Đảm bảo phù hợp với nhu cầu đào tạo nghề ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Hợp đồng học nghề theo Luật dạy nghề ở Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 73 - 74)

Ở một số nước trên thế giới, những người lựa chọn con đường học nghề thường kí hợp đồng học nghề với một công ty mà công ty này phải được cơ quan có thẩm quyền công nhận là doanh nghiệp đào tạo. Trong khoảng thời gian hai năm thực hành về một ngành nghề cụ thể, doanh nghiệp cần phải bảo đảm nguyên tắc: năm thứ nhất, các công nhân lành nghề sẽ hướng dẫn về kỹ thuật, năm thứ hai, giảm bớt hướng dẫn, tăng cường việc tự học. Mục tiêu của đào tạo nghề là phải cung cấp được kiến thức đồng bộ giữa lý thuyết và thực hành để người học có thể ứng dụng những kinh nghiệm thực tế vào cuộc sống. Học viên sẽ được hưởng lương học việc trong cả hai năm học, điều này được ghi rõ trong hợp đồng học nghề. Sau khi kết thúc học việc, học viên được trao chứng chỉ và bắt đầu có thể tìm kiếm việc làm. Với mô hình đào tạo nghề này, hệ thống đào tạo nghề được đánh giá theo tiêu chuẩn quốc tế là ít khiếm khuyết khi kết hợp quá trình đào tạo nghề với chương trình giáo dục phổ thông. Sự kết hợp này đã tạo điều kiện để những người thợ có thể học lên cao hơn khi họ muốn để có một tương lai sự nghiệp vững vàng hơn.

Theo mô hình trên, ở Việt Nam, đào tạo nghề được coi là chiến lược phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của các ngành kinh tế mũi nhọn. "Theo thống kê sơ bộ, hiện nay cả nước có hơn 250.000 doanh nghiệp, thu hút

khoảng 9 triệu lao động. Dự kiến chỉ vài năm sau, nước ta sẽ có khoảng trên 600.000 doanh nghiệp, tạo thêm 4 triệu việc làm mới" [13]. Đó sẽ là nơi đến

cho hàng triệu học viên học nghề. Theo nhận định của Tổng cục Dạy nghề, nhóm ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao hiện nay bao gồm các nhóm nghề kỹ thuật như cơ điện tử, lắp máy, xúc ủi hoặc nghề hàn bậc cao, lập trình viên, kỹ thuật viên máy tính. Tiếp theo là nhóm nghề điện tử, dệt may - da giày, chế biến thực phẩm, mộc - mỹ nghệ, trang trí nội thất. Để đáp ứng nhu cầu này, Nhà nước đang xúc tiến các mối liên kết giữa các trường dạy nghề với doanh nghiệp để cùng hỗ trợ đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất

lượng cao theo yêu cầu. Với những ngành nghề mũi nhọn và công nghệ cao, các bên có thỏa thuận đào tạo theo hình thức hợp đồng học nghề.

Bên cạnh đó, đặc điểm của dạy nghề là phải gắn liền giữa nhu cầu của thị trường lao động với việc làm, cho nên các cơ sở dạy nghề cần khảo sát nhu cầu thị trường việc làm trước khi tuyển sinh. Sau đó, đơn vị ký hợp đồng với doanh nghiệp về việc đào tạo nghề, tức là tìm đầu ra cho người học. Như vậy công tác tuyển sinh sẽ đạt mục tiêu đầu vào của cơ sở dạy nghề đồng thời đáp ứng yêu cầu có việc làm sau khi học xong của người học. Mặt khác, trong đào tạo, các cơ sở dạy nghề cần tổ chức linh hoạt giúp cho người học có cơ hội học tập theo nhu cầu, điều kiện và nhịp độ của mình. Hợp đồng học nghề có thể được người học thực hiện trọn vẹn trong một khóa tập trung vào khoảng thời gian nhất định để lấy văn bằng chứng chỉ, hoặc hợp đồng học nghề có thể diễn ra theo từng giai đoạn, học viên có thể học một phần của nghề để đi làm, khi điều kiện cho phép họ có thể quay lại học tiếp phần nghề khác... nhằm tích lũy đầy đủ tín chỉ và nhận văn bằng. Ngoài ra, người học nghề còn được học liên thông lên trình độ cao hơn, được tạo cơ hội học tập suốt đời trong hệ thống dạy nghề. Như vậy, cần khắc phục những bất hợp lý của quy định pháp luật về hợp đồng học nghề hiện hành, đảm bảo tính thống nhất trong điều chỉnh và thực thi pháp luật để phù hợp với nhu cầu nghề học với thị trường việc làm hiện nay. Yêu cầu này đòi hỏi những quy định pháp luật về hợp đồng học nghề đầy đủ và khả thi hơn. Có như vậy, hợp đồng học nghề mới là sợi dây gắn kết giữa cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp và người học nghề, phát huy tinh thần trách nhiệm của người học trong đào tạo nghề, đồng thời là cơ sở khuyến khích doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia đào tạo, dạy nghề, nhất là đào tạo, dạy nghề trình độ cao và các lĩnh vực, ngành nghề mà trong nước chưa có khả năng đào tạo.

Một phần của tài liệu Hợp đồng học nghề theo Luật dạy nghề ở Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 73 - 74)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(93 trang)