Chấm dứt hợp đồng học nghề thực chất là chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng đã giao kết. Việc chấm dứt hợp đồng học nghề thường dẫn tới chấm dứt tư cách chủ thể của hai bên trong quan hệ hợp đồng. Do đó, quyền lợi và trách nhiệm hai bên cần được giải quyết khi kết thúc hợp đồng. Tuy nhiên, quyền lợi và trách nhiệm các bên được giải quyết như thế nào còn phụ thuộc vào việc chấm dứt hợp đồng học nghề hợp pháp hay trái pháp luật. Theo Luật Dạy nghề năm 2006, chỉ có hai vấn đề được quy định liên quan tới giải quyết hậu quả khi chấm dứt hợp đồng học nghề là trách nhiệm của cơ sở dạy nghề trong việc hoàn trả học phí cho người học nghề và trách nhiệm bồi thường chi phí dạy nghề của người học nghề cho cơ sở dạy nghề trong một số trường hợp nhất định.
Trường hợp cơ sở dạy nghề hoàn trả học phí cho người học nghề được quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 37 Luật Dạy nghề. Theo đó, người học nghề đơn phương chấm dứt hợp đồng học nghề trước thời hạn thì không được trả lại học phí đã nộp. Chỉ trong trường hợp:
Người học nghề đi làm nghĩa vụ quân sự hoặc do ốm đau, tai nạn, thai sản không đủ sức khỏe hoặc gia đình có khó khăn không thể tiếp tục học nghề được thì được trả lại phần học phí đã đóng của thời gian học còn lại.
Cơ sở dạy nghề đơn phương chấm dứt hợp đồng học nghề thì phải báo cho người học nghề biết trước ít nhất ba ngày làm việc và trả lại toàn bộ học phí đã thu, trừ những sự kiện bất khả kháng theo quy định của pháp luật dân sự [38, Điều 37].
Việc giải quyết hậu quả pháp lý của chấm dứt hợp đồng học nghề về nguyên tắc được đặt ra trong mọi trường hợp khi cơ sở dạy nghề hay người học nghề đơn phương chấm dứt hợp đồng. Người học nghề phải bồi thường chi phí đào tạo cho doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp
tuyển người vào học nghề để làm việc cho doanh nghiệp, nếu người học nghề không làm việc theo cam kết thì phải bồi hoàn chi phí dạy nghề. Như vậy, nếu
người học nghề đơn phương chấm dứt hợp đồng học nghề trước thời hạn; người học nghề không làm việc cho doanh nghiệp hoặc làm không đủ thời hạn đã cam kết với doanh nghiệp trong hợp đồng học nghề khi học xong đều phải bồi thường chi phí học nghề cho doanh nghiệp. Bởi vì, doanh nghiệp tuyển chọn người lao động để học nghề không thu học phí của người học. Chi phí dạy nghề gồm các khoản "chi phí cho người dạy, tài liệu học tập, vật liệu
thực hành, chi phí khấu hao nhà xưởng, máy móc thiết bị và chi phí khác mà doanh nghiệp đã chi cho người học" [11]. Xét ở khía cạnh kinh tế, đây là một
khoản đầu tư cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Do vậy, doanh nghiệp có quyền đòi hỏi từ phía người học một thời hạn làm việc nhất định sau khi học xong để khai thác sức lao động - một phần do doanh nghiệp đầu
tư để tìm kiếm lợi nhuận. Người học sẽ phải bồi thường bằng mức chi phí mà doanh nghiệp đã bỏ ra đầu tư hoặc theo thỏa thuận của hai bên. Tuy nhiên, trong các trường hợp người học nghề là phụ nữ có thai phải chấm dứt hợp đồng học nghề theo xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền về việc tiếp tục học nghề hoặc làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi; doanh nghiệp không giao kết hợp đồng lao động với người học nghề sau khi học xong; v chấm dứt vì lý do bất khả kháng; người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hợp pháp thì không phải bồi thường chi phí dạy nghề hay chi phí đào tạo cho doanh nghiệp.