Về người tham gia tố tụng

Một phần của tài liệu Giải quyết tranh chấp thương mại bằng tòa án theo tinh thần cải cách tư pháp ở việt nam (Trang 78 - 80)

TAND CẤP TỈNH

2.4.4. Về người tham gia tố tụng

BLTTDS có những quy định mới như lần đầu tiên Bộ luật đưa ra khái niệm về đương sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự (theo nghĩa rộng) tại Điều 56 BLTTDS. Đáng lưu ý là trong khái niệm về đương sự quy định tại Điều 56 BLTTDS đã khắc phục quy định bất cập của Điều 20 PLTTGQCVAKT. Bởi vì, thực tế có những đương sự không phải là pháp nhân như doanh nghiệp tư nhân, tổ hợp tác. Do đó, BLTTDS quy định đương sự gồm cá nhân, cơ quan, tổ chức. Như vậy, cơ quan, tổ chức là đương sự bao gồm cả cơ quan, tổ chức là pháp nhân và cơ quan, tổ chức không phải là pháp nhân. Song cần lưu ý là cơ quan, tổ chức khởi kiện để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách cũng là nguyên đơn (khoản 2 Điều 56 BLTTDS). Tuy nhiên, không phải mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức đều có thể trở thành đương sự trong vụ án mà họ phải có năng lực pháp luật tố tụng dân sự và năng lực hành vi tố tụng dân sự. Do đó, cũng lần đầu tiên BLTTDS đưa ra khái niệm về năng lực pháp luật tố tụng dân sự và năng lực hành vi tố tụng dân sự của đương sự (khoản 1 và 2 Điều 57 BLTTDS). Đồng thời, cũng quy định rõ về độ tuổi của đương sự có đầy đủ hoặc trường hợp không có năng lực hành vi tố tụng (khoản 3, 4, 5, 6, 7 Điều 57 BLTTDS). Trong những quy định của BLTTDS về quyền và nghĩa vụ của đương sự, lần đầu tiên các quyền và nghĩa vụ của đương sự được liệt kê quy định khá chi tiết, rõ ràng tại Điều 58 BLTTDS, bên cạnh đó còn quy định các quyền và nghĩa vụ riêng của các đương sự (Điều 59 đến Điều 61) và vấn đề kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của đương sự rất cụ thể (Điều 62). Những quy định này góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự trong tố tụng.

Về những người tham gia tố tụng khác, BLTTDS có quy định nhiều điểm mới trong đó đáng lưu ý là quy định về người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự với những quyền mở rộng, chi tiết hóa như có quyền xác minh, thu thập chứng cứ và cung cấp chứng cứ cho Tòa án; được ghi chép, sao chụp những tài liệu cần thiết có trong hồ sơ vụ án; tham gia việc hòa giải; tranh luận tại phiên tòa hoặc có văn bản bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; thay mặt đương sự yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng theo quy định của

BLTTDS… (Điều 64 BLTTDS). Những quy định này bảo đảm quyền được bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong điều kiện mở rộng tranh tụng dân chủ theo Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02-01-2002 của Bộ Chính trị là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của CCTP hiện nay.

Một phần của tài liệu Giải quyết tranh chấp thương mại bằng tòa án theo tinh thần cải cách tư pháp ở việt nam (Trang 78 - 80)