6. Nhận kết quả cấp giấy chứng nhận ĐKKD khi đến hạn.
2.3.5. Về trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh
Thủ tục hành chính về ĐKKD tuy được đánh giá là đã được cải thiện rất nhiều, nhưng những vướng mắc mà những doanh nghiệp gặp phải khi tiến hành ĐKKD thực sự vẫn là một rào cản cho việc thực hiện các ý tưởng kinh doanh của họ. Việc phải đi lại nhiều lần do không được hướng dẫn rõ ràng, đầy đủ về thủ tục đôi lúc làm nản lòng các nhà đầu tư. Thay vì thông báo bằng văn bản cho người nộp đơn về những sai sót trong đơn ĐKKD như quy định, nhiều nơi thường chỉ xem qua đơn và yêu cầu doanh nghiệp đem về sửa
một hai lỗi nhỏ, điều này diễn ra nhiều lần đã tạo cho họ sự mệt mỏi [24, tr 10]. Thực tế những quy định của pháp luật hiện hành cũng đã chưa quy định cụ thể, chi tiết việc cán bộ kinh doanh phải hướng dẫn như thế nào cho doanh nghiệp đăng ký. Do đó, cán bộ ĐKKD vẫn hướng dẫn nhưng không hướng dẫn đầy đủ cũng không phải là vi phạm các quy định của pháp luật. Tôi cho rằng vấn đề không nằm ở việc các quy định của pháp luật không quy định, mà vấn đề chính ở đây đó là thái độ của các cán bộ ĐKKD đối với doanh nghiệp. Chẳng hạn như việc doanh nghiệp phải sửa đổi giấy chứng nhận ĐKKD do sự không thống nhất giữa ngôn từ chỉ cách hiểu các loại dây chuyền sản xuất và ngành nghề sử dụng trong quá trình kinh doanh diễn ra khá phổ biến. Tất cả những trường hợp nêu trên đây sẽ được giải quyết một cách nhanh chóng nếu các cán bộ ĐKKD có tinh thần hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
Trong những trường hợp pháp luật có quy định rõ ràng về thủ tục đã vậy, nhiều trường hợp pháp luật chưa quy định rõ về thủ tục khi tiến hành ĐKKD lại càng tạo nhiều khó khăn hơn cho các doanh nghiệp. Đó là các trường hợp chuyển đổi hình thức hoạt động của các DNNN đang hoạt động theo Luật DNNN sang hoạt động theo mô hình công ty TNHH và công ty cổ phần và việc chuyển đổi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hiện tại đang hoạt động theo Luật đầu tư nước ngoài sang hoạt động theo LDN năm 2005.
Đối với các DNNN việc chuyển đổi các công ty nhà nước sang hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 95/2006/NĐ-CP ngày 08-09-2006 của Chính phủ về chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty TNHH một thành viên. Tuy vậy, theo các quy định trong Nghị định này thì thẩm quyền tiến hành thủ tục ĐKKD đối với các công ty nêu trên chưa được quy định rõ. Mặt khác, các công ty nhà nước không thuộc các đối tượng nêu trong Nghị định sẽ được
chuyển đổi theo hướng nào, thẩm quyền và thủ tục ĐKKD đối với các công ty loại này hiện cũng chưa được quy định cụ thể.
Đối với những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động theo Luật đầu tư nước ngoài, thì việc chuyển đổi tuy không bắt buộc nhưng theo các quy định của LDN năm 2005 cũng như các quy định hướng dẫn luật này lại khiến có doanh nghiệp không còn cách lựa chọn nào tốt hơn là nên đăng ký lại [34, tr 22].
Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hiện đang tồn tại dưới bốn hình thức là: doanh nghiệp liên doanh, công ty cổ phần, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, hợp đồng hợp tác kinh doanh. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã ĐKKD theo các quy định trước đây của pháp luật về doanh nghiệp cũng như về đầu tư nay thực hiện ĐKKD lại hay chuyển đổi loại hình theo quy định của LDN năm 2005 hiện đang phải chịu những hạn chế không công bằng so với các DNNN và doanh nghiệp dân doanh trong nước. Nghị định 101/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thủ tục đăng ký lại và thủ tục chuyển đổi đối với các doanh nghiệp này tương đối hẹp đã hạn chế nhiều quyền lựa chọn của các doanh nghiệp. Điều này thể hiện ở các quy định các doanh nghiệp này phải đăng ký lại theo những loại hình doanh nghiệp đã ấn định mà không có sự lựa chọn nào khác. Rồi sau đó mới được chuyển đổi sang những loại hình doanh nghiệp khác. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đặc biệt đang hoạt động theo các luật khác Luật đầu tư như các công ty bảo hiểm, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài chưa biết mình sẽ đăng ký lại như thế nào [34, tr 22].
Ngoài ra, về tên của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng là một vấn đề cần phải được quy định rõ khi chuyển đổi vì nếu cứ giữ nguyên những tên doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì sẽ có những tên doanh
nghiệp trái với quy định của LDN. Do đó, cần có những quy định cụ thể hướng dẫn về tên của doanh nghiệp cho thống nhất.
Thực tế ĐKKD trong cả nước hơn 6 năm qua cũng ghi nhận những sáng tạo về mặt thủ tục giúp thủ tục ĐKKD được thuận tiện, dễ dàng hơn, thời gian được rút ngắn hơn. Điển hình về sự sáng tạo đó là việc các Phòng ĐKKD đã triển khai việc ĐKKD trên mạng để nhận hồ sơ ĐKKD và thông báo tiến độ cũng như kết quả xử lý hồ sơ ĐKKD qua mạng. Chỉ khi nào việc ĐKKD thành công doanh nghiệp mới phải đến Phòng ĐKKD để lấy kết quả. Một số Phòng ĐKKD khác lại triển khai thủ tục ĐKKD một cửa cũng tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nghiệp chỉ cần nộp hồ sơ ĐKKD một cửa tại Phòng ĐKKD, các thủ tục khác về đăng ký khắc dấu và đăng ký mã số thuế, đăng ký mua hoá đơn sẽ được gửi đến các cơ quan hữu quan để tiến hành mà doanh nghiệp không phải trực tiếp đến nộp. Đến thời hạn, doanh nghiệp sẽ đến Phòng ĐKKD để nhận kết quả. Những quy định như vậy sẽ giúp ích cho các doanh nghiệp, khi không phải mất thời gian và công sức đến các cơ quan hữu quan để hoàn thiện thủ tục hồ sơ. Mặt khác, thực hiện tốt cơ chế này cũng làm giảm những tiêu cực phát sinh trong quá trình ĐKKD. Tuy nhiên, thực tế thực hiện cơ chế một cửa một cách máy móc, không khoa học tại một số tỉnh thành đã đem lại những hệ quả ngược [49, tr 13]. Một thực tế ghi nhân được qua một cuộc khảo sát là: nếu như quy chế một cửa được thực hiện khá tốt ở tỉnh Lào Cai, thì ngược lại, ở Đắk Lắk nhà đầu tư muốn ĐKKD sẽ đến phòng một cửa để nộp hồ sơ, sau đó người nhận hồ sơ sẽ lại chuyển hồ sơ về Phòng ĐKKD để xử lý; sau đó, nếu được cấp giấy chứng nhận ĐKKD nhà đầu tư sẽ đến nhận tại phòng một cửa; quy trình này thực chất đã tạo thêm một cửa nhận hồ sơ nữa trong thủ tục ĐKKD thực chất là trái với quy định của LDN và các quy định hướng dẫn thi hành. Như vậy, thủ tục một cửa nếu không
được thực hiện đúng với bản chất “một cửa, một dấu” sẽ rất dễ trở thành “một cửa – nhiều khoá”.
Có một điều chắc chắn đã được khẳng định cả về lý luận và thực tiễn là thủ tục và luật lệ càng nhiều thì chi phí kinh doanh càng cao [38, tr 53]. Mặt khác, nhiều thủ tục thường mang lại kết quả ngược lại với mục tiêu đặt ra. Trong khi đó những người giầu sẵn sàng bỏ ra thêm những chi phí để có thể tránh được sự phức tạp của thủ tục, đồng thời ngăn cản những người khác ra nhập thị trường.