6. Nhận kết quả cấp giấy chứng nhận ĐKKD khi đến hạn.
2.3.4. Về hồ sơ đăng ký kinh doanh
Bên cạnh vấn đề đặt tên doanh nghiệp, trong thực tiễn ĐKKD các cơ quan ĐKKD thường yêu cầu cung cấp thêm các giấy tờ diễn ra khá phổ biến. Chẳng hạn để tránh việc bị truy cứu trách nhiệm hành chính hoặc trách nhiệm hình sự có thể xảy ra theo quy định tại Điều 29 của Nghị định số 109 và tại Nghị định số 88. Nhiều cán bộ ĐKKD đã yêu cầu người ĐKKD xác nhận thêm lý lịch tư pháp của người thành lập doanh nghiệp hoặc hợp đồng thuê trụ
sở khi ĐKKD. Trong khi đó, theo các quy định hiện hành thì không rõ cơ quan nào có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ này. Thực chất những quy định do các cơ quan này đặt ra là đặt thêm các quy định trái pháp luật.
Cũng có trường hợp trong hồ sơ ĐKKD của chủ thể ĐKKD có bản điều lệ mẫu của công ty dự định thành lập không giống với mẫu bản điều lệ ĐKKD theo mẫu. Chủ thể đó cũng bị từ chối ĐKKD vì bản điều lệ đó chưa hợp lệ. Doanh nghiệp muốn được ĐKKD thông thường phải mua một bản điều lệ mẫu của cơ quan ĐKKD và sau đó về điền những thông tin của doanh nghiệp vào bản điều lệ mẫu đó [49, tr 20]. Trong khi đó quy định về điều lệ của doanh nghiệp cổ phần, cũng như của công ty TNHH được quy định tại Nghị định số 03/2000/NĐ-CP và Nghị định số 125/2004/NĐ-CP đều chỉ quy định doanh nghiệp ĐKKD phải có điều lệ và điều lệ phải có những nội dung quy định, còn về những nội dung khác doanh nghiệp có quyền quy định nhưng không trái với quy định của pháp luật. Vậy phải chăng trong những trường hợp này cơ quan ĐKKD đã can thiệp quá sâu vào quyền tự thoả thuận trong nội bộ của doanh nghiệp. Điều này chỉ có thể được lý giải bởi sự yếu kém của cán bộ ĐKKD hoặc vì động cơ khác mà đã hiểu sai các quy định của pháp luật.