Mục đích của pháp luật về đăng ký kinh doanh

Một phần của tài liệu Đăng ký kinh doanh theo luật doanh nghiệp Việt Nam - thực trạng và một vài kiến nghị (Trang 26 - 29)

Pháp luật về ĐKKD ở nhiều quốc gia nhìn chung đều ghi nhận sự điều chỉnh đối với hai đối tượng chính đó là Nhà nước và các chủ thể kinh doanh. Tuy nhiên mục đích của hai đối tượng này khi tiến hành ĐKKD không phải lúc nào cũng đồng nhất. Khi mục đích của hai đối tượng này đồng nhất với nhau thường tạo ra sự thuận lợi cho việc áp dụng, nhưng khi mục đích của các chủ thể đối nghịch nhau lại thường làm giảm hiệu quả của các quy phạm pháp luật điều chỉnh nó.

Mục đích của Nhà nước

Đối với Nhà nước, ĐKKD là cơ sở để Nhà nước thu thập những thông tin về các doanh nghiệp đăng ký để từ đó thực hiện trách nhiệm quản lý, kiểm tra, giám sát doanh nghiệp. Thông qua hoạt động này Nhà nước sẽ cho phép hay không cho phép những cá nhân, tổ chức được tiến hành kinh doanh trong một lĩnh vực nhất định, loại bỏ khỏi thị trường những doanh nghiệp không đủ điều kiện kinh doanh từ đó bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, lợi ích chung của toàn xã hội và của các chủ thể kinh doanh khác. Doanh nghiệp kinh doanh luôn hướng đến mục đích thu được lợi nhuận, khi Nhà nước cho phép doanh nghiệp kinh doanh sẽ là lúc phát sinh nghĩa vụ đóng thuế đối với doanh nghiệp, càng nhiều doanh nghiệp hoạt động và hoạt động hiệu quả số thuế Nhà nước thu được càng nhiều. Quyền thu thuế đối với doanh nghiệp thuộc về Nhà nước nhưng Nhà nước cũng có nghĩa vụ thực hiện các công việc hỗ trợ và phục vụ tốt nhu cầu gia nhập thị trường cũng như nhu cầu hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, Nhà nước sẽ phân chia trách nhiệm quản lý, hỗ trợ và phục vụ các nhu cầu của doanh nghiệp cho các cấp chính quyền và các cơ quan chuyên trách của mình.

Mặt khác, thông qua việc ĐKKD Nhà nước sẽ phải xây dựng và điều chỉnh cơ cấu ngành nghề, cơ cấu đầu tư - kinh doanh sao cho phù hợp với định hướng phát triển kinh tế, xã hội bền vững của đất nước. Bên cạnh việc khuyến khích phát triển kinh doanh, ĐKKD còn có mục đích tạo việc làm, thu nhập cho người lao động đồng thời kết hợp việc phát triển kinh tế với việc bảo vệ môi trường.

Mục đích của doanh nhân, doanh nghiệp

Đối với Doanh nghiệp, ĐKKD là cơ sở để doanh nghiệp chính thức hóa hoạt động kinh doanh của mình. Thay vì kinh doanh không đăng ký để trốn

thuế, doanh nghiệp có ĐKKD sẽ chính thức hoá hoạt động của mình trước hết là đối với Nhà nước, sau đó là với người tiêu dùng trong xã hội và với những đối tác. ĐKKD cũng là cơ sở để doanh nghiệp hình thành nên mối quan hệ mang tính pháp lý với các cơ quan nhà nước điều này cũng đồng nghĩa với việc sẽ giảm được các gánh nặng hành chính cho các doanh nghiệp [29, tr 6]. Từ khi ĐKKD doanh nghiệp sẽ được tham gia vào các quan hệ kinh doanh và thị trường do pháp luật điều chỉnh. Thông qua việc ĐKKD doanh nghiệp sẽ có nhiều quyền hơn một chủ thể chưa có ĐKKD chẳng hạn như quyền thuê trên 10 lao động, quyền mua hoá đơn hoặc tiến hành các hoạt động xuất nhập khẩu. Việc ĐKKD của doanh nghiệp còn là công cụ để doanh nghiệp có thể hạn chế được những rủi do pháp lý có thể gặp phải, đồng thời cũng khuyến khích đề cao khả năng tự bảo vệ của cộng đồng và của những doanh nghiệp khác.

Về mặt lợi ích kinh tế, khi doanh nghiệp có ĐKKD thì cơ hội và yêu cầu luôn thúc đẩy doanh nghiệp hoạt động hiệu quả cao hơn, với quy mô lớn hơn để có cơ hội thu được lợi nhuận cao hơn. ĐKKD tạo cho doanh nghiệp được hoạt động trong môi trường chính thức từ đó sẽ giúp doanh nghiệp giảm các chi phí gián tiếp của hoạt động phi chính thức do không ĐKKD mang lại [21,tr42]. Thông qua việc có quy chế pháp lý của một chủ thể kinh doanh, doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc vay vốn của các tổ chức tín dụng hoặc phát hành cổ phiếu để tăng lượng vốn đầu tư. Mặt khác ĐKKD cũng giúp doanh nghiệp tiếp cận với thị trường nước ngoài tốt hơn, cơ hội liên doanh, hợp tác nhiều hơn. Doanh nghiệp có thể mở rộng hoạt động ra nước ngoài, mở chi nhánh, văn phòng đại diện ở trong nước và nước ngoài.

Một phần của tài liệu Đăng ký kinh doanh theo luật doanh nghiệp Việt Nam - thực trạng và một vài kiến nghị (Trang 26 - 29)