Giá cả sản phẩm xuất khẩu

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh trong xuất khẩu rau quả của Tổng công ty rau quả, nông sản.DOC (Trang 66 - 68)

Giá cả sản phẩm là một trong những yếu tố cạnh tranh cơ bản trong nền kinh tế thị trường. Nhất là khi xâm nhập vào thị trường mới thì giá cả là yếu tố quyết định đến khả năng thu hút khách hàng. Đối với những thị trường quen thuộc thì sự ổn định của giá cả sản phẩm là một yếu tố cạnh tranh hữu ích.

Trong những năm qua, Tổng công ty đã có những biện pháp để hạ giá thành sản phẩm nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh về giá của sản phẩm rau quả xuất khẩu như: xây dựng những nguồn nguyên liệu tập trung để tự cung tự cấp nguồn nguyên liệu tiết kiệm chi phí thu mua, áp dụng những giống mới có năng suất cao, cho ra đời nhiều sản phẩm có khả năng đáp ứng được nhu cầu khách hàng với mức giá phù hợp.

Bảng 2.7 : Giá bán một số sản phẩm của Tổng công ty năm 2005-2007 Đơn vị: USD/tấn

Tên sản phẩm 2005 2006 2007

Dứa hộp các loại 552 569 719

Dứa đông lạnh 841 792 881

Dứa cô đặc 1051 785 917

Dưa chuột dầm giấm 575 535 524

Dưa chuột muối 332 385 398

Cà chua lọ 546 476 472

(Nguồn: Tổng công ty Rau quả Nông sản)

Tuy nhiên qua bảng 2.8 ta thấy giá cả một số sản phẩm rau quả xuất khẩu chủ lực của Tổng công ty không ổn định lắm. Năm 2006 giá cả nhiều sản phẩm giảm, nhưng sang năm 2007 lại tăng lên. Như sản phẩm dứa đông lạnh : năm 2006 là 792 USD/tấn, giảm 5,83% so với 2005, nhưng đến năm 2007 lại tăng lên 881 USD/tấn,

cao hơn cả năm 2005. Bên cạnh đó có những sản phẩm có giá cả giảm tương đối ổn định như cà chua lọ: năm 2006 là 476 USD/tấn, giảm 12,8% so với 2005, sang năm 2007 giá cà chua lọ vẫn tiếp tục giảm còn 471 USD/tấn. Giá cả sản phẩm giảm là một dấu hiệu tốt cho cạnh tranh của Tổng công ty đối với các đối thủ trên thị trường

Bảng 2.8: So sánh giá cả một số sản phẩm rau quả xuất khẩu của Tổng công ty

Tên sản phẩm 2006/2005 2007/2006

+/- % +/- %

Dứa hộp các loại 17 3.08 150 26.36

Dứa đông lạnh -49 5.83 89 11.24

Dứa cô đặc -266 25.3 132 16.82

Dưa chuột dầm giấm -40 6.95 -11 2.06

Dưa chuột muối 53 15.96 13 3.37

Cà chua lọ -70 12.8 -4 0.84

(Nguồn: Tổng công ty Rau quả, nông sản)

Nhìn chung hiện nay, giá cả rau quả xuất khẩu của Việt Nam nói chung và của Tổng công ty nói riêng vẫn ở mức cao hơn so với sản phẩm cùng loại của các nước trên thế giới. Trung Quốc, Inđonexia, Thái Lan...là những đối thủ cạnh tranh trực tiếp, gay gắt nhất của chúng ta, họ có những ưu thế hơn hẳn chúng ta về khả năng tài chính, công nghệ sản xuất và kinh nghiệm gieo trồng nên họ đã cho ra đời những sản phẩm không những có chất lượng tốt mà giá rẻ hơn chúng ta.

Bảng 2.9 : Giá bán một số sản phẩm rau quả của Thái Lan thấp hơn sản phẩm cùng loại của Tổng công ty năm 2007

Tên sản phẩm Thái Lan Tổng công ty

Dứa miếng 7,1 USD/thùng 7.5 USD/thùng

Nước táo 8,4 USD/thùng 8,6 USD/thùng

Nước cam 8,6 USD/thùng 9,2 USD/thùng

Dưa chuột đóng lọ 2,9 USD/thùng 3,1 USD/thùng

Xoài tươi 2100 USD/tấn 2500 USD/tấn

Chi phí sản xuất ảnh hưởng rất lớn đến giá cả sản phẩm. Chi phí sản xuất thấp hơn thì sản phẩm có giá bán thấp hơn, do đó sản phẩm sẽ có sức cạnh tranh tốt hơn so với các sản phẩm cùng loại khác khi phải cạnh tranh về giá.

Có thể kể ra nguyên nhân đầu tiên dẫn tới hầu hết các sản phẩm rau quả xuất khẩu của Tổng công ty đều cao hơn của đối thủ trên thị trường xuất khẩu đó là do năng suất cây trồng còn thấp. Phần lớn rau quả Việt Nam nói chung, rau quả do Tổng công ty sản xuất nói riêng đều có năng suất thấp hơn so với mức chuẩn trung bình của khu vực cũng như thế giới, đặc biệt so sánh với rau quả của một số đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Trung Quốc...Ví dụ, năng suất dứa của Việt Nam là 35-40 tấn/ha, trong khi Thái Lan là 60 tấn/ha; năng suất xoài của Thái Lan đạt 55 tấn/ ha, trong khi đó năng suất xoài của Việt Nam chỉ đạt 45 tấn/ha... điều này làm cho chi phí sản xuất tăng lên dẫn đến giá thành cũng tăng. Mặc dù năng suất lao động không phải là yếu tố quan trọng hàng đầu để đánh giá NLCT, tuy nhiên với một số nước có nguồn đất đai hạn chế và đông dân cư như Việt Nam thì muốn cạnh tranh được chúng ta phải đạt được mức năng suất tương đương với các nước trong khu vực.

Ngoài ra, đối với Tổng công ty chi phí đầu vào cho sản xuất những năm gần đây tăng do giá cả nguyên vật liệu tăng do tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất, chi phí nhiên liệu như than, điện, xăng dầu, bao bì, phân bón đều tăng; chi phí vận chuyển tăng cao từ 15-20%, đặc biệt chi phí nhân công cũng tăng cao. Do đó chi phí đầu vào tăng khiến giá thành sản xuất sản phẩm tăng cao trong khi giá xuất khẩu chế biến hầu như không tăng.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh trong xuất khẩu rau quả của Tổng công ty rau quả, nông sản.DOC (Trang 66 - 68)