Giá cả phục vụ

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành vận tải biển Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 26 - 27)

Nhu cầu về vận tải hàng hoá ngày càng tăng do trình độ sản xuất của xã hội cũng ngày một phát triển. Do sự cạnh tranh gay gắt nên khách hàng có quyền lựa chọn người vận tải của các quốc gia khác nhau cho mình. Buôn bán quốc tế ngày càng được mở rộng, hàng hoá được vận tải phải qua nhiều nước khác nhau. Giá cả, hay còn gọi là giá cước của sản phẩm dịch vụ vận tải biển là giá trị của sản phẩm vận tải đường biển được biểu hiện cụ thể dưới dạng tiền.

Giá cả sản phẩm dịch vụ vận tải ngoài việc phụ thuộc vào giá thành của sản phẩm, còn phụ thuộc vào quan hệ cung cầu trên thị trường. Thường thì giá cước trên thị trường thuê tàu được xác định dựa vào các yếu tố sau:

Thứ nhất, loại hàng chuyên chở. Yếu tố này thể hiện ở mặt hàng, đặc điểm lý hoá, giá trị hàng hoá. Ngoài ra còn là loại bao bì, khối lượng của lô hàng…

Thứ hai, điều kiện xếp dỡ và chuyên chở, cụ thể là khoảng cách chuyên chở, khả năng chuyên chở hai chiều, số lượng cảng xếp dỡ…

Thứ ba, cách thức kinh doanh tàu: tàu chợ, tàu chuyến; cơ cấu chi phí khai thác tàu.

Các loại giá cước trong lĩnh vực vận tải biển bao gồm:

- Cước tàu chợ: Thường được chia theo nhóm hàng hoặc theo danh mục hàng tính theo khối lượng vận chuyển. Các cước phí vận tải biển bằng tàu chợ được công bố trong biển cước với hai biểu giá cước là loại biểu giá của công hội và ngoài công hội, thường cạnh tranh nhau trong kinh doanh. Trong hai loại biểu giá đó, loại biểu giá của công hội thường cao hơn nhưng lại đóng vai trò quyết định.

- Cước tàu chuyến: Thường tính theo tấn hàng hoặc trả gộp tiền để thuê bao cả chiếc tàu.

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành vận tải biển Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 26 - 27)