Việt Nam đang trong thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, mở cửa nền kinh tế để hội nhập cùng nền kinh tế thế giới. Trong quá trình chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế đất nước, doanh nghiệp vừa và nhỏ đã và đang đóng vai trò quan trọng về nhiều mặt. Cùng với nông nghiệp và kinh tế nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ là một trong những nhân tố đảm bảo sự ổn định và bền vững của nền kinh tế, tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, khai thác và tận dụng có hiệu quả tiềm năng về vốn, tay nghề và những nguồn lực còn tiềm ẩn trong dân cư, góp phần phân bố công nghiệp trên các địa bàn khác nhau, giữ vai trò bổ sung cho công nghiệp lớn, cân bằng những vấn đề kinh tế - xã hội, môi trường, bảo tồn, phát triển các làng nghề truyền thống, thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc.
Với quy mô vốn còn hạn chế, các doanh nghiệp vừa và nhỏ ý thức được việc phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản lý và kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động là điều cần thiết. Do không thể trả lương cao, các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường chọn giải pháp là tuyển chọn những
nhân viên tiềm năng, sau đó sẽ trang bị và đào tạo cho họ những kỹ năng để làm việc hiệu quả. Người lao động được đào tạo nghề tại doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua hợp đồng học nghề. Điều này có lợi cho các doanh nghiệp vì việc đào tạo tập trung sẽ gắn liền và sát với yêu cầu của công việc mà doanh nghiệp đang cần thực hiện; do đó, việc sàng lọc đội ngũ lao động sẽ thuận tiện và chính xác hơn trong quá trình học nghề. Song người học cũng được lợi ích vì không phải bỏ ra một khoản chi phí lớn để có được một nghề trong tay nhưng họ phải chấp nhận và có trách nhiệm cam kết về thời hạn phải làm việc cho doanh nghiệp sau khi học xong như đã ghi trong hợp đồng học nghề. Xét ở khía cạnh kinh tế, những khoản chi phí cho việc đào tạo nghề là một khoản đầu tư cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, chúng sẽ được đưa vào quy trình hạch toán kinh doanh nên doanh nghiệp có quyền đòi hỏi từ phía người học một thời hạn làm việc nhất định sau khi học xong để khai thác sức lao động mà doanh nghiệp đã đầu tư để tìm kiếm lợi nhuận. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay luôn phải đối đầu với nguy cơ bị các công ty, tập đoàn lớn "săn" mất nhân viên giỏi, tức là tình trạng người lao động sau khi học nghề xong không làm việc cho doanh nghiệp. Không thực hiện cam kết làm việc cho doanh nghiệp là người lao động đã phá vỡ những điều khoản trong hợp đồng học nghề. Chính vì thế, khi vi phạm điều kiện này, người học nghề phải chịu trách nhiệm với hành vi vi phạm của mình. Trong hợp đồng quy định rõ quyền và trách nhiệm của hai bên khi hợp đồng phát sinh hiệu lực. Người học nghề có thể không phải đóng học phí nhưng phải cam kết thời gian làm việc cho doanh nghiệp sau khi học xong. Người học nghề tự ý bỏ không học hết khóa hoặc học xong không làm việc hoặc làm việc không đủ thời gian đã cam kết thì phải bồi thường chi phí dạy nghề. Chi phí này được thỏa thuận trước và ghi rõ trong hợp đồng học nghề. Như vậy, hợp đồng học nghề chính là căn cứ pháp lý rõ ràng khi có tranh chấp xảy ra. Dựa vào đó, cơ quan có thẩm quyền đưa ra những phán quyết đúng đắn và hợp lý. Thực tế cho thấy, nhiều người lao động đã phải bồi thường chi phí đào tạo vì đã vi phạm cam kết trong hợp đồng học nghề. Tuy nhiên, nếu không có
hợp đồng học nghề thì công sức cũng như chi phí đào tạo của doanh nghiệp sẽ không được bồi hoàn lại, doanh nghiệp không có căn cứ buộc người học nghề phải bồi thường bất cứ khoản nào.
Thực hiện hợp đồng học nghề phải dựa và sự hợp tác và thiện chí của cả hai. Không chỉ người học nghề vi phạm nghĩa vụ cam kết trong hợp đồng học nghề, doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng thường hay mắc lỗi trong việc thực hiện hợp đồng học nghề với người lao động. Trong một số doanh nghiệp vừa và nhỏ, sau khi người học nghề hoàn thành xong khóa học, doanh nghiệp không giao kết hợp đồng lao động như đã thỏa thuận trong hợp đồng học nghề. Chủ sử dụng lao động thường đưa ra lý do là người học không đáp ứng được yêu cầu về kỹ năng nghề để không giao kết hợp đồng lao động. Thực chất vấn đề này là người sử dụng lao động không muốn ràng buộc quan hệ lao động với người học. Họ đưa ra thông báo tuyển sinh học nghề sau đó có việc làm ngay tại doanh nghiệp để thu hút số lượng học viên đăng ký học nghề. Người học phải mất một khoản phí đào tạo. Tuy nhiên trong quá trình đào tạo, người học sẽ được trả công nếu làm ra sản phẩm cho doanh nghiệp. Với mong muốn có được thu nhập ngay trong quá trình học nghề, người học sẽ chăm chỉ vừa làm vừa học để tạo ra nhiều sản phẩm. Cách làm này sẽ đem lại cho doanh nghiệp nhiều lợi ích vì loại nghề học ở đây tương đối đơn giản để người học nghề có thể làm ra sản phẩm ngay trong một thời gian ngắn. Dưới góc độ kinh tế, nếu so sánh số tiền công được doanh nghiệp trả với công sức của người học bỏ ra thì có sự chênh lệch đáng kể. Trong trường hợp này các doanh nghiệp bị coi là bóc lột sức lao động của học viên. Sau khoảng thời gian học nhất định ghi trong hợp đồng học nghề, doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng học nghề với lý do hết thời gian học và người học không đáp ứng được yêu cầu doanh nghiệp nên không thể giao kết hợp đồng lao động. Lý do người học nghề không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp thì có rất nhiều. Chẳng hạn như tay nghề của học viên chưa cao nên không đáp ứng được nhu cầu công việc hay kỹ năng thực hành còn kém nên doanh nghiệp không thể giao kết hợp đồng lao động hoặc khả năng làm việc của học viên còn chậm
nên không thể đáp ứng với môi trường làm việc với cường độ cao… Khi người lao động đưa vụ việc lên cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì đều bị thua bởi lý lẽ của chủ sử dụng lao động đưa ra vì trong hợp đồng học nghề không ghi cụ thể điều kiện nhận người học nghề vào làm việc sau khi học xong. Bởi vậy, để đảm bảo quyền lợi của người học nghề, tránh tình trạng bóc lột sức lao động thì trong hợp đồng học nghề phải quy định cụ thể những điều kiện doanh nghiệp phải nhận người học vào làm sau khi kết thúc khóa học.