TAND CẤP TỈNH
2.4.5. Về chứng minh và chứng cứ
Điểm mới của BLTTDS quy định về nghĩa vụ chứng minh là, nghĩa vụ chứng minh không chỉ đặt ra với bên khởi kiện mà đặt ra với cả bên bị kiện, cá nhân, cơ quan tổ chức khởi kiện bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước hoặc yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Quy định này thể hiện sự bình đẳng, ngang bằng về nghĩa vụ chứng minh, không có đương sự nào được miễn trừ nghĩa vụ chứng minh, dù đương sự đó khởi kiện bảo vệ lợi ích của mình hay lợi ích chung hoặc yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Đặc biệt, lần đầu tiên Bộ luật quy định về hậu quả của việc không chứng minh được hoặc chứng minh không đầy đủ. Đây là điểm mới nổi bật, có ý nghĩa lớn trong cuộc CCTP hiện nay, khắc phục khiếm khuyết của Điều 3 PLTTGQCVAKT chỉ quy định chứng minh là nghĩa vụ của đương sự và không quy định hậu quả của nghĩa vụ chứng minh của đương sự. BLTTDS quy định về quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh của đương sự đảm bảo trung gian xét xử của Tòa án về các TCTM. Tòa án không can thiệp vào các TCTM của đương sự trong việc cung cấp chứng cứ và chứng minh cho yêu cầu của đương sự. Đồng thời, khắc phục được thực tế thời gian qua có đương sự không hợp tác với Tòa án khi Tòa án thu thập chứng cứ như không cho Tòa án xem xét đối tượng tranh chấp, triệu tập đến Tòa án để lấy lời khai đã không đến… gây khó khăn cho công việc xét xử của Tòa án [109, tr. 40].
Lần đầu tiên, khái niệm về chứng cứ và các nguồn chứng cứ và xác định chứng cứ được quy định trong BLTTDS tại các Điều 81, 82 và Điều 83. Các quy định này có tác dụng tạo cơ sở pháp lý khẳng định những gì được coi là chứng cứ. Bên cạnh đó, các nguồn chứng cứ cũng lần đầu tiên được đề cập đến và theo đó, xác định chứng cứ cũng tuân theo thủ tục nghiêm ngặt, khoa học trong tố tụng đảm bảo
cho chứng cứ phản ánh sự thật khách quan, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đương sự. Điểm mới trong những quy định về nguồn chứng cứ là lần đầu tiên, BLTTDS quy định các tài liệu nghe được, nhìn được là một trong các nguồn chứng cứ. Quy định này phù hợp với đời sống xã hội hiện nay, đặc biệt là sự phát triển của khoa học công nghệ với xã hội công nghệ thông tin và nền kinh tế tri thức.
Cũng lần đầu tiên BLTTDS quy định cụ thể việc thu thập chứng cứ. Theo khoản 2 Điều 84 Bộ luật này đã quy định rõ trách nhiệm của Tòa án khi tiếp nhận chứng cứ, đó là khi đương sự giao nộp chứng cứ, Tòa án phải lập biên bản về việc giao nhận chứng cứ… Những quy định về giao nộp chứng cứ lần đầu tiên cũng được ghi nhận rõ ràng đảm bảo chứng cứ không bị giả mạo, đánh tráo, sửa chữa, thất lạc… và đảm bảo giá trị pháp lý trong quá trình sử dụng [109, tr. 41]. Theo quy định của BLTTDS tại các Điều 85, 86, 87, 88, 90 và Điều 94 chỉ trong những trường hợp cần thiết, Tòa án (cụ thể là Thẩm phán) tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ. Những quy định này cho thấy việc cung cấp chứng cứ và chứng minh là quyền và nghĩa vụ của đương sự và Thẩm phán của Tòa án chỉ tiến hành thu thập chứng cứ khi (i) đương sự không thể tự mình thu thập được chứng cứ; (ii) đương sự có yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ. Đây là quy định hoàn toàn mới, thể hiện việc đề cao trách nhiệm của đương sự trong việc thu thập chứng cứ, thực hiện nghĩa vụ chứng minh của đương sự, hạn chế nhiệm vụ điều tra, thu thập chứng cứ của Tòa án [109, tr. 42].
Những vấn đề về bảo quản, đánh giá, công bố, sử dụng và bảo vệ chứng cứ lần đầu tiên cũng được quy định c hi tiết trong BLTTDS từ Điều 95, 96, 97 và Điều 98. Theo những quy định này trách nhiệm bảo quản chứng cứ thuộc về người giữ chứng cứ và bảo vệ chứng cứ trước nguy cơ bị tiêu hủy hoặc khó có thể thu thập được sau này, Tòa án có thể áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo toàn chứng cứ… Điểm lưu ý là Tòa án không công bố công khai chứng cứ có liên quan đến bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh theo yêu cầu chính đáng của đương sự (khoản 2 Điều 97 BLTTDS). Quy định này đảm bảo hạn chế những ảnh hưởng của quá trình giải quyết các vụ án về TCTM đến hoạt động kinh doanh, thương mại của đương
sự. Đồng thời, BLTTDS cũng quy định quyền khiếu nại của đương sự về quyết định áp dụng biện pháp thu thập chứng cứ của Tòa án (khoản 3 Điều 85 BLTTDS) nhằm đảm bảo quyền khiếu nại, tố cáo của đương sự ghi nhận tại Điều 24 của Bộ luật này.