GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP VỀ HỢP ĐỒNG HỌC NGHỀ

Một phần của tài liệu Hợp đồng học nghề theo Luật dạy nghề ở Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 51 - 55)

Tranh chấp về hợp đồng học nghề là tranh chấp liên quan tới quyền và lợi ích của hai bên trong quá trình thực hiện hợp đồng học nghề. Đây là một dạng của tranh chấp lao động. Theo đó, nó biểu hiện ra bên ngoài dưới những hình thức nhất định vì "không thể có tranh chấp nào tồn tại trong bí mật và trong tâm tưởng của chủ thể tranh chấp" [52, tr. 422]. Sự xung đột

giữa các chủ thể bao giờ cũng bắt nguồn từ những mâu thuẫn, bất đồng về quyền, lợi ích và được thể hiện ra bên ngoài. Pháp luật không có bất cứ quy định nào về hình thức biểu hiện của tranh chấp nhưng biểu hiện có thể thấy rõ nét nhất là việc một trong các chủ thể tỏ thái độ của mình về vấn đề tranh chấp với yêu cầu phải giải quyết vấn đề đó. Trong thực tiễn, các "đơn khiếu nại" hay văn bản "yêu cầu giải quyết tranh chấp" là những hình thức phổ biến ghi nhận sự tồn tại của tranh chấp này. Khi tranh chấp xảy ra đòi hỏi phải có cơ chế giải quyết thích hợp tùy tính chất của từng vụ việc. Giống như các tranh chấp lao động khác, tranh chấp về hợp đồng học nghề được giải quyết bằng những cách thức dưới đây.

Thứ nhất, tranh chấp về hợp đồng học nghề được giải quyết bằng con

đường thương lượng. Từ lâu, trong đời song xã hội Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới, thương lượng là cách thức giải quyết tranh chấp căn bản và mang tính truyền thống. Trong quá trình thương lượng, bằng tri thức, những kỹ năng, kỹ thuật thương lượng và những kinh nghiệm sống, những người tham gia thương lượng sẽ thể hiện quan điểm, ý kiến của mình về cách giải quyết xung đột giữa họ và các bên liên quan. Các bên sẽ bàn bạc, thảo

luận các vấn đề liên quan đến vụ việc tranh chấp, đưa ra những phương án nhằm giải quyết những mâu thuẫn, bất đồng trong quá trình thực hiện hợp đồng học nghề. Trong quá trình này, các bên có quyền bình đẳng với nhau về mọi vấn đề. Không bên nào có quyền áp đặt ý chí, buộc bên đối diện phải tuân theo quan điểm, ý kiến của mình. Mặc dù pháp luật cho phép các bên có quyền tự định đoạt nhưng không vì thế mà kết quả thương lượng vượt qua những chuẩn mực pháp lý cơ bản. Tất cả các thỏa thuận phải đảm bảo tính hợp pháp, không trái với quy định pháp luật, không xâm hại truyền thống đạo lý, thuần phong mỹ tục, lợi ích nhà nước và xã hội. Kết quả thương lượng là sự thống nhất ý chí của hai bên và các bên có trách nhiệm thi hành.

Thứ hai, tranh chấp về hợp đồng học nghề được giải quyết theo con

đường hòa giải. Nếu thương lượng là quá trình các bên tranh chấp tự thỏa thuận trong khuôn khổ do các bên tự sắp đặt với điều kiện là đảm bảo tính hợp pháp thì hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp có sự trợ giúp của người thứ ba. Không chỉ trợ giúp về mặt nội dung giải quyết tranh chấp, người hòa giải còn có trách nhiệm giúp các bên về các thủ tục, về tinh thần, thái độ tham gia giải quyết. Tuy nhiên,, người hòa giải không phải là người có quyền áp đặt ý chí, buộc các bên tranh chấp phải tuân theo quyết định về nội dung vụ tranh chấp mà các bên tranh chấp phải lựa chọn và đi đến quyết định về nội dung tranh chấp đó. Do đó, về bản chất, hòa giải là quá trình các bên tranh chấp tự thương lượng với sự giúp đỡ của người thứ ba trung lập để giải quyết tranh chấp giữa họ. Theo quy định pháp luật, người hòa giải có thể là hội đồng hòa giải lao động cơ sở hoặc hòa giải viên lao động do cơ quan lao động cấp huyện cử ra. Hội đồng hòa giải hoặc Hòa giải viên sẽ căn cứ vào pháp luật lao động, các tài liệu, chứng cứ, ý kiến của các bên, phân tích đánh giá vụ việc, nêu những điểm đúng sai của các bên để họ tự hòa giải với nhau hoặc đưa ra phương án hòa giải để các bên xem xét, thương lượng và chấp thuận.

Thứ ba, tranh chấp về hợp đồng học nghề được đưa ra xét xử tại tòa

án. Khi thương lượng không thành hoặc việc hòa giải không thống nhất được ý chí các bên thì khởi kiện tại tòa án là hình thức cuối cùng để giải quyết

những tranh chấp xung quanh việc thực hiện hợp đồng học nghề. Với tư cách là cơ quan tài phán mang quyền lực nhà nước đặc biệt, tòa án giải quyết vụ việc tranh chấp theo trình tự, thủ tục tố tụng chặt chẽ do luật định. Những phán quyết của tòa được đảm bảo thi hành bằng các biện pháp cưỡng chế của nhà nước nên quyền và lợi ích của các bên theo pháp luật được bảo đảm thực hiện một cách triệt để. Đây là ưu thế lớn nhất của việc giải quyết tranh chấp hợp đồng học nghề tại tòa án so với việc giải quyết tranh chấp ở những hình thức khác. Điều này góp phần củng cố niềm tin của các chủ thể vào pháp luật và thường được các chủ thể sử dụng khi có sự mâu thuẫn, bất đồng trong thực hiện hợp đồng học nghề.

Những năm qua, các vụ tranh chấp về thực hiện hợp đồng học nghề xảy ra càng ngày càng có chiều hướng gia tăng về số lượng và phức tạp về tính chất, đặc biệt là những tranh chấp về bồi thường chi phí đào tạo xảy ra tại khu các doanh nghiệp thuộc khu vực ngoài quốc doanh, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Để giải quyết các tranh chấp về thực hiện hợp đồng học nghề, các bên thường chọn cách giải quyết là tự thương lượng với nhau hoặc thông qua hòa giải, bởi vì cách giải quyết bằng thương lượng hoặc hòa giải gọn nhẹ, ít tốn kém và không mất nhiều thời gian nên các bên chủ thể thường ưu tiên chọn lựa.

Theo quy định của pháp luật, các bên tranh chấp có nghĩa vụ chấp hành các thỏa thuận ghi trong thỏa thuận hay biên bản hòa giải thành. Trường hợp các bên tự nguyện thi hành các thỏa thuận đã ghi trong Biên bản hòa giải thành của Hội đồng hòa giải cơ sở hoặc hòa giải viên thì tranh chấp về thực hiện hợp đồng học nghề được giải quyết xong. Tuy nhiên, vướng mắc trong thực tiễn giải quyết các tranh chấp lao động hiện nay nói chung và giải quyết tranh chấp về bồi thường chi phí đào tạo trong hợp đồng học nghề nói riêng lại xuất phát từ trường hợp bên có nghĩa vụ không chịu thực hiện các thỏa thuận đã cam kết trong Biên bản hòa giải thành của Hội đồng hòa giải hoặc Hòa giải viên. Theo quy định của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 thì những quy định trên Biên bản hòa giải thành các tranh chấp lao động của Hội

đồng hòa giải lao động cơ sở hoặc Hòa giải viên không phải là đối tượng được cưỡng chế thi hành. Do đó, khi một bên trong tranh chấp lao động không tự nguyện thực hiện các cam kết trong Biên bản hòa giải thành của Hội đồng hòa giải lao động cơ sở hoặc Hòa giải viên lao động cấp huyện thì bên kia không có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án tổ chức cưỡng chế thi hành. Mặt khác, Điều 31 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2003 quy định: Tòa án có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp lao động cá nhân mà Hội đồng hòa giải lao động cơ sở, hòa giải viên lao động cấp huyện hòa giải không thành hoặc không giải quyết trong thời hạn do pháp luật quy định, trừ một số tranh chấp lao động cá nhân không nhất thiết phải qua hòa giải cơ sở. Theo quy định này, đối với những tranh chấp lao động cá nhân bắt buộc phải qua hòa giải cơ sở thì tòa án chỉ thụ lý đơn khởi kiện khi vụ tranh chấp đã được Hội đồng hòa giải cơ sở hoặc hòa giải viên tiến hành hòa giải nhưng không thành hoặc Hội đồng hòa giải hay Hòa giải viên không tiến hành hòa giải trong thời hạn pháp luật quy định. Như vậy, mặc dù một bên không tự nguyện thi hành biên bản hòa giải thành thì tòa án cũng không thụ lý giải quyết. Đây là một trong những nguyên nhân hạn chế quyền khởi kiện tại tòa án của những vụ tranh chấp về bồi thường chi phí đào tạo trong hợp đồng học nghề trong thời gian qua. "Kết quả khảo sát tình hình tranh chấp lao động của Tòa án nhân dân tối cao

và của các ngành liên quan cho thấy tranh chấp lao động xảy ra trong thực tế là nhiều, nhưng số vụ việc đưa đến Tòa án thì còn rất hạn chế" [44].

Theo tình hình chung trong việc giải quyết tranh chấp về thực hiện hợp đồng học nghề, chỉ khi nào mâu thuẫn, bất đồng giữa hai bên quá lớn thì vụ việc mới đem đi khởi kiện tại tòa án. So với cách giải quyết thông qua hòa giải thì con đường khởi kiện mất nhiều thời gian và chi phí tốn kém hơn. Tuy nhiên, tùy theo từng loại tranh chấp, việc giải quyết đặt ra ở đây là phù hợp với đặc điểm và tính chất của quan hệ có tranh chấp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên và hạn chế những tác động tiêu cực đến tính bền vững của thị trường lao động cũng như nền kinh tế - xã hội nói chung.

Chương 3

Một phần của tài liệu Hợp đồng học nghề theo Luật dạy nghề ở Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 51 - 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(93 trang)