Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp nhà nước gồm doanh nghiệp Nhà nước giữ 100% vốn và doanh nghiệp Nhà nước giữ cổ phần hoặc giữ phần vốn chi phối.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, mười năm qua, cả nước sắp xếp được trên 4.750 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa gần 3.390 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hầu hết đã chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và một số thành lập mới gồm khoảng 128 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước bằng cách chuyển từ đơn vị sự nghiệp có thu, đơn vị hạch toán phụ thuộc thành doanh nghiệp và trên cơ sở Ban quản lý các dự án đã đầu tư. Đến tháng 10/2011, cả nước còn 1.309 doanh nghiệp nhà nước, trong đó có 452 doanh nghiệp an ninh, quốc phòng tham gia hoạt động công ích, 857 doanh nghiệp kinh doanh; tập trung hơn vào những ngành, lĩnh vực theo chốt, địa bàn quan trọng mà Nhà nước cần nắm giữ hoặc lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác ít hoặc chưa tham gia [49].
Đặc điểm chung của các doanh nghiệp này là Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu không trực tiếp thực hiện quyền sở hữu, mà giao cho một cá nhân hoặc một tập thể thực hiện các quyền này. Do đó, quan hệ lao động trong doanh nghiệp nhà nước là quan hệ giữa một bên chủ sử dụng lao động gồm các giám đốc, tổng giám đốc được bổ nhiệm bởi các quyết định hành chính với một bên là người lao động. Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, tổng số lao động trong các doanh nghiệp năm 2009 là: "8,26 triệu người, trong đó doanh nghiệp Nhà nước: 1,71 triệu người (chiếm 20,7%); doanh nghiệp FDI: 1,83 triệu người (chiếm 22,2%), doanh nghiệp ngoài quốc doanh: 4,72 triệu người (chiếm 57,1%)" [49]. Số lượng lao động trong doanh nghiệp nhà nước thấp nhất trong các loại hình doanh nghiệp là do hiện nay nhà nước đang tiến hành tổ chức sắp xếp lại, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước nên một số lao động trong doanh nghiệp nhà nước di chuyển ra làm việc cho các doanh nghiệp ngoài quốc doanh.
Trong quá trình làm việc, để đáp ứng nhu cầu công việc, người lao động trong các doanh nghiệp nhà nước được cử đi học để bồi dưỡng, nâng cao trình độ tay nghề. Thông thường, trước khi đi đào tạo ở nước ngoài, người lao động đều ký hợp đồng học nghề với cam kết làm việc cho doanh nghiệp một thời gian sau khi học xong. Tuy nhiên, đa số người lao động sau khi trở về đã không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng học nghề. Vì lý do kinh tế, người lao động "dứt áo" ra làm ngoài ở khu vực kinh tế tư nhân. Điều này làm cho doanh nghiệp "vừa mất người vừa mất của". Không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng học nghề, người lao động phải bồi thường chi phí mà doanh nghiệp đã bỏ ra cho họ đi học. Tuy nhiên thực tế cho thấy, số tiền doanh nghiệp đã bỏ ra để cho người lao động ăn học rất khó lấy lại được.