Quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước

Một phần của tài liệu Pháp luật về kiểm toán nhà nước Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế (Trang 105 - 111)

- Chuyển biến về nhận thức trong cán bộ, KTV chưa đồng đều, một số vẫn giữ tác phong, nề nếp và phương pháp làm việc cũ, chưa thực sự kiên quyết

3.2.1.Quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước

3.2.1.1. Bảo đảm nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp

Theo quy định tại Điều 2 Hiến pháp năm 1992 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001):

Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân

dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp [35].

Như vậy, ở nước ta quyền lực nhà nước bao gồm ba quyền: quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp; quyền lực nhà nước là tập trung thống nhất không thể phân chia, song có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Với vị thế là cơ quan kiểm tra tài chính nhà nước cao nhất, KTNN phải quán triệt và thực hiện nghiêm chỉnh nguyên tắc quan trọng này trong tổ chức và hoạt động của mình. Dù KTNN Việt Nam thuộc Quốc hội (cơ quan lập pháp) hay Chính phủ (cơ quan hành pháp) hoặc có vị trí độc lập với Quốc hội và Chính phủ cũng đều phải tuân thủ cơ chế: Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ, phục vụ mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh".

3.2.1.2. Hoàn thiện hệ thống pháp luật Kiểm toán nhà nước phải quán triệt và thể chế hoá các quan điểm của Đảng về phát triển Kiểm toán nhà nước

Để xây dựng KTNN trở thành một công cụ mạnh về kiểm tra tài chính nhà nước, Đảng ta đã có nhiều nhiều nghị quyết đề cập chủ trương phát triển KTNN, cụ thể là:

- Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương khoá VIII đã chỉ rõ: "Đề cao vai trò của cơ quan Kiểm toán nhà nước trong việc kiểm toán mọi cơ quan, tổ chức có sử dụng ngân sách nhà nước. Cơ quan Kiểm toán nhà nước báo cáo kết quả kiểm toán cho Quốc hội, Chính phủ và công bố công khai cho dân biết" [10].

- Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Khoá VIII tiếp tục nhấn mạnh: "... tiếp tục đổi mới và lành mạnh hoá hệ thống tài chính - tiền tệ; thực hành triệt để tiết kiệm. Thực hiện chế độ kiểm toán đối với các đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước" [11].

- Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng đã khẳng định: "... thiết lập cơ chế giám sát tài chính - tiền tệ, nhằm đảm bảo an ninh tài chính Quốc gia, kiểm soát các nguồn vốn, các khoản vay nợ, trả nợ, mở rộng hình thức công khai tài chính. Nâng cao hiệu lực pháp lý và chất lượng Kiểm toán nhà nước như một công cụ mạnh của Nhà nước" [12].

- Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở cũng đã chỉ rõ: "Thực hiện quy chế định kỳ Kiểm toán nhà nước, công khai thu, chi ngân sách cho dân biết" [14].

- Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã khẳng định:

Sắp tới, phải thi hành một cách kiên quyết và đồng bộ các biện pháp phòng chống tham nhũng, lãng phí, bao gồm: bổ sung, hoàn thiện các quy định về quản lý kinh tế - tài chính, về thanh tra, kiểm tra; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy gọn nhẹ; bảo đảm công khai, minh bạch các hoạt động kinh tế, tài chính trong các cơ quan, đơn vị… Xử lý kiên quyết, kịp thời, công khai những người tham nhũng bất kể ở chức vụ nào, còn đ- ương chức hay đã nghỉ việc… [15].

3.2.1.3. Hoàn thiện hệ thống pháp luật Kiểm toán nhà nước phải nhằm bảo đảm tính độc lập của cơ quan Kiểm toán nhà nước

Tính độc lập của cơ quan KTNN là tiền đề cơ bản bảo đảm cho công tác kiểm tra tài chính công có hiệu lực và hiệu quả. Kết quả kiểm tra tài chính đối với tất cả các cơ quan, đơn vị các tổ chức... nói chung, nhất là các cơ quan đơn vị có sử dụng NSNN nói riêng đều chịu sự tác động về mặt chính trị... Vì vậy, tính độc lập đầy đủ của cơ quan KTNN, cũng như KTV phải được bảo đảm về mặt pháp lý. Đây là yếu tố quan trọng, trực tiếp tác động đến chất lượng kiểm toán, bởi vì trong hoạt động kiểm toán mọi ý kiến đánh giá, nhận xét và kết luận của KTV đều dựa vào bằng chứng kiểm toán và tuân thủ pháp luật, không chịu sự tác động của bất kỳ sức ép nào, nhất là sức ép về chính trị. Do vậy, tăng cường pháp chế XHCN trong hoạt động KTNN phải nhằm bảo

đảm tính độc lập của cơ quan KTNN. Để bảo đảm tính độc lập cho hoạt động kiểm toán thì cơ quan KTNN cũng như KTV nhà nước phải được độc lập trên một số nội dung cơ bản là:

- Địa vị pháp lý, địa vị pháp lý của một đơn vị là những quy định của pháp luật về vị trí của đơn vị trong bộ máy quyền lực nhà nước; cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phạm vi hoạt động... Địa vị pháp lý của KTNN ở hầu hết các nước trên thế giới đều được quy định trong Luật cơ bản (Hiến pháp) và được cụ thể hoá trong Luật KTNN. Ở nước ta KTNN được thành lập sau khi Quốc hội thông qua Hiến pháp năm 1992, do vậy, Hiến pháp chưa có quy định về địa vị pháp lý của KTNN. Hiện nay, mặc dù Hiến pháp năm 1992 đã được Quốc hội khoá X sửa đổi, bổ sung (năm 2001), nhưng địa vị pháp lý của KTNN vẫn chưa được quy định, lý do là việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 chỉ tập trung vào những nội dung đã rõ và đã có sự thống nhất cao. Do vậy, nếu chờ sửa đổi Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội để xác định địa vị pháp lý của KTNN là cơ quan kiểm tra tài chính nhà nước cao nhất sẽ không đáp ứng kịp thời yêu cầu của công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế thi trường, hội nhập quốc tế và quá trình đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Để khắc phục tồn tại nêu trên; đồng thời xác định điạ vị pháp lý của KTNN đúng với bản chất của KTNN và phù hợp với thông lệ quốc tế, cần phải bổ sung vào Hiến pháp - đạo luật "gốc" của Nhà nước những quy định cơ bản làm nền tảng cho tổ chức và hoạt động của KTNN.

- Ngân sách, độc lập về nguồn lực tài chính để hoạt động là tiền đề cơ bản bảo đảm tính tự chủ trong công việc. Nếu bị hạn chế về mặt tài chính đối với cơ quan KTNN sẽ dẫn đến sự hạn chế trong hoạt động của nó, phạm vi kiểm toán có thể bị thu hẹp, hoặc phải nhờ đến sự giúp đỡ của đơn vị được kiểm toán, ảnh hưởng trực tiếp đến tính khách quan, vô tư của hoạt động kiểm toán. Trên thế giới, ở hầu hết các nước đều quy định việc cấp phát ngân sách cho cơ quan KTNN được thể chế hoá trong Luật KTNN, do Quốc hội quyết định theo đề nghị của KTNN dựa trên khối lượng hoạt động (công việc) hàng năm.

Đối với KTNN Việt Nam, một tổ chức mới được thành lập, không có tổ chức tiền thân trong tổ chức bộ máy nhà nước, hoạt động mang tính chuyên môn nghề nghiệp cao và bảo đảm nguyên tắc độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Do vậy, Nhà nước cần đảm bảo đầy đủ và có chính sách ưu tiên thích đáng các nguồn lực cần thiết cho tổ chức bộ máy và hoạt động của KTNN để đảm bảo tính độc lập, khách quan, chỉ tuân theo pháp luật trong hoạt động kiểm toán, đặc biệt là có chính sách đầu tư phát triển công nghệ thông tin và các phương tiện khác để đảm bảo cho tổ chức và hoạt động của KTNN, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Đây là điều kiện, là tiền đề để đảm bảo tính độc lập của cơ quan KTNN trong việc thực hiện đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ được giao.

- Nhân sự, cơ chế bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo của cơ quan KTNN, đặc biệt là Tổng KTNN có tác động quan trọng đến những quyết định do họ đưa ra, bởi vì Tổng KTNN là người đứng đầu KTNN và phải chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của KTNN; do đó tính độc lập chỉ được thực hiện khi có quy chế bổ nhiệm, miễn nhiệm được qui định cụ thể bằng pháp luật. Ở hầu hết các nước trên thế giới dù KTNN được đặt ở Quốc hội, ở Chính phủ hay đứng độc lập, để đảm bảo tính độc lập của KTNN, Tổng KTNN (Chủ tịch KTNN) đều do Quốc hội bầu và bãi miễn với nhiệm kỳ dài hơn nhiệm kỳ của Quốc hội. Tính độc lập về nhân sự của KTNN còn thể hiện ở quyền của KTNN trong việc quyết định số biên chế, tuyển dụng, sa thải, bổ nhiệm, thuyên chuyển cán bộ trong bộ máy cơ quan KTNN.

3.2.1.4. Hoàn thiện hệ thống pháp luật Kiểm toán nhà nước phải nhằm xây dựng Kiểm toán nhà nước thực sự trở thành công cụ quan trọng và đủ mạnh của Nhà nước thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt việc quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước

Theo quy định tại Điều 3 Luật KTNN, hoạt động KTNN phục vụ việc kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật; nâng cao

hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước. Đây là một đòi hỏi có tính tất yếu và khách quan khi Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam sử dụng một cách rộng rãi và có hiệu lực các công cụ quản lý và kiểm soát vĩ mô đối với các hoạt động kinh tế, tài chính trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Để đáp ứng mục đích trên đây, phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ của KTNN theo quy định của Luật KTNN và các luật có liên quan, nhằm thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt việc quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.

3.2.1.5. Hoàn thiện hệ thống pháp luật Kiểm toán nhà nước phải quán triệt và thực hiện các quan điểm về cải cách hành chính của Nhà nước

Phát triển KTNN phải quán triệt và thực hiện các quan điểm về cải cách hành chính của Nhà nước, xác định cho được quy mô hợp lý trong từng thời kỳ đủ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Xây dựng cơ quan KTNN từng bước chính quy, hiện đại và tinh gọn về bộ máy, tiết kiệm kinh phí, hoạt động hiệu quả. Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001- 2010 của Chính phủ đã được phê duyệt tại Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg ngày 17/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ đã ghi rõ: Đẩy mạnh đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng trong bộ máy Nhà nước. Thực hiện chế độ kiểm toán và các chế độ bảo vệ tài sản công và ngân sách nhà nước" [3] và

"Đổi mới công tác kiểm toán đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp nhằm nâng cao trách nhiệm và hiệu quả sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước, xoá bỏ tình trạng nhiều đầu mối thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp" [3].

Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 ban hành kèm theo Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 12/5/2009 của Chính phủ đã chỉ rõ: "Sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật về kiểm toán nhằm phân định phạm vi hoạt động giữa Kiểm toán nhà nước và thanh tra tài chính, khắc phục sự chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán" [6].

3.2.1.6. Hoàn thiện hệ thống pháp luật Kiểm toán nhà nước phải nhằm đáp ứng yêu cầu chủ động hội nhập kinh tế quốc tế; phù hợp với các nguyên tắc, thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn của Việt Nam

Một trong những yêu cầu quan trọng của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi phải xây dựng nền tài chính lành mạnh, công khai, đảm bảo tính minh bạch. Để thực hiện yêu cầu nói trên, ở các nước trên thế giới và khu vực đều có một cơ quan độc lập về tổ chức và chức năng làm nhiệm vụ kiểm tra, xác nhận tính đúng đắn, tính hợp pháp và tính kinh tế của công tác quản lý tài chính - Đó là SAI (cơ quan KTNN). Kinh nghiệm các nước trên thế giới đều cho thấy, việc phát triển cơ quan KTNN cùng với các công cụ kiểm tra khác của Nhà nước là điều kiện cần thiết và là tiền đề để có môi trường tài chính lành mạnh, minh bạch, tạo điều kiện để thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư trong và ngoài nước, đảm bảo cho đất nước phát triển nhanh chóng, ổn định và bền vững. Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, việc phát triển cơ quan KTNN cũng phải phù hợp với đòi hỏi của các định chế tài chính quốc tế, đặc biệt khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO); đồng thời phù hợp điều kiện thực tiễn của Việt Nam. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một phần của tài liệu Pháp luật về kiểm toán nhà nước Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế (Trang 105 - 111)