Về thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp phúc thẩm

Một phần của tài liệu Giải quyết tranh chấp thương mại bằng tòa án theo tinh thần cải cách tư pháp ở việt nam (Trang 93 - 97)

TAND CẤP TỈNH

2.4.13. Về thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp phúc thẩm

a) Về tính chất của xét xử phúc thẩm và kháng cáo, kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm

Tính chất của xét xử phúc thẩm được quy định tại Điều 242 BLTTDS mà PLTTGQCVAKT chưa quy định. Như vậy, xét xử phúc thẩm là một cấp xét xử thực hiện chế độ hai cấp xét xử là một nguyên tắc trong hoạt động tố tụng được quy định tại Điều 11 Luật Tổ chức TAND năm 2002 và Điều 17 BLTTDS. Bộ luật cũng có quy định chi tiết về đơn kháng cáo tại Điều 244 (Điều 60 PLTTGQCVAKT), đặc biệt lần đầu tiên Bộ luật quy định việc kiểm tra đơn kháng cáo tại Điều 246 nhằm kiểm tra tính hợp lệ của đơn kháng cáo, giải quyết trường hợp đơn kháng cáo quá hạn, yêu cầu người kháng cáo sửa đổi, bổ sung nội dung đơn kháng cáo. Về thời hạn kháng cáo, BLTTDS quy định sửa đổi với thời hạn là mười lăm ngày (khoản 1 Điều 61 PLTTGQCVAKT là mười ngày), và quy định rõ về thời hạn kháng cáo đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là bảy ngày, kể từ ngày người có quyền kháng cáo nhận được quyết định. Việc kháng cáo quá hạn, Điều 247 BLTTDS quy định chi tiết hơn khoản 3 Điều 61 PLTTGQCVAKT tạo điều kiện cho đương sự thực hiện quyền kháng cáo.

BLTTDS có quy định mới về việc thông báo nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm tại Điều 248 nhằm nêu rõ nghĩa vụ của người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm với thời hạn rõ ràng (10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án về việc này) để ràng buộc về mặt pháp lý đối với việc kháng cáo của đương sự với hậu quả khi không thực hiện việc nộp tiền tạm ứng án phí được coi là từ bỏ việc kháng

cáo. Về thông báo việc kháng cáo, Điều 63 PLTTGQCVAKT quy định là thời hạn mười ngày, kể từ ngày người kháng cáo xuất trình chứng từ về việc nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, Tòa án cấp sơ thẩm thông báo việc kháng cáo thì nay Tòa án cấp sơ thẩm phải thông báo ngay bằng văn bản sau khi chấp nhận đơn kháng cáo hợp lệ cho VKS cùng cấp và đương sự có liên quan đến kháng cáo (khoản 1 Điều 249 BLTTDS). Điều 63 PLTTGQCVAKT quy định việc gửi ý kiến của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng cáo là trách nhiệm, không quy định rõ là bằng văn bản và với thời hạn là bảy ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, BLTTDS quy định là quyền của người được thông báo về việc kháng cáo, gửi ý kiến bằng văn bản cho Tòa án cấp phúc thẩm và nó được đưa vào hồ sơ vụ án (khoản 2 Điều 249 BLTTDS).

Đối với kháng nghị của VKS, những quy định mới hoặc sửa đổi, bổ sung trong BLTTDS cũng tương tự như về kháng cáo. Cụ thể, BLTTDS quy định rõ về (i) nội dung quyết định kháng nghị của VKS; (ii) thời hạn kháng nghị có sự sửa đổi theo hướng kéo dài hơn so với PLTTGQCVAKT (theo khoản 2 Điều 61 của Pháp lệnh này, VKS cùng cấp là mười ngày thì nay theo khoản 1 Điều 252 BLTTDS là mười lăm ngày, của VKS cấp trên trực tiếp là hai mươi ngày thì nay là ba mươi ngày, kể từ ngày tuyên án) và quy định rõ thời hạn kháng nghị của VKS cùng cấp đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là bảy ngày, của VKS cấp trên trực tiếp là mười ngày, kể từ ngày VKS cùng cấp nhận được quyết định; (iii) thông báo về việc kháng nghị, Điều 63 PLTTGQCVAKT thời hạn mười ngày, VKS gửi bản sao bản kháng nghị cho đương sự có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng nghị, nay VKS ra quyết định kháng nghị phải gửi ngay quyết định kháng nghị cho đương sự liên quan đến kháng nghị (khoản 1 Điều 253 BLTTDS). Điều 63 PLTTGQCVAKT quy định việc gửi ý kiến của người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến kháng nghị là trách nhiệm, không quy định rõ là bằng văn bản và với thời hạn là bảy ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, BLTTDS quy định là quyền của người được thông báo về việc kháng nghị, gửi ý kiến bằng văn

bản cho Tòa án cấp phúc thẩm và nó được đưa vào hồ sơ vụ án (khoản 2 Điều 253 BLTTDS),

Việc gửi hồ sơ vụ án và kháng cáo, kháng nghị, BLTTDS có sửa đổi theo hướng rút ngắn thời hạn, trước đây là mười ngày (khoản 2 Điều 62 PLTTGQCVAKT) thì nay là năm ngày làm việc (Điều 255 BLTTDS) và bổ sung quy định rõ hai ngày làm căn cứ để Tòa án cấp sơ thẩm gửi hồ sơ vụ án, kháng cáo, kháng nghị và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho Tòa án cấp phúc thẩm bao gồm kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị, nếu người kháng cáo không phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm và kể từ ngày người kháng cáo nộp cho Tòa án cấp sơ thẩm biên lai nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm (Điều 255 BLTTDS). Kế thừa quy định tại Điều 67 PLTTGQCVAKT mang tính chất chung chung, tại Điều 256 BLTTDS quy định bổ sung theo hướng cụ thể hơn về thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị tạo cơ sở pháp lý cho các việc này.

b) Về chuẩn bị xét xử

BLTTDS quy định lần đầu tiên về thụ lý vụ án để xét xử phúc thẩm, về tạm đình chỉ và đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án tại các Điều 257, 259 và 260, đồng thời quy định sửa đổi, bổ sung về thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm, chuyển hồ sơ vụ án cho VKS nghiên cứu tại các Điều 258 và 262. Những quy định mới của Bộ luật này tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi cho Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết vụ án theo thủ tục này. Điều đáng lưu ý là BLTTDS tại Điều 258 quy định sửa đổi, bổ sung, thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm theo hướng kéo dài hơn, cụ thể là hai tháng (theo Điều 66 PLTTGQCVAKT là một tháng). Quy định này không phù hợp với đặc điểm của TCTM và cần phải có sửa đổi theo hướng rút ngắn.

c) Về thủ tục xét xử phúc thẩm

Tại Điều 263 BLTTDS quy định rõ về phạm vi xét xử phúc thẩm của Tòa án cấp phúc thẩm là chỉ xem xét lại phần của bản án, quyết định sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị hoặc có liên quan đến việc xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị. BLTTDS có những quy định mới chi tiết, riêng rẽ, cụ thể khắc phục quy định chung

chung của Điều 69 PLTTGQCVAKT về phiên tòa phúc thẩm cũng được tiến hành theo các thủ tục như phiên tòa sơ thẩm.

Theo tinh thần CCTP của Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02-01-2002 của Bộ Chính trị và quy định tại Điều 11 của Luật Tổ chức TAND năm 2002, Tòa án thực hiện chế độ hai cấp xét xử, do đó, BLTTDS quy định rõ ràng hơn, chi tiết hơn về thủ tục xét xử phúc thẩm, trong đó việc nghe lời trình bày của đương sự tại phiên tòa phúc thẩm, Điều 271 BLTTDS quy định nêu rõ vai trò đặc biệt của người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự kháng cáo rồi người kháng cáo có quyền bổ sung. BLTTDS cũng quy định về những người tham gia phiên tòa phúc thẩm có sửa đổi, bổ sung về vấn đề này tại Điều 264 (Điều 68 PLTTGQCVAKT), theo đó, quy định cụ thể thêm về thành phần những người tham gia phiên tòa phúc thẩm phải được triệu tập là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự cùng với người kháng cáo, đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc giải quyết kháng cáo, kháng nghị; Kiểm sát viên VKS cùng cấp phải tham gia phiên tòa phúc thẩm trong trường hợp VKS kháng nghị hoặc đã tham gia phiên tòa sơ thẩm.

Thủ tục hỏi và công bố tài liệu, xem xét vật chứng tại phiên tòa và tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm được BLTTDS quy định cụ thể tương tự như tại phiên tòa sơ thẩm song có quy định rõ là việc hỏi phải được thực hiện đối với những vấn đề thuộc phạm vi xét xử phúc thẩm quy định tại Điều 263 của Bộ luật về phạm vi xét xử phúc thẩm (Điều 272 BLTTDS) và việc tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm, thứ tự phát biểu khi tranh luận theo quy định tại Điều 271 của Bộ luật về nghe lời trình bày của đương sự tại phiên tòa phúc thẩm, giới hạn của tranh luận là chỉ những vấn đề thuộc phạm vi xét xử phúc thẩm và đã được hỏi tại phiên tòa (Điều 273 BLTTDS). BLTTDS cũng có quy định rõ một điều luật cụ thể về nghị án và tuyên án tạo cơ sở pháp lý cho việc giải quyết vụ án tại Tòa án cấp phúc thẩm là một cấp xét xử theo đúng tinh thần CCTP.

Cũng theo hướng này, thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm cũng được quy định rõ tại Điều 275 (Điều 70 PLTTGQCVAKT), trong đó đáng chú ý là bổ sung quy định về việc hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án. Từ quy

định của điều luật này, Bộ luật cũng quy định cụ thể tiếp theo về sửa bản án sơ thẩm, về hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án và về hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án với các trường hợp áp dụng rõ ràng, cụ thể hơn tại các điều từ Điều 276 đến Điều 278 mà PLTTGQCVAKT tại Điều 71 chỉ quy định căn cứ để sửa đổi bản án, quyết định sơ thẩm.

Về gửi bản án, quyết định phúc thẩm theo Điều 281 BLTTDS thời hạn kéo dài, không phù hợp với đặc điểm của hoạt động kinh doanh, thương mại và cần sửa đổi (theo khoản 3 Điều 72 PLTTGQCVAKT là năm ngày kể từ ngày ra bản án, quyết định thì nay là mười lăm ngày), đối với Tòa phúc thẩm TANDTC xét xử phúc thẩm thì thời hạn này có thể kéo dài hơn nhưng không quá hai mươi lăm ngày. Các đối tượng được gửi bản án, quyết định phúc thẩm cũng mở rộng cụ thể hơn gồm (i) Tòa án đã xét xử sơ thẩm, (ii) VKS cùng cấp, (iii) cơ quan thi hành án, (iv) người đã kháng cáo, (v) người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị hoặc người đại diện hợp pháp của họ (trước đây chỉ quy định gửi cho đương sự và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng cáo, kháng nghị).

Một phần của tài liệu Giải quyết tranh chấp thương mại bằng tòa án theo tinh thần cải cách tư pháp ở việt nam (Trang 93 - 97)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(138 trang)