Hai bên thỏa thuận nội dung và các vấn đề liên quan đến hợp đồng học nghề

Một phần của tài liệu Hợp đồng học nghề theo Luật dạy nghề ở Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 40 - 42)

Quá trình xác lập hợp đồng học nghề là giai đoạn đầu tiên và quan trọng trong thời gian học nghề. Nó thể hiện sự hợp tác và thống nhất ý chí nhằm thiết lập nên quan hệ học nghề giữa các chủ thể. Thời điểm này các bên bắt đầu có sự tiếp xúc với nhau, do đó đây là thời điểm để các bên tìm hiểu, đánh giá một cách trực tiếp về nhau. Từ đó người học nghề cũng như cơ sở dạy nghề sẽ lựa chọn và đưa ra quyết định chính thức về việc ký kết hợp đồng học nghề. Mặc dù pháp luật không quy định cụ thể vấn đề này nhưng cũng giống như giao kết các hợp đồng khác, quá trình giao kết hợp đồng học nghề diễn ra theo ba bước: đề nghị giao kết hợp đồng, hai bên thỏa thuận các nội dung và vấn đề liên quan đến hợp đồng học nghề, hành vi giao kết hợp đồng.

2.1.4.1. Một trong các bên sẽ đưa ra lời đề nghị giao kết hợp đồng

Khi các bên có nhu cầu giao kết hợp đồng học nghề thì phải biểu lộ nhu cầu đó ra bên ngoài dưới một hình thức nào đó.Trên thực tế, cơ sở dạy nghề thường là bên đề nghị giao kết hợp đồng học nghề, thể hiện thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, thông báo trước cổng doanh nghiệp, nơi công cộng hay qua các trung tâm tư vấn giới thiệu việc làm để tuyển sinh hoặc tuyển người vào học nghề để sử dụng. Kèm theo thông báo là yêu cầu đối với người học nghề về tuyển sinh như: trình độ văn hóa người học nghề, sức khỏe, giới tính, cam kết sau khi học xong làm việc cho doanh nghiệp…

Người học nghề khi tiếp nhận được thông tin nói trên, nếu có nhu cầu học nghề và xét thấy phù hợp, đáp ứng được yêu cầu có thể trực tiếp đến cơ sở dạy nghề, doanh nghiệp hay trung tâm tư vấn giới thiệu việc làm để bày tỏ nguyện vọng của mình. Giai đoạn này các bên chưa có sự chi phối lẫn nhau và họ có thể chấm dứt quan hệ ngay từ lần đầu gặp gỡ nếu không thấy phù hợp mà không hề có sự ràng buộc pháp lý nào.

2.1.4.2. Hai bên thỏa thuận nội dung và các vấn đề liên quan đến hợp đồng học nghề hợp đồng học nghề

Xét về phương diện pháp lý, giai đoạn này chưa làm nảy sinh quyền và nghĩa vụ cụ thể, hai bên chỉ cần tuân thủ các nguyên tắc khi giao kết hợp đồng. Nếu nội dung trong hợp đồng học nghề không được thống nhất hay việc thỏa thuận không đạt được kết quả thì giữa các bên không có sự ràng buộc về mặt pháp lí. Chẳng hạn, cơ sở dạy nghề không thể đòi người học nghề bồi thường vì đã làm mất thời gian của họ và vì không thỏa thuận thành công nội dung của hợp đồng học nghề. Đồng thời, người học nghề cũng không thể yêu cầu cơ sở dạy nghề bồi thường chi phí đi lại cho mình vì không giao kết được hợp đồng học nghề. Tuy nhiên, xét về mặt thực chất của quá trình giao kết hợp đồng, đây là giai đoạn quan trọng, bởi vì quan hệ học nghề có ổn định, hài hòa hay không phụ thuộc vào thái độ thiện chí, hợp tác khi thương lượng, thỏa thuận nội dung hợp đồng học nghề của hai bên. Song trên thực tế, quá trình thỏa thuận, thống nhất ý chí về các vấn đề trong hợp đồng học nghề này dường như không có và nếu có sẽ không được thực hiện với ý nghĩa đích thực của nó. Thông thường, nội dung của hợp đồng học nghề và những vấn đề liên quan khác thường do cơ sở dạy nghề ấn định trước nội dung. Trên cơ sở đó, người học nghề xem xét, chấp nhận hoặc có sự chỉnh sửa ở mức độ nhất định trước khi hai bên tiến hành ký kết hợp đồng. Cách làm này có ưu điểm là không mất nhiều thời gian cho cơ sở dạy nghề nhưng họ lại không tạo được thiện cảm và cơ hội hiểu biết lẫn nhau với người học nghề. Nếu hợp đồng học nghề được xây dựng dựa trên sự bàn bạc, thảo luận, thống nhất thì mối quan hệ giữa người học nghề và cơ sở dạy nghề sẽ tốt đẹp hơn so với việc có sẵn nội dung một bản hợp đồng. Người học nghề không được thỏa thuận, thương lượng nội dung hợp đồng học nghề nhưng vì nhu cầu công việc mà họ vẫn ký kết trong khi các quyền và lợi ích hợp pháp hoặc các điều kiện học nghề khác trong hợp đồng học nghề chưa phản ánh đúng, đầy đủ và nguyện vọng của họ. Xét về mặt pháp lý, cách làm này không thể coi là bị vi phạm, nhưng nó không phản ánh đúng bản chất của quan hệ hợp đồng là cùng nhau thỏa thuận. Điều này có thể tạo ra những mầm mống bất lợi cho quan hệ dạy và học nghề giữa hai chủ thể mà khi giao kết hợp đồng ta chưa nhận ra được. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng để thỏa thuận nội dung hợp đồng học nghề giữa hai bên

theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng là điều hoàn toàn không dễ dàng. Sự khó khăn này do cả nguyên nhân chủ quan lẫn yếu tố khách quan.

Một phần của tài liệu Hợp đồng học nghề theo Luật dạy nghề ở Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 40 - 42)