Vai trò và ưu thế của giải quyết tranh chấp thương mại bằng Tòa án

Một phần của tài liệu Giải quyết tranh chấp thương mại bằng tòa án theo tinh thần cải cách tư pháp ở việt nam (Trang 34 - 36)

Giải quyết TCTM bằng Tòa án là một hình thức giải quyết TCTM trong nền kinh tế, do đó, giải quyết TCTM bằng Tòa án có những vai trò và ưu thế nhất định đối với Nhà nước, xã hội, doanh nhân và nền kinh tế. Vai trò của giải quyết TCTM bằng Tòa án đối với Nhà nước thể hiện ở thông qua hoạt động giải quyết các vụ án

về TCTM, Nhà nước kiểm soát được các hoạt động kinh doanh, thương mại trong nền kinh tế. Đồng thời, đảm bảo cho các hoạt động này diễn ra theo luật định, góp phần phát triển nền kinh tế và làm tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế bằng việc bảo vệ công lý và trật tự trong hoạt động kinh doanh, thương mại. Giải quyết TCTM bằng Tòa án giúp cho cơ quan quản lý Nhà nước về kinh doanh, thương mại khắc phục được từng bước các “lỗ hổng” về luật pháp và cơ chế về hoạt động kinh doanh, thương mại của các chủ thể tham gia hoạt động này trong nền kinh tế.

Trên bình diện xã hội, giải quyết TCTM bằng Tòa án thúc đẩy định hướng hình thành một xã hội dân chủ, xã hội công dân thể hiện ở sự đảm bảo công lý, công bằng trong hoạt động kinh doanh, thương mại của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào trong xã hội. Bằng các quyết định và bản án của Tòa án, các bên có TCTM phải thực hiện để khắc phục và chấm dứt tranh chấp, đảm bảo cho hoạt động kinh doanh, thương mại trong nền kinh tế diễn ra trong trật tự luật pháp. Trong bối cảnh nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi cơ chế kinh tế, hình thành đồng bộ thể chế kinh tế mới trên nền một xã hội nông nghiệp, xuất phát điểm thấp, có truyền thống văn hóa phương Đông cổ truyền như nước ta và bối cảnh tự do hóa thương mại toàn cầu thì giải quyết TCTM bằng Tòa án từng bước tạo dựng thói quen giải quyết tranh chấp trong hoạt động kinh doanh, thương mại có văn minh, khắc phục từng bước tình trạng xử lý tranh chấp kinh tế bằng “luật rừng” (bảo kê, thuê vệ sĩ để cưỡng chế đòi nợ, xiết nợ, sự hoành hành của xã hội đen) đã được báo giới không ít lần cảnh báo [72, tr. 641]. Như vậy, có thể nói giải quyết TCTM bằng Tòa án ở nước ta từng bước góp phần tạo dựng một môi trường kinh doanh, thương mại có trật tự luật pháp trong xã hội mà qua đó, Tòa án là thiết chế tư pháp góp phần tôn trọng quyền tự do cho các nhà kinh doanh trong việc giải quyết tranh chấp và cũng là hình thức giải quyết TCTM hữu hiệu bảo đảm quyền tự do kinh doanh trong xã hội có NNPQ.

Đối với doanh nhân, giải quyết TCTM bằng Tòa án mang lại quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nhân khi bị xâm phạm bởi một chủ thể khác. Có vụ án về TCTM giá trị tài sản rất lớn, đôi khi đặc biệt lớn nên giải quyết TCTM thành công cũng đồng nghĩa với việc mang lại một tài sản lớn cho doanh nhân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, giải quyết các vụ án về TCTM bằng Tòa án trong nhiều trường hợp lấy lại uy tín trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của nhiều doanh nghiệp. Dưới góc độ nền kinh tế quốc dân, giải quyết TCTM bằng Tòa án khắc phục những thiệt hại kinh tế do một hoặc các bên trong TCTM vi phạm, góp phần mang lại giá trị kinh tế chung cho nền kinh tế. Bởi, giá trị tranh chấp thường lớn, tranh chấp trong kinh doanh thông thường mang tính phản ứng “dây chuyền” và mức độ ảnh hưởng của tranh chấp là rất lớn, nó tác động xấu đến quá trình kinh doanh, đến tr ật tự kinh tế nói chung [38, tr. 35].

Ưu thế của giải quyết TCTM bằng Tòa án so với các hình thức giải quyết TCTM khác trong nền kinh tế thể hiện ở sự bảo đảm thực hiện các bản án, quyết định của Tòa án bằng sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước thông qua cơ quan thi hành án, nếu các bên không tự nguyện thi hành. Đây là ưu thế nổi bật của hình thức giải quyết TCTM bằng Tòa án (bắt nguồn từ quyền lực Nhà nước - quyền tư pháp được trao cho Tòa án và các cơ quan tư pháp khác) mà các hình thức giải quyết TCTM khác không có được như thương lượng hay hòa giải. Các kết quả của các hình thức giải quyết này như thỏa thuận thương lượng, thỏa thuận hòa giải (ngoài tố tụng) đều không mang tính cưỡng chế. Việc thực hiện chúng phụ thuộc vào ý chí, tinh thần, thái độ của các bên có TCTM, cho nên quyền, lợi ích hợp pháp của các bên nhiều khi không được bảo đảm. Ưu thế này hiện nay cũng có ở hình thức giải quyết TCTM bằng TTTM (theo Điều 57 PLTTTM).

Một phần của tài liệu Giải quyết tranh chấp thương mại bằng tòa án theo tinh thần cải cách tư pháp ở việt nam (Trang 34 - 36)