TAND CẤP TỈNH
2.4.10. Về khởi kiện và thụ lý vụ án
BLTTDS có những quy định về khởi kiện vụ án thể hiện bước phát triển mới của pháp luật tố tụng phi hình sự ở nước ta. Trước hết, về quyền khởi kiện quy định đầy đủ hơn, đó là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tự mình ho ặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình (Điều 161 BLTTDS). Về phạm vi khởi kiện (PLTTGQCVAKT chưa quy định), BLTTDS quy định phạm vi khởi kiện theo hướng mở rộng (Điều 163 BLTTDS). Hình thức, nội dung đơn khởi kiện quy định trong BLTTDS tại Điều 164 cụ thể và chi tiết hơn khoản 2 Điều 31 PLTTGQCVAKT về vấn đề này. Đồng thời, BLTTDS quy định về cách thức gửi đơn khởi kiện; quy định cách tính ngày khởi kiện của đương sự là từ ngày đương sự
nộp đơn tại Tòa án hoặc ngày có dấu bưu điện nơi gửi (Điều 166 BLTTDS); quy định về thủ tục nhận đơn khởi kiện từ đương sự của Tòa án (Điều 167 BLTTDS) mà PLTTGQCVAKT chưa quy định về các vấn đề này.
BLTTDS lần đầu tiên quy định về yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện và khiếu nại, giải quyết khiếu nại về việc trả lại đơn khởi kiện (PLTTGQCVAKT chưa quy định) với thời hạn rõ ràng và có gia hạn tạo cơ sở pháp lý giúp cho đương sự thực hiện được quyền khởi kiện của mình, khi đương sự không sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo yêu cầu của Tòa án thì Tòa án mới trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho người khởi kiện (Điều 169 BLTTDS). Việc khiếu nại của đương sự và giải quyết khiếu nại của Chánh án Tòa án về việc trả lại đơn khởi kiện cũng được quy định lần đầu tiên khắc phục nhiều trường hợp người khởi kiện khi bị Tòa án trả lại đơn không biết khiếu nại với ai với thời hạn cụ thể là ba ngày làm việc kể từ ngày nhận được khiếu nại về việc trả lại đơn khởi kiện từ đương sự (Điều 170 BLTTDS).
Về thụ lý vụ án, BLTTDS quy định cụ thể và có điểm mới về thời hạn người khởi kiện nộp tiền tạm ứng án phí. Theo Điều 33 PLTTGQCVAKT là bảy ngày, nay theo khoản 2 Điều 171 BLTTDS, thời hạn đó là mười lăm ngày. Về nhiệm vụ phân công Thẩm phán giải quyết vụ án của Chánh án Tòa án trong thời hạn ba ngày làm việc kể từ ngày thụ lý vụ án và việc phân công Thẩm phán khác trong quá trình giải quyết vụ án cũng như nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán khi lập hồ sơ vụ án lần đầu tiên được quy định tại Điều 172 và Điều 173 BLTTDS.
Về thông báo việc thụ lý vụ án, theo khoản 1 Điều 34 PLTTGQCVAKT trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày thụ lý vụ án, Tòa án phải thông báo cho bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan biết nội dung đơn kiện thì nay theo quy định tại khoản 1 Điều 174 BLTTDS thời hạn đó là rút ngắn lại chỉ còn ba ngày và việc thông báo này phải bằng văn bản (PLTTGQCVAKT chưa quy định rõ như vậy), nội dung thông báo không chỉ là nội dung đơn kiện như trước mà là việc giải quyết vụ án và thông báo không chỉ cho bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mà còn quy định cụ thể là bao gồm cả thông báo cho VKS cùng cấp. Cũng
trong BLTTDS quy định tại Điều 175 về quyền, nghĩa vụ của người được thông báo phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình với thời hạn mười lăm ngày kể từ ngày nhận được thông báo (khoản 1 Điều 34 PLTTGQCVAKT thời hạn là mười ngày) và BLTTDS cũng có quy định về việc gia hạn thời gian gửi văn bản ghi ý kiến của người được thông báo nhưng không quá mười lăm ngày và quyền yêu cầu Tòa án cho xem, ghi chép, sao chụp đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện của người được thông báo. BLTTDS còn quy định về quyền yêu cầu phản tố của bị đơn và quyền yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng như thủ tục yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập tại Điều 176, Điều 177 và Điều 178. Đây là những quy định đảm bảo tối đa quyền và nghĩa vụ của đương sự và người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án.