Về địa điểm đăng ký kinh doanh

Một phần của tài liệu Đăng ký kinh doanh theo luật doanh nghiệp Việt Nam - thực trạng và một vài kiến nghị (Trang 49 - 52)

6. Nhận kết quả cấp giấy chứng nhận ĐKKD khi đến hạn.

2.3.1. Về địa điểm đăng ký kinh doanh

Địa điểm ĐKKD là một điều kiện bắt buộc theo quy định của LDN khi doanh nghiệp tiến hành ĐKKD. Địa điểm ĐKKD chính là địa điểm nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính (khoản 1 Điều 35 LDN năm 2005). Doanh nghiệp khi ĐKKD cũng như khi thay đổi địa chỉ ĐKKD phải thông báo cho Phòng ĐKKD địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp về địa chỉ, số nhà, tên phố, ngõ phố hoặc tên xã phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã thành phố thuộc tỉnh; tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Điều này có nghĩa rằng doanh nghiệp không phải cung cấp thêm bất cứ thông tin gì khác ngoài địa chỉ nơi mình đặt trụ sở chính. Tuy nhiên, thực tế ĐKKD trong thời gian qua ghi nhận một số trường hợp cá biệt cán bộ ĐKKD yêu cầu doanh nghiệp cung cấp hợp đồng thuê nhà, mượn nhà hoặc giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà hoặc quyền sử dụng đất. Nhận thức sai lệch này của cán bộ ĐKKD là trái với tinh thần quy định của LDN. Điều này cũng hay xảy ra đối với các cán bộ làm thủ tục khắc dấu, đăng ký mã số thuế và mua hoá đơn.

Có thể tìm thấy trong thực tiễn rất nhiều ví dụ về cách áp dụng quy định của pháp luật về ĐKKD trái với tinh thần của luật. Rất nhiều trường hợp không rõ vì nhận thức yếu kém hay do những mong muốn chủ quan của cán bộ ĐKKD mà việc áp dụng các quy định về ĐKKD lại khó khăn và phức tạp hơn rất nhiều so với nội dung thực tế của các quy định này. Chúng ta có thể cảm nhận rõ thực tế này thông qua ví dụ dưới đây:

Bảng 2.8. Đăng ký kinh doanh kiểu hành doanh nghiệp

Anh Võ Huỳnh Quang, ngụ tại quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh cho biết, anh đứng tên giám đốc, nộp đơn xin thành lập công ty tại Phòng ĐKKD Sở Kế hoạch và đầu tư thành phố. Trụ sở công ty theo quyết định của Hội đồng quản trị đặt tại phường 25, quận Bình Thạnh, là nhà thuộc sở hữu của anh ruột anh nhưng chưa được hợp thức hoá.

“Cán bộ phòng ĐKKD yêu cầu tôi phải nộp hợp đồng thuê nhà có chứng thực thì mới cấp phép thành lập. Trong khi nhà anh tôi chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà, Uỷ ban nhân dân phường không chịu chứng thực hợp đồng”, anh Quang kể.

Sau nhiều lần lên xuống phường, qua phòng ĐKKD mà không đạt kết quả, anh Quang phải nhờ một công ty chuyên tư vấn thực hiện dịch vụ ĐKKD mới lách được bằng cách xin cấp số nhà cho trụ sở và đưa tên người anh vào danh sách uỷ viên hội đồng quản trị.

“Tôi chỉ cần làm lại danh sách hội đồng quản trị, kèm giấy cho mượn nhà làm trụ sở của công ty của uỷ viên và quyết định cấp số nhà, bổ sung vào hồ sơ thành lập công ty là xong” anh Quang thở phào nhẹ nhõm. Thế nhưng, anh đã mất gần 3 tháng mới hoàn tất các thủ tục hồ sơ, sau khi tốn thêm chi phí cấp số nhà và thuê công ty tư vấn [26].

(Hồng Anh, Báo điện tử www.vnexpress.net)

Như vậy, mặc dù luật không quy định nhưng các cán bộ ĐKKD vẫn yêu cầu người ĐKKD phải thực hiện thêm những thủ tục và tốn thêm những chi phí không đáng có. Nhưng cho dù pháp luật có quy định chặt chẽ hơn hay các cán bộ ĐKKD có đưa ra thêm những yêu cầu về địa điểm ĐKKD cũng vẫn không làm giảm được các vi phạm pháp luật về địa điểm kinh doanh sau khi doanh nghiệp đã ĐKKD.

Sau hơn sáu năm thi hành LDN năm 1999 đã xuất hiện nhiều các doanh nghiệp không còn tồn tại tại nơi đăng ký, con số cụ thể thống kê được đến hết tháng 7 năm 2003 là khoảng 1650 doanh nghiệp chiếm khoảng 2,3% tổng số doanh nghiệp đã đăng ký. Nhiều ý kiến cho rằng luật quy định về địa điểm ĐKKD như vậy là quá thoáng tạo điều kiện cho các “công ty ma” hoạt động và yêu cầu cần phải có quy định chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, thực tế ngay cả khi đặt ra yêu cầu chặt chẽ hơn về địa điểm ĐKKD, số lượng doanh nghiệp không tồn tại ở nơi ĐKKD vẫn tồn tại. Mặt khác số lượng doanh nghiệp không hoạt động tại nơi ĐKKD là do nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do giải thể mà không báo cáo, mất cơ hội kinh doanh, dự tính sai cơ hội kinh doanh, chỉ có một số ít doanh nghiệp thành lập để mua bán hoá đơn. Nếu so con số 2,3% này với tỷ lệ 10% số doanh nghiệp ở Mỹ và 20-30% số doanh nghiệp tại các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD giải thể sau một thời gian ĐKKD thì tỷ lệ doanh nghiệp giải thể này ở Việt Nam là có thể chấp nhận được[23, tr 5].

Xét cả về mặt lý thuyết cũng như thực tiễn ĐKKD thì chúng ta không thể mong quy định về địa điểm kinh doanh chặt chẽ để làm giảm những “doanh nghiệp ma” hoặc những doanh nghiệp làm ăn phi pháp. Bởi cho dù chứng minh được địa điểm kinh doanh như yêu cầu, nhưng sau một thời gian kinh doanh chẳng ai có thể khẳng định doanh nghiệp có vi phạm pháp luật hay không. Theo chúng tôi, nguyên nhân này xuất phát từ cơ chế hậu kiểm kém hiệu quả và còn nhiều yếu kém nên doanh nghiệp có địa chỉ kinh doanh không rõ ràng hoặc có thay đổi địa chỉ nhưng không khai báo dẫn đến các cơ quan ĐKKD không biết hiện doanh nghiệp đó có còn tồn tại hay không.

Một phần của tài liệu Đăng ký kinh doanh theo luật doanh nghiệp Việt Nam - thực trạng và một vài kiến nghị (Trang 49 - 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)