Về giấy phép và điều kiện kinh doanh

Một phần của tài liệu Đăng ký kinh doanh theo luật doanh nghiệp Việt Nam - thực trạng và một vài kiến nghị (Trang 68)

6. Nhận kết quả cấp giấy chứng nhận ĐKKD khi đến hạn.

2.3.6. Về giấy phép và điều kiện kinh doanh

Điều kiện kinh doanh được hiểu là những yêu cầu mà doanh nghiệp phải có hoặc phải thực hiện khi kinh doanh những ngành, nghề cụ thể được thể hiện bằng giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, yêu cầu về vốn pháp định hoặc các yêu cầu khác (khoản 2 Điều 7 LDN năm 2005). Theo cách hiểu này thì giấy phép kinh doanh cũng chỉ là một hình thức biểu hiện của điều kiện kinh doanh và chỉ khác với điều kiện kinh doanh ở việc nó được thực hiện bằng cơ chế cấp phép thể hiện qua việc cấp cho chủ thể xin phép một loại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh một ngành, nghề nào đó. Điều kiện kinh doanh nói chung là những yêu cầu mà doanh nghiệp phải đáp ứng có thể là điều kiện phải được cấp phép hoặc có thể chỉ là điều kiện kinh doanh phải tuân thủ trong quá trình kinh doanh.

Trong thực tế thi hành LDN biểu hiện của điều kiện kinh doanh khá đa dạng và cũng là một trong những vấn đề gây nhiều bức xúc nhất cho các chủ thể khi ĐKKD. Hiện cả nước theo số liệu thống kê được gần 300 loại giấy phép kinh doanh ở tất cả các ngành nghề. Trong mấy năm gần đây số lượng

các loại giấy phép này không những không giảm mà đang có chiều hướng tăng lên cả về số lượng và tính phức tạp; chúng thể hiện ở các mặt sau:

Thứ nhất, các doanh nhân rất khó khăn trong việc tìm kiếm những văn bản pháp luật chuyên ngành quy định những hoạt động kinh doanh phải có giấy phép kinh doanh. Ngay cả các cơ quan Nhà nước cũng chưa thể thống kê hết được có bao nhiêu ngành, nghề kinh doanh cần phải có giấy phép. Trong khi đó, những giấy phép mới được ban hành càng ngày càng nhiều hơn trước và khó tiên liệu hơn trước. Cơ quan ĐKKD có nghĩa vụ hướng dẫn cho người dân nhưng chính họ cũng không biết hiện có những loại giấy phép nào đang có hiệu lực đối với ngành, nghề nào, thủ tục và điều kiện cấp phép ra sao?

Thứ hai, các giấy phép xin mất nhiều thời gian, công sức và chi phí nhưng lại có giá trị rất ngắn.

Thứ ba, giấy phép thường trùng lặp hoặc không cần thiết và trái luật chưa được ngăn chặn hiệu quả và cũng chưa được bãi bỏ kịp thời.

Thứ tư, chưa thiết lập được nguyên tắc kiểm soát việc ban hành giấy phép mới và chưa thường xuyên đánh giá hiệu lực cũng như tính hữu ích của giấy phép và các điều kiện kinh doanh hiện hành khác.

Thứ năm, việc chuyển giấy phép sang điều kiện kinh doanh cũng không

có nhiều ý nghĩa vì cuối cùng họ cũng phải đáp ứng nhiều yêu cầu và tiêu chuẩn trước khi đi vào hoạt động.

Thứ sáu, mục tiêu cấp phép đôi lúc không rõ ràng, tiêu chí để cơ quan hành chính cấp phép hoặc từ chối cấp phép đôi khi chưa rõ ràng.

Thứ bẩy, quy trình cấp phép và giám sát điều kiện kinh doanh chưa có sự tham gia của những người liên quan, chưa tham vấn và giải thích rõ các quyền của người làm đơn xin cấp phép, nếu từ chối cấp phép thường cũng không nêu nguyên nhân và giải thích quyền khiếu nại cho đương sự [39, tr 12,13].

Có thể đánh giá rằng nạn giấy phép và điều kiện kinh doanh đang là vấn đề lớn nhất và khó giải quyết nhất trong nội dung của pháp luật về ĐKKD. Điều này không chỉ xuất phát từ phạm vi ảnh hưởng rộng của giấy phép ở tất cả các ngành, lĩnh vực, mà việc duy trì và phát triển chúng còn là một nguồn lợi lớn của các bộ, ngành. Chính vì gắn với lợi ích của các bộ, ngành mà càng ngày số lượng các giấy phép và điều kiện kinh doanh không hề giảm mà còn đang khó loại bỏ vì tính cần thiết của chúng đã được chính các quy định của pháp luật đã được các đại biểu Quốc hội thừa nhận và thông qua. (Chẳng hạn như các quy định của Luật thương mại năm 2004, Luật du lịch năm 2005 đã “vô tình” quy định cho các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thẩm quyền xét duyệt và cấp một số loại giấy phép).

Bên cạnh đó, các quy chế hành chính, thủ tục hành chính về điều kiện kinh doanh cũng xuất hiện ngày càng nhiều trong các quy định của pháp luật. Đặc điểm của các quy chế và thủ tục này là khó có thể định tính một cách rõ ràng và tính khó khăn và phức tạp của chúng khi được thực hiện trên thực tế. Hiện nay, chúng ta mới chỉ thống kê được các giấy phép kinh doanh dưới hình thức là sự chấp thuận của các cơ quan nhà nước mà chúng ta chưa thống kê được những quy chế hành chính điều chỉnh các hoạt động kinh doanh có điều kiện khác. Thực tế này đã và đang tiếp tục là những dào cản khó khăn đối với các doanh nghiệp khi kinh doanh trong những ngành nghề và lĩnh vực này.

Một phần của tài liệu Đăng ký kinh doanh theo luật doanh nghiệp Việt Nam - thực trạng và một vài kiến nghị (Trang 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)