VAI TRÒ CỦA NGÀNH VẬN TẢI BIỂN TRONG NỀN KINH TẾ QUỐC DÂN

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành vận tải biển Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 34 - 36)

Việc phát triển vận tải biển và sự phát triển kinh tế của quốc gia nói chung có mối quan hệ biện chứng mật thiết với nhau. Sản xuất, tái sản xuất và các mặt hoạt động khác của xã hội nhất thiết cần phải có vận tải hỗ trợ cho sự di chuyển hàng hoá. Và ngược lại, khi kinh tế sản xuất phát triển thì nó cũng tạo ra những tiền đề đòi hỏi sự phát triển nhanh chóng của ngành vận tải vì rõ ràng vận tải là phương tiện kết nối nền sản xuất của một quốc gia với thế giới bên ngoài.

Các quốc gia tuỳ vào điều kiện riêng mà có thể xây dựng đội tàu vận tải biển thuộc các loại hình sở hữu khác nhau dù có biển hay không có biển. Các quốc gia có thể tiến hành vận chuyển, bốc xếp hàng hoá hay hành khách cho quốc gia mình hay chở thuê cho nước ngoài tùy vào mục tiêu phương hướng của mình, nhằm kinh doanh, thu lợi nhuận, tăng thu ngoại tệ cho đất nước.

Xem xét quá trình ra đời và phát triển của ngành vận tải biển, có thể nói vai trò của vận tải biển trong buôn bán quốc tế thể hiện rõ trong mối quan hệ với ngoại thương. Luôn có mối quan hệ mật thiết trong sự phát triển của hàng hải và ngoại thương do những mối quan hệ và giao lưu kinh tế giữa các nước trên thế giới hiện nay đều chủ yếu thông qua hàng hải. Từ đó có thể rút ra vai trò của vận tải biển quốc tế là:

Trước hết, vận tải biển làm tăng khối lượng hàng hoá trong hoạt động buôn bán quốc tế do tăng khối lượng hàng hóa chuyên chở thông qua việc đưa các phương tiện vận tải hiện có vào sử dụng.

Thứ hai, vận tải biển quốc tế có tác dụng bảo vệ tích cực hoặc làm xấu đi cán cân thanh toán quốc tế. Nhờ có sự phát triển của dịch vụ vận tải biển mà

nguồn thu ngoại tệ từ vận tải thuê tăng lên và tiết kiệm được chi ngoại tệ thông qua việc hạn chế nhập khẩu vận tải. Thực tế cho thấy, ở nhiều nước như Italia, Đan Mạch, Na Uy…, thu nhập của đội tàu buôn đã bù đắp phần lớn sự thiếu hụt trong cán cân mậu dịch của các nước này. Còn ở các nước đội tàu buôn không đủ đáp ứng nhu cầu vận tải thì hàng năm phải bỏ ra những khoản ngoại tệ lớn để thuê tàu của nước ngoài, vừa ảnh hưởng đến khả năng xuất khẩu vừa làm thâm hụt cán cân thanh toán.

Thứ ba, vận tải biển đã góp phần làm thay đổi cơ cấu hàng hoá và cơ cấu thị trường buôn bán trên thế giới.

Thứ tư, vận tải biển là một công cụ quan trọng trong thương mại quốc tế. Nó có tác dụng thúc đẩy buôn bán giữa các nước phát triển về mọi mặt đồng thời còn tạo tiền đề cho vận tải quốc tế phát triển không ngừng.

Vai trò của vận tải biển trong lĩnh vực ngoại thương của các nước khác nhau khá lớn, điều này tuỳ thuộc vào vị trí địa lý, khối lượng hàng hoá chuyên chở, cơ cấu mặt hàng, chính sách ngoại thương của các quốc gia… Với những nước không có biển thì dịch vụ này là khá hạn chế trong khi với một số nước như Singapore, Nhật Bản, Anh… thì gần 100% khối lượng hàng hoá xuất nhập khẩu đều được chuyên chở bằng đường biển.

Theo các số liệu thống kê những năm gần đây của các tổ chức vận tải quốc tế, vận tải biển đang đứng đầu trong việc phục vụ hoạt động lưu chuyển hàng hoá trên thế giới và trong tương lai vị thế này sẽ còn được tiếp tục duy trì.

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành vận tải biển Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 34 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)