Nguyên tắc bình đẳng

Một phần của tài liệu Hợp đồng học nghề theo Luật dạy nghề ở Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 37 - 38)

Nếu như nguyên tắc tự do, tự nguyện nói đến yếu tố chủ quan thì nguyên tắc bình đẳng nói lên tư cách pháp lý của các bên trong quá trình giao kết hợp đồng học nghề. Theo nguyên tắc này, cơ sở đào tạo nghề và người học nghề có sự ngang bằng về vị trí, tư cách, địa vị pháp lý và phương thức biểu đạt trong quan hệ giao kết hợp đồng học nghề. Quy luật giá trị đòi hỏi các bên chủ thể khi tham gia các quan hệ phải bình đẳng với nhau; không ai được viện lý do khác biệt về hoàn cảnh kinh tế, thành phần xã hội, dân tộc, giới tính hay tôn giáo… để tạo ra sự bất bình đẳng trong giao kết hợp đồng. Bất cứ hành vi xử sự nào nhằm tạo ra sự bất bình đẳng giữa các chủ thể giao kết đều được coi là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên thực tế cho thấy, trong giao kết hợp đồng học nghề sự bình đẳng chỉ diễn ra một cách tương đối. Bởi khi tham gia giao kết hợp đồng học nghề giữa các chủ thể đã thể hiện bất bình đẳng với nhau. Cơ sở đào tạo nghề được coi là bên có quyền nhiều hơn vì họ đã bỏ công sức, tài chính để xây dựng trung tâm đào tạo nghề còn người học nghề là người đang muốn tìm, học hỏi một nghề nào đó sau đó dùng những kiến thức và kỹ năng thực hành nghề đã học được để tự tạo việc làm hoặc tìm việc làm có thu nhập nuôi sống bản thân. Mặt khác, người học nghề còn phụ thuộc vào ý chí của cơ sở dạy nghề rất nhiều bởi vì sau khi học xong, họ có được nhận vào làm tại cơ sở, doanh nghiệp đó không là một sự thỏa thuận

được ghi trong hợp đồng học nghề. Sự không bình đẳng này xuất phát từ sự khác biệt về địa vị kinh tế, việc có được sự bình đẳng trong quan hệ học nghề là một điều rất khó khăn. Vì vậy, nguyên tắc bình đẳng trong hợp đồng học nghề được nhấn mạnh chủ yếu ở khía cạnh pháp lí của quan hệ.

Một phần của tài liệu Hợp đồng học nghề theo Luật dạy nghề ở Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 37 - 38)