấm dứt hợp đồng học nghề là sự kiện làm chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên chủ thể, trong đó đơn phương chấm dứt hợp đồng là vấn đề gây nhiều bất đồng, tranh cãi vì hiện tại, pháp luật nước ta chưa có một quy định cụ thể nào về điều kiện chấm dứt hợp đồng học nghề hợp pháp đồng thời pháp luật cũng không có quy định rõ ràng về các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng học nghề được pháp luật đảm bảo thực hiện. Để tạo điều kiện cho cơ quan xét xử có căn cứ pháp lý giải quyết tranh chấp khi chấm dứt hợp đồng, Nhà nước cần quy định rõ những điều kiện chấm dứt hợp đồng học nghề nghề hợp pháp mà chủ thể đưa đề nghị chấm dứt không phải bồi thường. Những điều kiện chấm dứt hợp đồng học nghề hợp pháp có thể là:
+ Trong trường hợp bất khả kháng;
+ Người lao động là phụ nữ có thai phải nghỉ học hoặc nghỉ việc theo chỉ định của thầy thuốc có thẩm quyền;
+ Học xong, doanh nghiệp không giao kết hợp đồng lao động hoặc không tiếp tục sử dụng người lao động;
Ngoài ra, Luật Dạy nghề không quy định về tranh chấp hay việc giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực dạy nghề. Vì vậy, cần bổ sung nội dung tranh chấp trong lĩnh vực dạy nghề về thẩm quyền và trình tự giải quyết để tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện và áp dụng luật.
- Trong trường hợp người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng học nghề, người học nghề, tập nghề sẽ rất khó khăn nếu muốn yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Khi bị đơn phương chấm dứt hợp đồng học nghề, người học nghề, tập nghề phải thực hiện thủ tục hòa giải tranh chấp lao động tại hội đồng hòa giải lao động cơ sở rồi mới có thể nộp đơn khởi kiện ra Tòa án chứ không thể nộp thẳng đơn khởi kiện ra Tòa án như khi bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Bên cạnh đó, nghĩa vụ thực hiện đúng thỏa thuận trong Biên bản hòa giải lại không được các cơ quan nhà nước cưỡng chế thi hành. Do đó, pháp luật tố tụng nên sửa đổi theo hướng cho phép đương sự có thể nộp đơn khởi kiện thẳng ra Tòa án trong những
trường hợp không thể hòa giải được để tránh mất thời gian đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của chủ thể bị xâm phạm.
- Hiện nay trong các văn bản pháp luật của Nhà nước chưa có các quy định cụ thể về hợp đồng học nghề bị vô hiệu và xử lý hợp đồng học nghề bị vô hiệu. Do vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giải quyết tranh chấp về hợp đồng học nghề bị vô hiệu, Nhà nước cần ban hành quy định cụ thể về những trường hợp cụ thể của hợp đồng học nghề vô hiệu và cách xử lý chúng.
Thứ ba, bổ sung các văn bản hướng dẫn quy định về hợp đồng học nghề trong Luật Dạy nghề
- Năm 2006, Luật Dạy nghề được Nhà nước ban hành và có hiệu lực thi hành từ 01/6/2007. Cho đến nay, qua hơn bốn năm thực hiện kể từ thời điểm Luật Dạy nghề có hiệu lực, những quy định trong Luật Dạy nghề nói chung và quy định về hợp đồng học nghề nói riêng dường như vẫn chưa được áp dụng nhiều vào thực tế cuộc sống. Mặc dù hợp đồng học nghề đã được quy định cụ thể tại Chương III Luật Dạy nghề nhưng khi đưa ra căn cứ pháp lý cho vấn đề này nhiều cá nhân, tổ chức vẫn dẫn chiếu những quy định trong Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn của Bộ luật Lao động để điều chỉnh. Lý do bởi chưa có văn bản dưới luật nào hướng dẫn những quy định cụ thể về hợp đồng học nghề trong Luật Dạy nghề. Vì thế, cần có những văn bản dưới luật hướng dẫn chi tiết những quy định trong Luật Dạy nghề để pháp luật về hợp đồng học nghề được hiểu một cách rõ ràng hơn.
- Hợp đồng học nghề là sợi dây ràng buộc giữa người học nghề với cơ sở dạy nghề. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng hình thành nên quan hệ học nghề. Cho nên, trong Luật Dạy nghề năm 2006 nên quy định chế định hợp đồng học nghề thành một chương riêng biệt hoàn toàn chứ không quy định chung lẫn với các nội dung khác vì hiện nay chế định hợp đồng học nghề được quy định ở Chương III Luật Dạy nghề cùng với quy định khác là "Tuyển sinh học nghề, hợp đồng học nghề; thi, kiểm tra".