Kiến nghị về Cơ quan đăng ký kinh doanh

Một phần của tài liệu Đăng ký kinh doanh theo luật doanh nghiệp Việt Nam - thực trạng và một vài kiến nghị (Trang 85)

83 Doanh nghiệp có tên là “Bình Minh”

3.2. Kiến nghị về Cơ quan đăng ký kinh doanh

Cơ quan ĐKKD có một vị trí rất quan trọng trong việc đảm bảo quyền tự do kinh doanh của người dân và triển khai thực thi LDN. Để LDN thực sự đi

vào cuộc sống, đảm bảo được quyền tự do kinh doanh của người dân, cơ cấu tổ chức, năng lực, chức năng của hệ thống cơ quan ĐKKD phải ngày càng được hoàn thiện.

Trước hết, hệ thống cơ quan ĐKKD phải được kiện toàn thống nhất trong cả nước về mặt cơ cấu tổ chức. Đặc biệt là hệ thống các cơ quan ĐKKD cấp huyện và cơ quan ĐKKD ở cấp trung ương. Tránh tình trạng quá tải cho các Phòng ĐKKD cấp tỉnh, cơ quan ĐKKD cấp huyện cần được nhanh chóng thành lập ở những nơi đủ điều kiện thành lập. Những quận, huyện chưa đủ điều kiện thành lập cơ quan ĐKKD thì cần chuyển trách nhiệm ĐKKD ở những nơi này cho một cơ quan thống nhất thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện. Nhưng tiến tới cần hệ thống hoá và chuyên nghiệp hoá hệ thống cơ quan ĐKKD các cấp. Cần có sự phân tách rõ về nguồn lực, tổ chức của các cơ quan ĐKKD với các Sở Kế hoạch và Đầu tư và các Uỷ ban nhân dân cấp huyện. Sao cho các cơ quan ĐKKD các cấp phải có nhân lực và vật lực đủ để có thể phục vụ cho nhu cầu ĐKKD trong nhân dân.

Tiếp đó, là kiện toàn lại chức năng, nhiệm vụ của hệ thống cơ quan ĐKKD các cấp, trong đó đặc biệt chú ý tới việc phân tách thẩm quyền của cơ quan ĐKKD cấp huyện và cấp tỉnh. Cơ quan ĐKKD cấp huyện bên cạnh chức năng ĐKKD cho các hộ kinh doanh và các hợp tác xã nên được giao trách nhiệm lớn hơn trong việc giám sát hoạt động của tất cả các chủ thể kinh doanh hiện đang hoạt động trong phạm vi quận, huyện mình. Qua đó cũng cần tiến tới thống nhất hệ thống quy phạm điều chỉnh hoạt động ĐKKD hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã với hệ thống các quy phạm điều chỉnh hoạt động ĐKKD của doanh nghiệp và hộ kinh doanh nhằm tạo sự thống nhất và đơn giản hơn trong quá trình thực hiện. Để hoạt động ĐKKD được tiến hành thống nhất và đảm bảo công tác ĐKKD được tiến hành hiệu quả thì việc lựa

chọn cơ quan ĐKKD để thành lập hợp tác xã cần nhanh chóng phải được quy định lại cụ thể.

Trong thời gian tới, cần tăng cường hơn nữa khả năng và đề cao hơn nữa công tác hậu kiểm doanh nghiệp. Vì cùng với xu thế tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp, các cơ quan ĐKKD, cơ quan thuế và các cơ quan hữu quan phải tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động của doanh nghiệp sau đăng ký. Có như vậy mới đảm bảo duy trì được môi trường kinh doanh vừa thông thoáng vừa an toàn.

Cần có cơ chế để các cán bộ ĐKKD có thể nắm bắt được hệ thống các ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh các ngành nghề đó nhằm hướng dẫn cho tổ chức, cá nhân có yêu cầu ĐKKD. Phải khẳng định rằng việc hướng dẫn các tổ chức, cá nhân về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh các ngành nghề đó là trách nhiệm của các cán bộ ĐKKD. Do đó, cán bộ ĐKKD cùng với các cơ quan hữu quan cần sớm hệ thống hoá toàn bộ các ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh các ngành nghề đó để có cơ sở phục vụ tốt hơn công tác ĐKKD. Đồng thời thường xuyên rà soát và hệ thống hoá các điều kiện kinh doanh và văn bản quy phạm pháp luật về ĐKKD đã hết hiệu lực và mới được ban hành.

Từ thực trạng quản lý tên doanh nghiệp và ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh các ngành nghề đã đặt ra yêu cầu cấp bách trong việc nâng cao tính chuyên nghiệp và hiện đại tại các cơ quan ĐKKD. Bên cạnh việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ ĐKKD cần thiết lập một hệ thống thông tin thống nhất trong cả nước về các nội dung liên quan đến ĐKKD.

Nâng cao hơn nữa hệ thống thông tin, cơ sở vật chất lưu giữ thông tin và cập nhật thường xuyên những thông tin thay đổi về ĐKKD. Điều cần thiết là phải thành lập được một trung tâm toàn quốc để tập hợp được thông tin của

tất cả các doanh nghiệp đã ĐKKD. Các cơ quan ĐKKD cấp tỉnh và cấp huyện có thể rễ ràng cập nhật thông tin và tra cứu những thông tin về các doanh nghiệp đã đăng ký nhằm phục vụ tốt hơn công tác ĐKKD. Hoàn thiện hệ thống thông tin ĐKKD theo hướng thống nhất, tập trung, hỗ trợ có hiệu quả cho doanh nghiệp trong việc bảo vệ tên của doanh nghiệp, cung cấp thông tin gia nhập thị trường và rút lui khỏi thị trường trên một công báo doanh nghiệp duy nhất. Việc ban hành công báo về doanh nghiệp sẽ vừa giúp chính thức hoá hoạt động của doanh nghiệp đồng thời giúp công khai hoá các doanh nghiệp không còn hoạt động trên thị trường.

Nghị định số 88/2006/NĐ-CP đã đưa ra nội dung chuẩn bị phát hành tờ Thông tin doanh nghiệp (điểm đ khoản 1 Điều 9 của Nghị định số 88) để thực hiện đăng bố cáo thành lập, thay đổi nội dung ĐKKD, thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, giải thể, phá sản và các trường hợp vi phạm của các doanh nghiệp trên toàn quốc. Đây chắc chắn là một ý tưởng cần phải được nhanh chóng triển khai trên thực tế. Tuy nhiên, điều mà doanh nghiệp quan tâm đó là chi phí và thủ tục cho việc công khai này hiện tại vẫn chưa được công bố. Việc công bố thông tin trên một tờ Thông tin về doanh nghiệp thống nhất sẽ là việc nên làm nhưng nếu chi phí cho việc này quá cao, hoặc thủ tục tiến hành việc này quá phiền hà và mất nhiều thời gian thì giá trị của việc làm này là không lớn.

Theo chúng tôi, song song với việc ấn hành tờ Thông tin doanh nghiệp vẫn nên xây dựng một hệ thống thông tin trên mạng Internet thường xuyên cập nhật hàng tháng những thay đổi trong nội dung ĐKKD của doanh nghiệp cũng như việc đăng ký thành lập doanh nghiệp mới. Việc làm này sẽ có hiệu quả và tốn ít chi phí thực hiện cho cả các cơ quan Nhà nước muốn cập nhật thông tin cũng như các doanh nghiệp muốn tiếp cận thông tin.

Hiện tại, các quy định hiện hành cũng chưa có quy định cụ thể về quy chế cung cấp thông tin của doanh nghiệp tại cơ quan ĐKKD. Cơ quan ĐKKD sẽ có tránh nhiệm cung cấp cho doanh nghiệp những thông tin gì, nội dung như thế nào? Đối tượng nào thì được cung cấp thông tin nào, trình tự, thủ tục và hình thức cung cấp ra sao? Do đó, các cơ quan ĐKKD rất lúng túng trong những trường hợp này. Đây thực sự là một hạn chế lớn cần phải được khắc phục trong thời gian tới khi ban hành các quy định hướng dẫn về ĐKKD. Việc này nếu tiếp tục kéo dài sẽ gây khó khăn cho việc ĐKKD, hạn chế sự minh bạch, công khai và rủi ro cho thị trường.

Một phần của tài liệu Đăng ký kinh doanh theo luật doanh nghiệp Việt Nam - thực trạng và một vài kiến nghị (Trang 85)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)